MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những “hang ổ” chiếm dụng vỏ bình gas vẫn ngoài vòng pháp luật

31-12-2020 - 13:31 PM | Thị trường

Tình trạng gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh gas giả, gas lậu, trốn thuế... đang là vấn đề nổi cộm trên thị trường kinh doanh gas (khí hóa lỏng) hiện nay, dẫn đến nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho người tiêu dùng.

Chiêu trò để tăng lợi nhuận

Gần đây, trên mạng xã hội xôn xao về việc, một số cơ sở cho nước vào trong bình để tăng trọng lượng rồi bán cho khách. Nhưng rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh gas cho biết, không những không có việc này, mà đây thậm chí lại là chiêu trò của khách mua gas.

Gia đình chị Phạm Thanh Hương (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có 3 người, nên thời gian sử dụng gas trung bình khoảng 2,5 tháng. Do thường xuyên theo dõi nên chị nắm được lịch thay gas của gia đình. Theo chị Hương, nếu tháng nào dùng nhiều thì gas cũng chỉ hết sớm hơn khoảng 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, khi cơ sở gas chị hay gọi dừng hoạt động, chị Thủy phải gọi sang cơ sở khác thì thời gian sử dụng chỉ vỏn vẹn 1 tháng. "Ngỡ ngàng vì gas hết quá nhanh, tôi bỏ bình ra lắc thử thì nghe tiếng lạo xạo như có cát ở trong. Bình vẫn còn khá nặng nhưng bật bếp nhiều lần vẫn không ra lửa", chị Hương cho hay.

Theo chủ một cơ sở kinh doanh gas ở Hà Nội, khách dùng hết gas đã bơm nước vào để bán lại bình và gas thừa cho các đại lý. Một số người kinh doanh nấu cỗ sự kiện cũng sử dụng phương thức này để kiếm thêm. Nếu đại lý không kiểm tra cẩn thận thì sẽ thiệt hại không nhỏ.

Song, chủ cơ sở này cũng cảnh báo, các cơ sở kinh doanh gas lậu, thiếu uy tín cũng có thể sử dụng các biện pháp gian lận như vậy để tăng lợi nhuận. Người dùng cần nắm được một số thông tin cơ bản để tránh bị lừa.

Theo đó, chủ cơ sở kinh doanh gas này cho biết, khi mua gas người tiêu dùng phải cân bình gas đó lên. Khối lượng chuẩn của bình gas sẽ bằng số cân của vỏ (được ghi trên bình) cộng với 12kg gas. Sai số chỉ khoảng 150g, bởi nếu thiếu 200g gas thôi thì đại lý cũng sẽ trả lại đầu mối cung cấp. "Khi dùng hết gas, người dùng nên cân lại vỏ gas để biết khối lượng có đúng như trên vỏ. Nếu số cân lớn hơn thông số ghi trên vỏ thì không nên gọi gas của cửa hàng đó nữa, thậm chí có thể phạt", chủ cơ sở cho hay.

Những “hang ổ” chiếm dụng vỏ bình gas vẫn ngoài vòng pháp luật - Ảnh 1.

Chiếm dụng vỏ bình và sang chiết gas gây ảnh hưởng lớn đến cả người tiêu dùng và DN.


Vá lỗ hổng cơ chế?

Mỗi năm lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm trong kinh doanh khí hóa lỏng, riêng trong năm 2020 lượng quản lý thị trường đã phát phiện khoảng 20 vụ sang chiết gas trái phép. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các cơ quan chức năng con số này khá khiêm tốn so với những gì thực tế đang diễn ra. Vấn đề là cần có một chế tài đủ mạnh và cái tâm của người "cầm cân nảy mực".

Hiện nay trên thị trường có gần 100 thương hiệu gas, với tổng mức tiêu thụ khoảng hơn 2 triệu tấn/năm. Mặc dù không lớn, nhưng do có quá nhiều đầu mối tham gia nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm nhãn hiệu, gian lận thương mại, sang chiết gas trái phép... Thậm chí, có nhiều cá nhân, DN bất chấp quy định, cắt tai, mài vỏ bình, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình và tung ra thị trường cạnh tranh với giá thấp, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.

Sự nở rộ các thương hiệu gas cũng cho thấy các quy định về điều kiện kinh doanh gas, mạng lưới phân phối theo Nghị định 87 và các quy định trước đây còn nhiều lỗ hổng, tạo kẽ hở cho những DN không đủ năng lực tham gia kinh doanh gây nhiễu loạn thị trường. Cũng vì lẽ đó, nhiều "ông lớn" nước ngoài đã phải rút khỏi thị trường Việt Nam sau khi đầu tư cả trăm tỷ đồng vào lĩnh vực này.

Nghị định 87 cho phép thương nhân kinh doanh được phép thuê vỏ bình gas nhưng không phải đăng kí nhãn hiệu hàng hóa. Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi xảy ra cháy nổ sẽ không thể gắn hay quy trách nhiệm cụ thể đến từng thương nhân.

Một vấn đề nữa là quy định bắt buộc phải lập sổ theo dõi bình gas bán ra cũng đang gây lãng phí về thời gian và chi phí của DN. Ước tính khoản đầu tư ban đầu cho hoạt động này lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó các chỉ tiêu trong quy chuẩn 08:2019 của Bộ KHCN về chất lượng gas nhập khẩu đang ở mức khá thấp, nên hầu hết các sản phẩm gas nhập khẩu vào nước ta đều đạt "chuẩn"; việc kiểm tra chỉ mang tính chất "thủ tục". Do đó, cần nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng gas nhập khẩu, nhằm đảm an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý liên quan là vô cùng cấp thiết nhằm lập lại ổn định cho thị trường kinh doanh gas. Trước mắt cơ quan năng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa các cơ sở sản xuất kinh doanh gas; chủ động thanh kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Bởi thực tế cho thấy sự vào cuộc của các lực lượng chức năng hiện chỉ mang tính chất định kỳ chứ chưa chủ động tìm kiếm, phát hiện những "hang ổ" gian lận. Các vụ vi phạm việc đều do DN tự phát hiện và báo tin, nhưng khi lực lượng chức năng có mặt thì hầu hết các đối tượng đã kịp thời tẩu tán tang vật.

Quy định pháp luật là điều kiện cần, song những người "cầm cân nảy mực" mới là quyết định. Bởi vậy, cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thực thi liêm chính, công minh, nắm rõ và làm đúng chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo Thái An

Pháp luật và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên