MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những gì khó khăn nhất đã "ở phía sau", bao giờ ngành thép mới hồi phục mạnh mẽ?

Những gì khó khăn nhất đã "ở phía sau", bao giờ ngành thép mới hồi phục mạnh mẽ?

Dù giải ngân đầu tư công được dự báo sẽ tăng tốc những quý tới, song vẫn còn một điểm trừ khác khiến ngành thép chưa thể khởi sắc trở lại trong năm nay.

Bức tranh kết quả kinh doanh của ngành thép đã xuất hiện những điểm sáng sau 2 quý sụt giảm liên tiếp. Không nằm ngoài nhận định của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát: “Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua”, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán ước đạt 500 tỷ đồng trong quý 1. Dù còn số này còn khá khiêm tốn song đã được cải thiện đáng kể so với mức âm 4.700 tỷ đồng quý 4/2022.

Những gì khó khăn nhất đã "ở phía sau", bao giờ ngành thép mới hồi phục mạnh mẽ? - Ảnh 1.

Sự phục hồi lợi nhuận chủ yếu đến từ xu hướng tăng của giá thép trong 3 tháng đầu năm. Theo dữ liệu từ tradingeconomics, giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc vào giữa tháng 3 đã leo lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. So với thời điểm chạm đáy 2 năm vào cuối tháng 10 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã tăng gần 26%. Tuy nhiên, giá thép sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Trong nước, giá một số loại thép cũng đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm sau nhiều đợt điều chỉnh giảm giá.

Những gì khó khăn nhất đã "ở phía sau", bao giờ ngành thép mới hồi phục mạnh mẽ? - Ảnh 2.

Những gì khó khăn nhất đã ở lại phía sau?

Trong báo cáo cập nhật ngành thép mới đây, Chứng khoán VNDirect nhận định giá bán thép HRC toàn cầu đã ghi nhận đà phục hồi đáng kể từ tháng 11/2022 sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh giãn cách xã hội do Covid-19. Kỳ vọng nhu cầu thép tại Trung Quốc gia tăng đã khiến các nhà máy tích cực tăng hiệu suất vận hành và tích trữ nguyên vật liệu, dẫn đến việc giá đầu vào cũng tăng. Chi phí đẩy cũng là một tác nhân chính khiến giá bán thép bứt phá mạnh trong quý 1.

Những gì khó khăn nhất đã "ở phía sau", bao giờ ngành thép mới hồi phục mạnh mẽ? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, VNDirect chỉ ra rằng nhu cầu thép thực tế tại Trung Quốc không thực sự mạnh mẽ như kỳ vọng. Sản lượng sản xuất tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ yếu đã khiến giá bán thép tại Trung Quốc quay đầu giảm kể từ cuối tháng 3/2023.

Gần đây, giá than cốc đã liên tục tăng trong giai đoạn tháng 1-3/2023 lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2022, trong bối cảnh dự báo lạc quan hơn đối với kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác. Giá than cốc được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn và mức giảm lớn nhất dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2023 khi nguồn cung (đặc biệt tại Australia) được cải thiện và trở lại mức bình thường.

VNDirect đánh giá việc giá bán đầu ra giảm chậm hơn so với đầu vào giúp biên EBITDA của các công ty thép được cải thiện trong tháng 4/2023. Do đó, đội ngũ phân tích kỳ vọng biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép trong quý 2/2023 tiếp tục được cải thiện so với quý trước đó. Song, nhu cầu thép vẫn sẽ yếu trong các tháng tới khiến biên lợi nhuận các công ty trong ngành vẫn sẽ gặp nhiều biến động, đặc biệt là công ty nhỏ với kỹ năng quản lý hàng tồn kho hạn chế hơn.

Nhu cầu thép Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024

Theo Chứng khoán VNDirect, triển vọng ngành BĐS dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành. Dù chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, góp phần tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý, VNDirect cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để.

Những gì khó khăn nhất đã "ở phía sau", bao giờ ngành thép mới hồi phục mạnh mẽ? - Ảnh 4.

VNDirect cho rằng các chính sách ban hành nhằm tháo gỡ thị trường BĐS từ đầu năm có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để thị trường bất động sản phục hồi.

Do đó, nhóm phân tích nhận định nguồn cung BĐS nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi (1) Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và (2) Áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Điều này dẫn tới việc nhu cầu thép Việt Nam sẽ chỉ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024.

Những gì khó khăn nhất đã "ở phía sau", bao giờ ngành thép mới hồi phục mạnh mẽ? - Ảnh 5.

Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Do đó, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Ngọc Ly

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên