MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những kiệt tác nghệ thuật "từ pha lê tới báu vật" đã và đang chinh phục giới thượng lưu sành điệu

18-01-2019 - 13:24 PM | Sống

Cho tới tận thời điểm này, nhiều người vẫn đánh giá rằng René Lalique chính là nhân vật kiệt xuất góp phần phục hưng ngành chế tác kim hoàn Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Nghệ thuật đích thực không đòi hỏi những hào nhoáng sáo rỗng. René thực sự đã trung thành với tôn chỉ đó khi rất mực kiên định với tư duy, sử dụng kết hợp nhiều chất liệu đôi khi rất tầm thường như men sứ, thủy tinh... để tạo nên những món trang sức tao nhã hớp hồn, những món đồ trang trí nội thất được giới sưu tập và nhiều viện bảo tàng rộng cửa chào đón.

Bắt đầu cuộc hành trình chinh phục cái đẹp hơn trăm năm từ một xưởng chế tác nằm khiêm tốn tại số nhà 24 đường Quatre-Septembre, Paris, cái tên Lalique nhanh chóng vượt qua biên giới nước Pháp, thậm chí cả Châu Âu rộng lớn để giờ đây trở thành thương hiệu toàn cầu về pha lê và phong cách sống, ghi dấu ấn đậm nét với những tạo tác tiền tỷ được kiêu hãnh xướng tên trong các phiên đấu giá khắp thế giới.

Danh sách trân phẩm tiền tỷ từ Lalique là một hàng dài bất tận, và "bộ tứ bất tử" dưới đây là những ứng cử viên sáng giá, luôn "cháy hàng" mỗi khi xuất hiện ở bất kì cửa hàng Lalique nào trên thế giới.

Bàn Cactus - Thủy cảnh ngoạn mục của thập niên 50

Kế thừa di sản bất tận và tài năng của René Lalique, vào năm 1950, nghệ nhân Marc Lalique đã thiết kế nên chiếc bàn xương rồng được đánh giá là một trong những tác phẩm quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn nhất từng được thực hiện bởi thương hiệu Lalique. Tạo tác ban đầu được ra đời chỉ với mục nhằm trưng bày ý tưởng chủ đạo về một thủy cảnh tinh tế, nơi những con cá pha lê tự do bơi lội quanh tám nhánh lá trong suốt của một cây xương rồng khổng lồ.

Những kiệt tác nghệ thuật từ pha lê tới báu vật đã và đang chinh phục giới thượng lưu sành điệu  - Ảnh 1.

Thủy cảnh bằng pha lê này được bàn tay tài hoa của Marc kiến tạo, ngay sau đó trở thành tác phẩm nghệ thuật khiến nhiều người ngỡ ngành và thán phục. Bàn Cactus được coi là minh chứng sống động và đẹp đẽ cho bàn tay và khối óc của những người thợ thủ công Lalique, và là sự tôn vinh cho năng lực kỹ thuật và tầm nhìn nghệ thuật của thương hiệu pha lê bậc nhất châu Âu này.

Ngày nay, giữa hàng trăm sản phẩm trưng bày, phiên bản thương mại của chiếc bàn Cactus vẫn có cho riêng mình 1 chỗ đứng trang trọng, ở chính giữa các cửa hàng của Lalique trên toàn thế giới. Bởi lẽ, nó là minh chứng vĩnh cửu mà Marc Lalique dành tặng cho những người yêu thích vẻ đẹp, phong cách và sự thanh lịch - là đích xác những gì Lalique luôn hướng tới từ những ngày đầu tiên. Tại Mỹ, những chiếc bàn Cactus chưa bao giờ được bán dưới mức giá 110.000 USD mà vẫn luôn trong diện "cháy hàng".

Angelique - Bản thánh ca trên tông màu hổ phách

Những kiệt tác nghệ thuật từ pha lê tới báu vật đã và đang chinh phục giới thượng lưu sành điệu  - Ảnh 2.

Được làm từ pha lê hổ phách, những chiếc bình Angelique có thể coi là sản phẩm thương mại mang đậm chất nghệ thuật nổi tiếng bậc nhất của Lalique. Được tráng men bằng vàng, Angelique xứng đáng với những ngợi ca, mô tả như: "Bài thánh ca hoan lạc về thiên nhiên và tính nữ thiêng liêng."

Cây Ashitaba, hay còn được gọi là Angelica Keiskei, là nguồn cảm hứng cho những người thợ thủ công của Lalique khi chế tác bình Angelique. Tạo tác hiện lên như một hoạt cảnh sinh động nơi những thiếu nữ căng tràn sức sống đang tắm bên một đồng cỏ ven sông. Vẻ đẹp của họ ẩn hiện qua từng tán lá, được nhấn mạnh bởi lớp men vàng được tráng thủ công tỉ mỉ.

Bình Angelique không chỉ tạo nên cơn sốt do mức độ hoàn thiện hoàn hảo mà còn nằm ở số lượng cực kỳ ít ỏi. Trên toàn thế giới, chỉ có 99 chiếc bình Angelique được ra đời, và rất thú vị khi một trong số những chiếc bình bản giới hạn này đã có mặt tại boutique của thương hiệu tại Việt Nam.

Champs-Elysees: Ánh sáng từ Đại lộ Thiên Thai

Từ những giá nến gắn tường cho tới đèn chùm hoành tráng, có thể nói những "center-piece" Lalique lấy cảm hứng từ mẫu thiết kế mang tên Champs-Élysées (Đại lộ Thiên Thai - Paris, Pháp) - được thiết kế vào năm 1951 bởi Marc Lalique, luôn là cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến độ tinh xảo và lộng lẫy của những sản phẩm pha lê cao cấp.

Những kiệt tác nghệ thuật từ pha lê tới báu vật đã và đang chinh phục giới thượng lưu sành điệu  - Ảnh 3.

"Lá pha lê" là nguồn cảm hứng cho những chùm đèn Champs-Élysées - gợi nhớ đến những nẻo đường xa hoa rợp bóng cây chạy dọc theo "Đại lộ đẹp nhất thế giới". Cái thần thái xa hoa và lộng lẫy của Paris trong thời hoàng kim quá khứ dường như được thu nhỏ và gạn lọc tới tinh túy, đóng băng trong từng phiến lá pha lê của chùm đèn, kiến tạo ánh phản xạ đa dạng và ngập tràn vui thích qua từng mối ghép độc đáo.

Ginkgo: "Cây pha lê" của một ngàn vương miện

Những kiệt tác nghệ thuật từ pha lê tới báu vật đã và đang chinh phục giới thượng lưu sành điệu  - Ảnh 4.

Lấy cảm hứng từ những chùm đèn năm 1930, chùm đèn Ginkgo được thiết kế cho khách sạn Intercontinental được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp vượt thời gian của cây Bạch Quả - được coi là biểu tượng của sự trường thọ, hy vọng và thịnh vượng.

Bộ sưu tập đèn Ginkgo bao gồm những chiếc đèn chùm, đèn trần hay đèn tường - tất cả đều mang đường nét tinh tế và thanh khiết tới thoát tục nhờ vào chất liệu pha lê trứ danh của Lalique, đồng thời cũng là một sự hợp tác để đời với thương hiệu đồng Delisle.

Trong suốt lịch sử, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã luôn bị mê hoặc bởi tính thẩm mỹ của cây Ginkgo; họ thường được gọi là "cây của một ngàn vương miện" vì vẻ đẹp mê hoặc của nó khi trút bỏ lớp lá vàng vào thời khắc cuối thu. Nắm bắt trọn vẹn cái thần của loài cây mê hoặc này, từ nét bút chì đầu tiên cho đến lần chạm cuối cùng vào mối nối đồng - pha lê, mỗi tác phẩm đèn chùm Ginkgo bước ra từ xưởng của Lalique và Delise đều là một kiệt tác trang trí nội thất đẹp đẽ và thuần khiết.

Nguyễn Linh

Thời Đại

Trở lên trên