MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dự báo khác nhau cho tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021

Những dự báo khác nhau cho tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021

Đã có những cách nhìn khác nhau trong mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 được các Viện nghiên cứu trong nước đưa ra. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, có những điểm mấu chốt đều đã được các Viện nghiên cứu đưa ra để khuyến cáo.

Trong báo cáo mới đây về triển vọng kinh tế Việt Nam 2021, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng không quá lạc quan cho kinh tế Việt Nam năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 5,5-5,8% (tích cực) và kịch bản xấu hơn là chỉ 1,8-2%. Tuy VEPR nghiêng về kịch bản lạc quan nhưng là dựa trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát tốt. Nhưng ngay cả đạt được mức cao nhất mà viện nghiên cứu này đưa ra thì vẫn không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra cho tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,0%.

Trước báo cáo của VEPR, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra dự báo đầy lạc quan về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 với 3 kịch bản cơ sở, tích cực và tiêu cực. Ở mức tích cực GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 7,5-8%, kịch bản cơ sở (trung bình) là ở mức 6,5-7% và ở kịch bản tiêu cực thì GDP tăng trưởng từ 4-4,5%.

Những dự báo khác nhau cho tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 - Ảnh 1.

Kịch bản nào cho tăng trưởng GDP Việt Nam 2021? Ảnh: Minh hoạ.


Chia sẻ riêng với Nhadautu.vn TS. Cấn Văn Lực cho biết, 3 kịch bản tăng trưởng nêu trên đều được Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chạy trên mô hình dựa trên những số liệu giả định khá cụ thể và chính xác về tăng trưởng của từng ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam năm 2021.

"Với kịch bản tăng trưởng cơ sở, Việt Nam có thể đạt mức 6,5-7% vào năm 2021. Điều này hoàn toàn có thể đạt được do tăng trưởng GDP 2021 dựa trên mức nền tăng trưởng GDP năm 2020 thấp. Cùng với đó là việc các nước trên thế giới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2021, vắc xin được đưa vào tiêm chủng như kế hoạch giúp giảm dần tình trạng lây nhiễm, khôi phục phần nào hoạt động kinh tế - xã hội tại các nước", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Với kịch bản lạc quan hơn, nếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ nhanh chóng ban hành và triển khai; quá trình cơ cấu lại, chuyển đổi số được thúc đẩy; thu hút đầu tư trong và ngoài nước hồi phục... thì tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 7,5-8%.

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 1/2021, Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã đưa ra các mô hình dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Tuy nhiên, Viện Kinh tế cho rằng, khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trước khi có các nghiên cứu phân tích mô hình tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam từ phía các Viện nghiên cứu trong nước, một số tổ chức Quốc tế như IMF và WB đã đưa ra những dự báo đầy lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam. Các dự báo này đều tỏ rõ sự lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2021.

Cụ thể, IMF dự báo rằng năm 2021 Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7%, cao hơn Indonesia và Thái Lan, thấp hơn Malaysia và Philippines; WB cũng dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,7%, tiếp tục là nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Đâu là động lực và rủi ro cho tăng trưởng GDP 2021?

Một trong những báo cáo có quan điểm khá rõ ràng về tăng trưởng GDP năm 2021 là của VEPR cho thấy những rủi ro đáng chú ý với nền kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, năm 2020, Việt Nam tăng trưởng hình chữ V, thấp nhất là vào quý 2/2020 và bắt đầu tăng trưởng trở lại ở quý 3 và 4. Riêng quý 4, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 4,48% cao hơn so với Quý 3/2020 (2,62%). Tính chung năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91%.

Những dự báo khác nhau cho tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 - Ảnh 2.

Nguồn: VEPR


Những yếu tố được cho là hỗ trợ cho tăng trưởng là Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư vàthương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Dù có kịch bản khác nhau tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 nhưng các Viện nghiên cứu cho rằng kiểm soát dịch bệnh sẽ là yếu tố hàng đầu trong tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP. Cùng với khả năng kiểm soát dịch là việc duy trì, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ, tạo môi trường để doanh nghiệp sống sót và hoạt động, sáng tạo; cùng với đó là thúc đẩy ứng dụng cộng nghệ.

Các ý kiến cũng cho rằng việc thiết kế các gói hỗ trợ lần 1 là đi đúng hướng nhưng việc thực thi chính sách lại thiếu hiệu quả, thủ tục hành chính phức tạp và khó tiếp cận. Vì vậy, điều quan trọng ở năm 2021 là thực thi hiệu quả gói hỗ trợ lần 1, sau đó mới tính tới gói hỗ trợ lần 2.

Phân tích về khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2021, VEPR cho rằng, đặc biệt, một điều rất cần lưu ý là tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Thực tế thì trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu.

"Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được. Đây cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài", báo cáo của VEPR nhận định.

Theo đó, một khuyến cáo đáng lưu ý thời gian tới là, trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì. Điều này được cho là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.

Một trong những điểm đáng lưu ý nữa là, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế và khai thác thị trường nội địa, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ như đã nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2021 nhằm làm chủ một số yếu tố đầu vào vừa là hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi (giảm thuế, phí…) để phát triển sản xuất và thương mại trong nước nhằm thúc đẩy thị trường nội địa.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên