Những “gam màu tối” trong bức tranh về doanh nghiệp có cổ phiếu tăng giá gần 240%
Với sự bứt phá mạnh mẽ từ đầu năm 2017, cổ phiếu API của CTCP ĐT Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) đã ghi nhận mức tăng trưởng 237%. Tuy nhiên, phía sau “bức tranh” cổ phiếu sáng lạn vẫn còn đó những mảng tối và tương lai chưa chắc chắn của API.
Phía sau “bức tranh” cổ phiếu là sự tranh đua của cổ đông ngoại và nhóm lãnh đạo
Nhìn lại những giao dịch của cổ phiếu API trong hơn 1 năm trở lại đây có thể thấy sự tham gia tích cực của cổ đồng ngoại. Cụ thể, ngay từ nửa cuối năm 2016, quỹ Asean Deep Value Fund đã liên tục thực hiện mua vào cổ phiếu API với mật độ ngày càng “dày đặc”.
Trong gần 1 năm rưỡi, Asean Deep Value Fund đã mua vào hơn 2,4 triệu cp, nâng tỷ lệ sở hữu từ 9,33% lên 16,94% tính đến cuối tháng 5/2017. Và hiện vẫn tiếp tục mua vào cổ phiếu.
Trái ngược với sự nhộn nhịp của cổ đông ngoại, các vị lãnh đạo của API dường như không để tâm nhiều đến việc giao dịch cổ phiếu.
Trên thị trường, từ đầu năm 2017, thị giá cổ phiếu API liên tục tăng mạnh, bắt đầu từ mức giá dưới 10.000 đồng/cp, tính tới phiên 19/06/2017, thị giá API đang quanh mức 33.800 đồng/cp, tương đương với mức tăng gần 240%.
Sự việc sẽ không có gì đáng đề cập, nếu như đầu tháng 5/2017, Chủ tịch HĐQT của API- ông Nguyễn Đỗ Lăng không bất ngờ mua hơn 3,5 triệu cp, nâng sở hữu tại API lên hơn 21% và tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của API, không “nổ ra” tranh luận nóng giữa nhóm cổ đông ngoại và ban lãnh đạo.
Tại đại hội khi đó, nhóm cổ đồng ngoại gồm Asean Deep Value Fund và Lucerne Enterprise Ltd với hơn 47% vốn của API (theo lời của đại diện 2 tổ chức này) đã không thể có quyền biểu quyết do không thể hoàn thành thủ tục trong quá trình kiểm tra tư cách cổ đông.
Trong khi Chủ tịch HĐQT của API Nguyễn Đỗ Lăng cho rằng, việc không hoàn thành thủ tục cổ đông là do thiếu sót từ phía nhóm nhà đầu tư ngoại, thì đại diện của 2 tổ chức nước ngoài lại khẳng định, sự việc đã không xảy ra nếu như bên phía API cho biết cụ thể các văn bản cần thiết khi 2 bên bàn bạc trước khi đại hội diễn ra.
Không dừng lại ở đó, không ít lần tại đại hội, ông Lăng đã lên tiếng về việc nhóm 2 cổ đông ngoại muốn dành quyền kiểm soát Công ty và chỉ thiếu một chút là đã làm được, nếu như khéo léo hơn và ông Lăng không tiến hành mua vào hơn 3,5 triệu cp. Theo đó, ông Lăng cũng cho biết, hiện nay nhóm cổ đông của ông Lăng đại diện cho 51% vốn của API. Như vậy, 2 nhóm cổ đông lớn là đang nắm trong tay khoảng 98% vốn API.
Trở lại với cuộc tranh luận giữa 2 bên, phía đại diện cổ đông ngoại liên tục đưa ra những chất vấn phía ban lãnh đạo API về tính minh bạch trong hoạt động của Công ty và một số vấn đề được trình lên.
Kết thúc đại hội, cả hai phía cổ đông ngoại và ban lãnh đạo – đại diện là ông Lăng đã hòa hoãn và nối lại “tình cảm”, tuy nhiên điều này ít nhiều cho thấy được một “con sóng ngầm” đang tồn tại ở API.
Được biết, Asean Deep Value Fund trở thành cổ đông lớn của API từ giữa năm 2013, còn Lucerne Enterprise vào thời điểm đầu năm 2015.
Trải qua quá khứ “ảm đạm”, liệu tương lai tươi sáng có chắc chắn?
Kể từ khi lên sàn từ năm 2009 đến nay, kết quả kinh doanh của API khá thất thường và có sự trồi sụt. Trong giai đoạn 2009-2013, Công ty không hề ghi nhận doanh thu thuần mà hoàn toàn “sống” dựa vào khoản lãi từ các đơn vị liên doanh liên kết. Lợi nhuận ròng API cũng liên tục biến động.
Mặc dù tại ĐHĐCĐ thường niên 2012, Ban lãnh đạo cho biết API sẽ bắt đầu có doanh thu bất động sản (khoảng 58 tỷ đồng), từ 3 dự án của Công ty khi đó là dự án tại KCN Đa Hội, dự án TTTM &VP Thái Nguyên và dự án KDC Túc Duyên. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 2014, API mới bắt đầu ghi nhận doanh thu và con số đạt được cũng rất ít ỏi chỉ hơn 4,2 tỷ đồng.
Qua mỗi năm, API đều vẽ nên những chỉ tiêu “tươi sáng”, tuy nhiên thực hiện lại chênh lệch rất lớn. Đơn cử như năm 2016, API đặt mục tiêu tổng doanh thu 197 tỷ đồng và lãi trước thuế 39 tỷ đồng; tuy nhiên thực tế Công ty chỉ ghi nhận 51,7 tỷ đồng tổng doanh thu (bao gồm doanh thu thuần và doanh thu tài chính) và lỗ trước thuế hơn 3 tỷ đồng. Hay như năm 2014, 2015, Công ty đặt ra kế hoạch doanh thu ở mức hàng trăm tỷ và lợi nhuận cả chục tỷ nhưng thực tế doanh thu và lợi nhuận chỉ dừng ở mức vài tỷ đồng.
Từ ngày 05/04/2016, cổ phiếu API đã bị đưa vào diện bị cảnh báo do có khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2015 hơn 25 tỷ đồng.
Năm 2017, API đặt mục tiêu đột biến cả doanh thu và lợi nhuận lần lượt 455 tỷ đồng và 118 tỷ đồng. Theo kết quả mới nhất trong quý 1/2017, API đạt doanh thu thuần 80,3 tỷ đồng, toàn bộ đều đến từ doanh thu cho thuê đất, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 28,9 tỷ đồng, nhảy vọt so với con số 606 triệu đồng quý I/2016, tương đương 24,5% chỉ tiêu cả năm.
Tuy nhiên, với truyền thống là doanh nghiệp nhiều lần “vỡ kế hoạch”, khó có thể chắc chắn API sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Chính tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, ông Lăng - Chủ tịch API cũng cho biết, nếu không thể bán và bàn giao sản phẩm tại các dự án Bắc Ninh, Huế … thì Công ty sẽ không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
Được biết, hiện nay, API đang có 3 dự án chính là dự án APEC Royal Park Bắc Ninh (tổng mức đầu tư 670 tỷ đồng), dự án Khu công nghiệp APEC Đa Hội (tổng mức đầu tỷ đồng), dự án APEC Royal Park Huế (mức đầu tư 750 tỷ đồng) và một số dự án khác.
Với những gì đã và đang có liệu rằng cái kết nào đang chờ đợi API phía cuối năm 2017?
NDH