MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những hình ảnh đầu tiên ở Triều Tiên - đất nước kỳ lạ

19-10-2016 - 15:10 PM | Tài chính quốc tế

Không dùng nội tệ. Không điện thoại. Không Internet. Không tự ý ra khỏi khách sạn. Không tiếp xúc người dân. Không quay phim, chụp ảnh tùy thích... Đó chỉ có thể là Triều Tiên.

Câu chuyện về đất nước bí ẩn này lôi kéo chúng tôi ngay từ Sài Gòn. Và một chặng đường dài trung chuyển từ thủ đô Hà Nội sang Hong Kong, Bắc Kinh cho đến TP biên giới Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc...

Những điều cấm kỵ

Chuẩn bị cho chuyến đi Triều Tiên, một thành viên trong đoàn liên hệ và mua tour của một văn phòng du lịch ở TP Đan Đông.

Trong tour, chúng tôi phải tự tìm đường đến TP Đan Đông, vốn rất xa và cách trở, nhưng mọi thứ đã có Hải, từng học nhiều năm ở Trung Quốc, vừa giỏi tiếng vừa đi nhiều nên rất yên tâm.

Ngày lên đường chúng tôi bay từ Nội Bài sang Hong Kong và quá cảnh bảy tiếng rồi bay tiếp chuyến Bắc Kinh.

Sở dĩ chọn Hong Kong Airlines và chấp nhận quá cảnh thời gian dài vì giá vé rẻ hơn gần 300 USD so với chuyến bay thẳng đến Bắc Kinh của một hãng hàng không VN.

Đến sân bay Bắc Kinh gần nửa đêm, mất hơn 15 phút làm thủ tục nhập cảnh và khoảng 40km taxi, về đến khách sạn đã 1g sáng. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tiếp tục tìm đường ra ga Nam Bắc Kinh và mua vé tàu lên Đan Đông. Chuyến tàu chạy tối đa 300km/h khởi hành từ 10g sáng, đến TP biên giới Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh lúc nắng vàng sắp tắt.

Sau giờ làm thủ tục xuất cảnh, chờ lên tàu liên vận Trung - Triều ở ga Đan Đông vào sáng hôm sau, lão Tôn, đại diện văn phòng tour ở TP này, “quán triệt” mấy điều: “Nếu không muốn bị tịch thu máy móc thì quý vị phải xóa ngay tất cả phim ảnh liên quan đến Hàn Quốc trong máy. Hình ảnh lãnh đạo các nước, kể cả của nước bạn cũng nên xóa (!?).


Chụp hình cùng tàu liên vận Trung – Triều - Ảnh: THÁI LỘC

Chụp hình cùng tàu liên vận Trung – Triều - Ảnh: THÁI LỘC

Sang đó khi ở khách sạn, tối không được ra ngoài một mình nếu không sẽ bị xem là gián điệp, bị tóm và đưa đi thẩm vấn ngay. Chỉ được chụp ảnh những nơi cho phép, nếu không sẽ bị xóa tất cả! Tuyệt đối không léng phéng hỏi han người dân ở bất cứ nơi đâu...”.

Theo lão Tôn, mỗi ngày có khoảng trăm khách du lịch sang Triều Tiên theo ngả Đan Đông bằng tàu liên vận, chủ yếu là người Trung Quốc. Đoàn VN chúng tôi thuộc thành phần... quý hiếm.

Khi tàu chuẩn bị chạy, một anh nhân viên lên toa phát cho mỗi khoang (nằm) sáu suất cơm hộp. Chỉ sau hai phút xuất phát, chiếc tàu liên vận đã đưa chúng tôi chạy chầm chậm qua cây cầu hữu nghị Trung - Triều tiến sang đất Triều Tiên.

Kiểm tra kỹ lưỡng

Vượt cầu biên giới trong một cảnh sắc im lìm và vắng hẳn sự sống, tàu đến ga Tân Nghĩa Châu thuộc tỉnh Bình An Bắc của Triều Tiên.

Nhà ga cũ kỹ, rộng rãi và vắng lặng, chỉ có trên sân ximăng láng bóng là mấy “đồng chí” (ở Triều Tiên mọi người gọi nhau là đồng chí: đồng chí lái xe, đồng chí phục vụ, đồng chí hướng dẫn viên...) mặc quân phục có trang bị súng, cách nhau đoạn chừng hơn 100m, nghiêm cẩn đứng chào.

Tàu vừa dừng hẳn thì hai cán bộ từ dưới ga đi lên. Việc đầu tiên là họ hỏi hộ chiếu, chúng tôi đưa ra, họ thu hết. Xong, vị này hỏi visa.

Đó là visa chung ghi là “Thẻ du lịch” của “Công ty du lịch quốc tế Triều Tiên - Bình Nhưỡng. Mặt sau thẻ này có dán ảnh trưởng đoàn là một phụ nữ Trung Quốc, ghi rõ tên “La Jun Ha (và chín người khác)”, kèm thông tin về mã số vào Triều Tiên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, công việc, số hộ chiếu và thời hạn du lịch... Nhờ vậy chúng tôi mới biết rõ đoàn có 10 người, ngoài sáu người Việt trong nhóm, còn có hai mẹ con người Hong Kong và hai vợ chồng người Bắc Kinh - Trung Quốc.

Sau khi nhận visa, các đồng chí cán bộ lên toa, mỗi người một công việc khám xét. Người thì kiểm tra các loại máy móc, đáng chú ý nhất vẫn là điện thoại, máy tính và các loại liên quan đến sách vở, văn hóa phẩm.

Một đồng chí mở điện thoại ra kiểm tra từng bức ảnh một. Vị này còn dò từng phần mềm trong máy. Còn vali thì buộc đưa ra toàn bộ quần áo; một số vật dụng được săm soi từng li từng tí rất kỹ lưỡng.

Sau khoảng hai tiếng khám xét, một cán bộ nam ôm lên xấp hộ chiếu. “Viet Nam, Viet Nam!”, vị cán bộ hô to rồi phát hộ chiếu cho mọi người với một thái độ hết sức cởi mở, vui vẻ và thân thiện.

Như làng quê VN

Tàu chuyển bánh khi đã gần giữa trưa. Dù khổ đường ray theo chuẩn quốc tế rộng 1,435m, nhưng hạ tầng dường như đã xuống cấp nên tàu chạy chậm và rất ồn. Tốc độ của tàu không quá 60-70km/h. Những đoạn chạy nhanh hơn thì lắc rất mạnh. Nước máy trên toa chảy nhỏ giọt, nhà vệ sinh khá bẩn với công nghệ... xả thẳng xuống đường ray.

Vừa ra khỏi Tân Nghĩa Châu, tàu chạy giữa cánh đồng lớn với những thửa ruộng lúa nước sắp chín nối nhau... Song song bên trái với đường tàu là một tuyến đường đất cấp phối, thi thoảng mới có chiếc xe tải hay xe khách ngược xuôi trong đám bụi mù. Thỉnh thoảng cũng có vài chiếc công nông chở người và hàng hóa. Vùng này rất ít xe máy, hầu hết người ta di chuyển bằng xe đạp hay đi bộ. Anh bạn trong đoàn trầm trồ: “Trông y như cảnh làng quê miền Trung VN!”.

Ruộng lúa ở đây sản xuất tập trung theo những thửa rất lớn và vuông vức. Ven những bờ đê quanh ruộng người ta trồng một loại rau xanh hay đậu lá đậm màu. Trên những lạch nước bờ đê, nhiều người lớn lẫn trẻ em đi mò cua bắt ốc... Những chiếc xe bò thồ hàng, các khu chợ tự phát bày bán hoa quả và tôm cá, những cụ già bên chiếc bơm tay ngồi vá xe ở vệ đường... Tất cả được thu vào ống kính của chúng tôi.

Tuyến đường sắt từ biên giới đến Bình Nhưỡng này băng qua hai khu vực có địa hình và thổ nhưỡng khác nhau.

Tỉnh Bình An Bắc Đạo có vùng đồng bằng trồng lúa nước trải dài xen kẽ với nhiều dòng sông hẹp.

Trong khi tỉnh Bình An Nam Đạo lại toàn đồi núi thấp, cảnh tượng quen thuộc nhất vẫn là những rẫy ngô và cao lương (bo bo) bao quanh xóm làng.

Trong mỗi cụm dân cư, hầu hết những ngôi nhà xây cùng một kiểu, độ lớn tương đương, mái lợp cũng giống nhau, chiếm phần lớn là lợp ngói.

Giữa mỗi cụm nhà thường có một ngôi nhà cao lớn, không có tường bao, nơi để một số máy móc và chất nhiều đồ đạc. Đây có lẽ là điểm đánh kẻng, tụ họp hay sản xuất theo kiểu hợp tác xã ở VN một thời.

Cách chừng năm bảy cụm dân cư, có một vài trụ sở xây lớn mái bằng, có thể là trường học, ủy ban xã hay một cơ quan chính quyền.

Theo Thái Lộc - Đà Trang

Tuổi trẻ

Trở lên trên