Những founder tuổi Hợi nổi bật trong giới startup: Người dựng sự nghiệp trên giảng đường, người biến số vốn 5 tỷ đồng thành công ty trị giá 600 tỷ đồng
Xuất phát điểm khác nhau nhưng những cá nhân này đều gây dựng sự nghiệp thành công cho riêng mình, trở thành gương mặt tiêu biểu trong thế hệ startup tuổi Hợi nói riêng và các startup của Việt Nam nói chung.
Nguyễn Việt Hùng - Color Me
Sinh năm 1995 tại Quảng Trị, ngay từ những năm học cấp 3 Nguyễn Việt Hùng đã dành phần lớn thời gian cho môn Tin học. Với hơn chục giải thưởng lớn nhỏ, anh được đại học FPT tuyển thẳng cùng suất học bổng 140%.
Giai đoạn 2015, nhận thấy nhiều bạn sinh viên tại Hà Nội rất thích học thiết kế đồ họa nhưng học phí tại các trung tâm thường khá cao, khoảng 2,5 triệu-3 triệu/tháng, Hùng quyết định tự mở lớp với mức giá chỉ 500.000/tháng. Khóa học đầu tiên ra đời với 3 lớp học cùng 45 học viên.
Sang đến khóa thứ 2, chỉ trong một tuần mở đơn, đã có hơn 100 người đăng ký. Hùng nhận ra rằng thay vì mở một lớp học, anh có thể thành lập cả một trung tâm. Vậy là chàng trai cùng với những người bạn của mình đi khắp Hà Nội, đến từng ngóc ngách để tìm thuê địa điểm, mua sắm bàn ghế và thiết bị.
Đến nay Color Me đã có tổng cộng 3 cơ sở tại Hà Nội và 1 cơ sở trong TPHCM.
Bên cạnh mức học phí vừa phải, chương trình giảng dạy sinh động, startup của Hùng còn có chính sách "bảo hành trọn đời" cho học viên. Tức là nếu đã học một môn nào đó thì về sau họ có thể đến học lại miễn phí bất kỳ lúc. Color Me cũng ứng dụng nhiều công nghệ mới trong giáo dục như điểm danh học viên bằng cách sử dụng QRcode, có hệ thống email tự động chuyển câu hỏi đến cho giảng viên và đặc biệt là mạng xã hội riêng để học viên trao đổi, xem bài thiết kế của nhau.
Bùi Quang Minh (Minh Beta) – Beta Cinexplex
Bùi Quang Minh (Minh Beta) sinh năm 1983. Ngoài thành tích học tập đáng ngưỡng mộ khi nhận học bổng toàn phần Fulbright của chính phủ Mỹ, thi đỗ vào khóa MBA của cả Stanford và Harvard, Minh Beta còn gây ấn tượng bởi quá trình khởi nghiệp biến từ 5 tỷ đồng thành cụm rạp chiếu phim có giá trị lên tới 600 tỷ đồng.
Chia sẻ trên báo chí, Minh Beta cho biết anh đã từng là người sáng lập chuỗi cửa hàng café, bánh ngọt Doco Dunuts tại Việt Nam. Tuy nhiên, anh bất ngờ bán đi chuỗi cửa hàng này và sang Mỹ du học tại Harvard. Hai năm sau Minh về Việt Nam, bắt đầu bước vào lĩnh vực trước nay chỉ thuộc về các ông lớn dày vốn: Kinh doanh rạp chiếu phim.
Với hơn 5 tỷ đồng từ số tiền dành dụm khi bán các cửa hàng Donuts, anh vay mượn thêm từ bố mẹ lẫn bạn bè góp lại được 10 tỷ đồng, vừa đủ để xây dựng cụm rạp chiếu phim đầu tiên tại Thái Nguyên với 3 phòng chiếu. Hướng tới mục đích mang rạp chiếu phim về các tỉnh thành nhỏ hoặc ở những vùng ven thành phố, Beta Cineplex có mức giá vừa phải (khoảng 50.000 đồng/vé), đi kèm với các dịch vụ ăn uống để hấp dẫn khách hàng.
Trải qua 2 vòng gọi vốn trong đó vòng đầu tiên chỉ sau 6 tháng ra mắt, Beta Cineplex đã được định giá ở mức 600 tỷ đồng. Đến nay hệ thống có 10 cụm rạp trên toàn quốc.
Minh Beta còn là người sáng tác bản hit "Việt Nam Ơi", đồng thời lấn sân sang các hoạt động nghệ thuật như sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh,…
Nguyễn Hữu Tuất - FastGo
Sinh năm 1983, Nguyễn Hữu Tuất đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ trước khi đảm nhiệm vị trí CEO Fastgo.
Chính thức ra mắt thị trường vào tháng 6/2018, nghĩa là chỉ 2 tháng sau khi Grab tiến hành thương vụ thâu tóm Uber Đông Nam Á, đến nay FastGo đã có 40.000 tài xế hoạt động trên khắp 10 thành phố ở Việt Nam. Theo chia sẻ của CEO Tuất trên Nikkei, dù chỉ chưa đầy 1 năm tuổi, FastGo đã nhanh chóng mở rộng sang khu vực. Họ gia nhập Yangon vào tháng trước và hiện đang nhắm tới Jakarta - quê nhà của Go-Jek. Được biết hoạt động ở đây có thể chính thức bắt đầu vào tháng 3 tới.
Nói về lợi thế cạnh tranh của FastGo, Nguyễn Hữu Tuất cho biết: "Chúng tôi không thu hoa hồng từ tài xế. Chúng tôi chỉ thu một lượng tiền nhỏ nếu họ kiếm được 1 số tiền tối thiểu mỗi ngày. Đồng thời, lái xe FastGo cũng không tăng giá vào giờ cao điểm và cho người dùng lựa chọn tip cho tài xế".
Trong năm 2019, FastGo sẽ tìm cách mở rộng thị trường sang Mỹ và Brazil, đồng thời tiếp tục thâm nhập vào nhiều thành phố lớn trên khắp Đông Nam Á. Tuy nhiên về vấn đề lợi nhuận, CEO Tuất không tiết lộ cụ thể mà khẳng định lợi nhuận không phải là ưu tiên thời điểm này của FastGo.
Hà Bùi – Sohee
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của Thanh Hóa, Hà Bùi luôn ấp ủ giấc mơ trở thành một doanh nhân thành đạt. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hà theo học ngành kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh.
Vừa đi học chị vừa đi làm thêm để trang trải cuộc sống sinh viên. Niềm đam mê về thời trang bắt đầu nhen nhóm khi chị làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng quần áo, sau đó được thăng chức quản lý.
Sau một thời gian làm việc tại Sài Gòn, Hà Bùi trở về phía Bắc lập nghiệp. Bắt đầu từ việc trở thành đại lý cho các thương hiệu thời trang công sở cao cấp, Hà tiến tới mở một thương hiệu thời trang riêng, chủ động hoàn toàn từ khâu chọn nguyên liệu, sản xuất gia công đến chiến lược kinh doanh sản phẩm.
Tháng 10/2013, Hà Bùi khai trương cửa hàng đầu tiên của Sohee tại TP Thanh Hóa - quê hương của chị. 5 năm tiếp theo, chị lần lượt mở thêm showroom chính hãng khác tại các thành phố trọng điểm miền Bắc như Hạ Long, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Việt Trì...
Lý giải cho chiến lược lấy nông thôn vây thành thị, CEO sinh năm 1983 cho biết ở các tỉnh không có nhiều các showroom thời trang công sở cao cấp, khiến các chị em phải lên tận Hà Nội sắm đồ khá bất tiện. Trong khi đó, số lượng chị em có điều kiện ở các tỉnh rất nhiều, chịu chi, lại không quá khó tính như ở Hà Nội. Thêm một điểm khác là chi phí đầu tư showroom ở các tỉnh thấp hơn nhiều ở Hà Nội mà sức mua lại lớn hơn do thị trường còn rộng.
"Vì thế, tôi quyết định đưa Sohee đi tỉnh trước nhưng tự hứa là sẽ trở lại Hà Nội khi mình có đủ lực. Còn việc chọn Thanh Hóa bởi đó là quê hương của tôi và tôi muốn làm ở quê mình trước", Hà Bùi chia sẻ trên báo chí như vậy.
Với chiến lược đúng đắn này, đến nay Sohee có tổng cộng 14 showroom với 3 chi nhánh tại Hà Nội.
Lê Việt Thắng - 1Offfice
Từ thời còn là sinh viên năm 2 ngành toán ứng dụng của Đại học Bách khoa Hà Nội, Lê Việt Thắng đã ấp ủ ước mơ sáng tạo một phần mềm của riêng mình, biến những lý thuyết trong sách vở thành ứng dụng thực tế giúp doanh nghiệp quản trị hiệu quả.
Năm 2009, Thắng dùng số vốn 30 triệu đồng bố anh "cắm sổ đỏ" ở ngân hàng để khởi nghiệp với công ty đầu tiên, Dos. Sau này Dos thất bại vì không gọi được vốn đầu tư, CEO sinh năm 1983 mới chuyển sang mô hình thứ 2 là 1Office. Đây là mô hình "n trong 1", giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) giải quyết nhiều vấn đề như số hóa toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, cung cấp tính năng lên lịch họp, gửi danh bạ, gửi tin nhắn SMS, thông báo sự kiện mới, chat nhóm, trò chuyện...Với một doanh nghiệp cỡ khoảng 20 đến 50 người, chi phí cho 1Offfice chỉ khoảng 1-2,5 triệu/tháng.
"Cái bài toán mình giải không mới, bản chất trên trên thế giới người ta giải bài toán này rồi nhưng có nhược điểm là chi phí quá cao. Trong khi tại Việt Nam, hơn 90% là DNVVN, chi phí hoạt động không lớn", CEO 8x này cho biết.
Năm 2014, Lê Việt Thắng vinh dự nhận giải thưởng Sao Khuê sau nhiều nỗ lực phấn đấu. Đến 2016, 1Office nhận giải thưởng Khởi nghiệp tiềm năng do cộng đồng 200 Founder bình chọn.