MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những giải pháp tăng "sức đề kháng" cho thị trường chứng khoán 2021

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Các chính sách kịp thời, đúng thời điểm của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tạo tâm lý hứng khởi và yên tâm hơn cho nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh...

Năm 2020, nền kinh tế và thị trường chứng khoán phải đối diện với một biến cố chưa từng có trong lịch sử, đó là đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng, cùng với việc Chính phủ quyết tâm kiểm soát đại dịch và đã kiểm soát thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng. VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng hơn 67% kể từ đáy và tăng hơn 12,3% so với cuối năm 2019.

Trong một năm đặc biệt như 2020, việc quản lý và điều hành thị trường chứng khoán có đặc biệt không, thưa ông?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid–19 tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam, cả thế giới đối mặt cùng một lúc với khủng hoảng y tế, suy thoái kinh tế và tình hình căng thẳng hơn về địa chính trị. Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm thăng trầm.

Kết thúc quý I/2020, chỉ số VN-Index đã mất 33% giá trị so với thời điểm cuối năm 2019. Tuy nhiên, với những nỗ lực từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán Việt Nam được duy trì hoạt động ổn định. Các công ty chứng khoán đã tận dụng tối đa giao dịch từ xa và sẵn sàng cho hệ thống giao dịch chứng khoán kể cả trong trường hợp Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn bị phong tỏa trên diện rộng.

Trong khi đó trên thế giới, chỉ trong vòng một tuần từ 9/3-16/3, thị trường chứng khoán Mỹ đã phải 3 lần kích hoạt cơ chế tạm ngừng giao dịch. Riêng trong ngày 12/3/2020, có đến 10 quốc gia ngoài Mỹ kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch và đặc biệt, ngày 17/3/2020, Philippines đã quyết định tạm ngừng thị trường chứng khoán để đối phó với dịch bệnh.

Có thể nói, các giải pháp từ cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam đưa ra đã có tác dụng hỗ trợ và trấn an tâm lý cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cụ thể: ngày 18/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 14/2020/TT-BTC giảm giá một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán để hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 về quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý quan điểm điều hành không dừng thị trường và giảm tối đa can thiệp hành chính. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều cải cách hành chính như giảm thời gian xem xét hồ sơ mua cổ phiếu quỹ từ 7 ngày xuống còn 24 giờ. Kiến nghị đưa hoạt động chứng khoán vào loại dịch vụ thiết yếu...

Các chính sách kịp thời, đúng thời điểm của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tạo tâm lý hứng khởi và yên tâm hơn cho nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh.

Thị trường chứng khoán đã phục hồi ngoạn mục từ đáy với thanh khoản ngày càng được cải thiện đáng kể. Diễn biến phục hồi của thị trường chứng khoán hiện nay có những đặc điểm gì đáng chú ý, thưa ông?

Có thể nói thành công trong phòng chống dịch bệnh, duy trì đà tăng trưởng kinh tế dương và các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, của Bộ Tài chính là những yếu tố nền tảng tạo nên một năm thành công ngoài mong đợi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả về chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng 12,3% so với đầu năm và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỷ đồng một phiên; trong đó, các tháng 11 và 12 lần lượt đạt mức 10.000 và 15.000 tỷ đồng một phiên, tăng hơn 2 lần so với mức bình quân phiên năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 82,2% GDP năm 2020.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, các thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Thị trường trái phiếu chính phủ đã giúp huy động được 324 nghìn tỷ đồng cho ngân sách với kỳ hạn bình quân 13,92 năm, tăng 64% so với năm 2019 về giá trị huy động. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận mức phát hành kỷ lục 896 nghìn tỷ đồng và có mức vốn hóa đạt trên 15,7% GDP năm 2020. Thị trường chứng khoán phái sinh có quy mô giao dịch tăng gần 80%. Tổng mức huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 384 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

Theo thống kê chưa đầy đủ, 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán làm ăn có lãi, một tỷ lệ rất cao trong năm Covid – 19 so với các khu vực khác của nền kinh tế. Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.

Nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh, thì với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng hồi sinh và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nước có có triển vọng tăng trưởng khả quan nhất khu vực châu Á trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh hiện tại. Đây là điều kiện quan trọng nhất để doanh nghiệp vượt khó và phát triển sản xuất - kinh doanh. Chính vì vậy, đây là những yếu tố nền tảng hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh sự hồi phục tích cực của thị trường thì một chỉ báo quan trọng là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài lại có xu hướng bán ròng khá nhiều. Theo ông, điều đó có đáng ngại?

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có được, trong năm 2020 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 33,5 nghìn tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và mua ròng 4,1 nghìn tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Tổng số tiền nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ra khỏi Việt Nam là trên 1 tỷ đôla Mỹ. Theo ý kiến cá nhân tôi, mức độ bán ròng và rút ròng như trên là chưa đáng lo ngại vì một số lý do sau:

Thứ nhất, trong đại dịch Covid –19, các quỹ đầu tư đã rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi và thị trường cận biên là tất yếu và thực tế mức độ là lớn nhất từ trước tới nay. Do vậy, so với các thị trường trong khu vực thì mức độ bán ròng và rút ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam là rất khiêm tốn. Qua tiếp xúc với các tổ chức đầu tư quốc tế lớn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thấy tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài khá ổn định, tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với những số liệu thống kê từ thị trường, có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng. Tuy nhiên giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng gần 14,37% so với cuối năm 2019.

Thứ hai, nếu nhìn từ khía cạnh vĩ mô, chúng ta có thể thấy rằng các cân đối vĩ mô của nền kinh tế đều đang được duy trì tốt, đặc biệt chưa bao giờ có khoản dự trữ ngoại tệ lớn như hiện nay. Đây là cơ sở vững chắc giúp chúng ta chủ động để có thể ứng phó với biến động từ dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Quan điểm của cơ quan quản lý là luôn hoan nghênh và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Chính sách ổn định và minh bạch hơn sẽ giúp cho các nhà đầu tư yên tâm hơn và vững tin hơn khi đầu tư vốn vào Việt Nam.

Vậy đâu là dấu ấn quan trọng của năm 2021 để thị trường chứng khoán có thể kỳ vọng duy trì được sự tăng trưởng, thưa ông?

Theo tôi, năm dấu ấn tích cực mà chắc chắn xảy ra.

Thứ nhất, chúng ta có thể thấy thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII tới đây sẽ là yếu tố đặt nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán nhờ đó sẽ được hưởng lợi từ chính sách của Đảng và Chính phủ được ban hành ngay sau đó.

Thứ hai, chúng ta thấy dấu ấn của thị trường chứng khoán Việt Nam qua 20 năm phát triển và chiến lược phát triển trong thời gian tới sẽ được hoạch định thông qua Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030.

Thứ ba, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021 và các văn bản hướng dẫn được ban hành có hiệu lực từ 2021.

Thứ tư, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được hình thành và bắt đầu sự chuẩn bị cho kế hoạch phân định lại thị trường theo hướng chuyên nghiệp hơn: Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh tập trung cho giao dịch cổ phiếu, chứng quyền có bảo đảm, chứng chỉ quỹ; Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tập trung cho giao dịch trái phiếu và phái sinh.

Thứ năm, gói thầu công nghệ thông tin sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2021, và việc nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC).

Tất cả những dấu ấn của 2021 sẽ tạo nền tảng và cũng là niềm tin, cùng với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển bền vững trong năm 2021.

Theo Hoàng Xuân

VnEconomy

Trở lên trên