Những “hòn đá tảng” đầy bất ngờ ngáng chân Ấn Độ trong hành trình bắt kịp Trung Quốc
Con đường phía trước của Ấn Độ có thể sẽ rất khác và nhiều thách thức hơn so với Trung Quốc.
- 23-01-2024Chứng khoán Mỹ tăng điểm ấn tượng: Dow Jones phá đỉnh lịch sử sau khi vượt mốc 38.000 điểm
- 22-01-2024Cuộc đời thăng trầm của tỷ phú Jack Ma: Từ giáo viên Tiếng Anh với cuộc sống khốn khó tới tỷ phú công nghệ, giờ về làm "anh nông dân" nhưng liệu có thể một lần nữa tạo ra đột phá?
- 22-01-2024Đức cần làm gì để đại tu nền kinh tế lớn nhất châu Âu sau một năm hoạt động kém hiệu quả nhất thế giới
Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Nhưng một gã khổng lồ châu Á khác và nước láng giềng của họ là Ấn Độ, bất ngờ lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư và nhà sản xuất. Hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21 phần lớn là câu chuyện về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Liệu hai thập kỷ tiếp theo có phải là câu chuyện của Ấn Độ?
Có rất nhiều lý do để lạc quan. Dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc vào năm ngoái, trong đó hơn một nửa dưới 25 tuổi. Và với tốc độ tăng trưởng hiện tại, nước này có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Thị trường chứng khoán Ấn Độ hiện đã chứng kiến 8 năm tăng trưởng liên tiếp. Nhưng con đường phía trước của Ấn Độ có thể sẽ rất khác và nhiều thách thức hơn so với con đường của Trung Quốc.
Về lý thuyết, nguồn lao động dồi dào nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến việc kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động trở nên khó khăn. Điều đó gây khó khăn cho các hộ gia đình cũng như các công ty trong việc tích lũy khoản tiết kiệm cần thiết cho đầu tư. Một vấn đề khác là rào cản thương mại vẫn còn lớn, đặc biệt nếu Ấn Độ muốn trở thành trung tâm lắp ráp toàn cầu như Trung Quốc.
Điều đó không có nghĩa là những bước tiến gần đây của Ấn Độ không ấn tượng. Các đơn vị lắp ráp điện tử lớn như Foxconn và Pegatron đã đổ hàng trăm triệu USD vào nước này và thị phần xuất khẩu toàn cầu của Ấn Độ cũng đã tăng lên.
Về mặt nhân khẩu học, Ấn Độ giống như Trung Quốc khi tốc độ tăng trưởng của nước này bắt đầu vào những năm 1990. Theo Liên Hợp Quốc, gần 1/5 số người từ 15 đến 64 tuổi trên thế giới sẽ là người Ấn Độ vào năm 2030. Tỷ lệ phụ thuộc theo độ tuổi của Ấn Độ - thước đo gánh nặng chăm sóc trẻ em và người già đối với các hộ gia đình - đã giảm từ 82 vào năm 1967 xuống còn 47 vào năm 2022 , theo Ngân hàng Thế giới.
Tỷ lệ phụ thuộc thấp thường giúp nâng cao tiết kiệm và đầu tư. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phải vật lộn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào lực lượng lao động, đặc biệt là đối với phụ nữ. Theo số liệu từ Bộ Lao động và Việc làm Ấn Độ công bố năm ngoái, chỉ 1/3 phụ nữ trong độ tuổi lao động của Ấn Độ tham gia lực lượng lao động trong năm tài chính 2022. Con số này tăng khoảng 10 điểm phần trăm kể từ năm 2018, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của các nước thu nhập trung bình thấp là khoảng 50% và thấp hơn nhiều so với mức 71% của Trung Quốc.
Hơn nữa, mức tăng này phần lớn là ở khu vực nông thôn chứ không phải là từ lực lượng lao động ở thành thị - nơi các nhà máy đang thiếu lao động trầm trọng.
Các khoản trợ cấp khổng lồ cho nông nghiệp và viện trợ lương thực nông thôn có thể là một lý do. Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể là nhiều người dân Ấn khó chấp nhận việc đi xa nhà để sống và làm việc như nhiều lao động Trung Quốc. Theo một khảo sát được chính phủ thực hiện năm ngoái, 45% phụ nữ cho biết nhiệm vụ chăm sóc con cái và nội trợ khiến họ không thể đi làm.
Mối quan hệ yêu-ghét của Ấn Độ với thương mại cũng là một vấn đề khác. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, Ấn Độ có mức thuế nhập khẩu cao nhất trên toàn cầu vào năm 2022, với mức thuế tối huệ quốc (MFN) trung bình là 18,1%. Trong khi đó, Trung Quốc là 7,5%, Liên minh châu Âu là 5,1% và Mỹ là 3,3%. Những hạn chế nhập khẩu như vậy có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện để lắp ráp và xuất khẩu sản phẩm.
Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây và mạng lưới giao thông của quốc gia đã được cải thiện. Nhưng chính phủ đã mắc nợ rất nhiều, và điều này có thể gây khó khăn nếu sự bùng nổ của khu vực tư nhân không giúp gia tăng nguồn thu từ thuế.
Gánh nặng nợ công của Ấn Độ chiếm khoảng 85% GDP, chỉ đứng sau Brazil trong số các nền kinh tế mới nổi. Chi tiêu của chính quyền trung ương sẽ tăng lên mức cao nhất gần hai thập kỷ là 3,3% GDP vào cuối năm tài chính kết thúc năm 2024. Việc duy trì mức độ xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ đòi hỏi doanh thu cao hơn, trợ cấp thấp hơn hoặc sự tham gia nhiều hơn từ khu vực tư nhân.
Tất cả những điều này khiến Ấn Độ phải làm mọi thứ có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.
Để Ấn Độ nâng cao sức nặng địa chính trị của mình, nước này cần đầu tư ra bên ngoài để giúp đẩy tỷ trọng của ngành sản xuất trong GDP tăng từ mức dưới 15% như đã tồn tại trong nhiều năm lên mục tiêu 25%. Nhưng các tín hiệu gần đây không mấy khả quan khi FDI vào nước này giảm vào năm 2022 và 2023 sau khi đạt mức kỷ lục vào năm 2020.
Một phần của sụt giảm này là sự sụp đổ của bong bóng công nghệ toàn cầu, trong đó Ấn Độ là một phần quan trọng. Nhưng theo HSBC, vốn FDI vào các lĩnh vực như máy tính, tương đương khoảng 0,5% GDP vào năm 2021, cũng đã giảm rõ rệt. Điều đó thật đáng lo ngại vì Ấn Độ rất cần những công việc lắp ráp sử dụng nhiều lao động. Những gã khổng lồ điện tử như Foxconn đang đầu tư mạnh mẽ nhưng cũng phải đối mặt với luật lao động thiếu linh hoạt cùng nhiều vấn đề khác.
Ít nhất cho đến nay, Ấn Độ vẫn là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng và dịch vụ. Trừ khi nước này thực sự có thể tăng cường FDI vào lĩnh vực sản xuất. Điều này đòi hỏi cần giải quyết các nút thắt trên thị trường lao động và giảm bớt các rào cản thương mại.
Theo WSJ
Nhịp Sống Thị Trường