Những kỷ lục mới của giá đồng vẫn còn ở phía trước?
Thông tin về mặt hàng đồng gần đây xuất hiện ở khắp nơi do kinh tế thế giới hồi phục và xu hướng hướng tới công nghệ xanh, đẩy giá tăng lên mức cao nhất trong vòng 9,5 năm.
- 12-03-2021Giá thép và nguyên liệu đang giảm nhanh
- 09-03-2021Giá quặng sắt "bốc hơi" 10% trong ngày 9/3, giá thép các loại cũng sụt mạnh
- 05-03-2021Giá quặng sắt có dấu hiệu đã qua "đỉnh" và bắt đầu đi xuống theo giá thép
Vanessa Davidson, Giám đốc nghiên cứu chiến lược kim loại cơ bản của CRU nhận định giá đồng sẽ đạt mức cao kỷ lục ngay sau quý II/2021.
Cuối tháng 2/2021, giá đồng ở mức trên 9.000 USD/tấn nhờ những thông tin tích cực về vắc- xin Covid-19 – làm gia tăng kỳ vọng rằng kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều dự án khai thác đồng, do đó giá có nhiều khả năng sẽ giảm xuống vào năm 2022.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Kitco, bà Davidson nói: "Chúng tôi dự đoán giá đồng sẽ giảm vào năm tới. Giá đồng sẽ đạt ‘đỉnh’ vào quý II/2021, sau đó sẽ giảm dần", và "Nguồn cung đồng từ các dự án mới sẽ bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ nửa cuối năm nay".
Theo bà, giá đồng trung bình năm 2021 sẽ là 8.835 USD/tấn, cao hơn nhiều so với năm ngoái.
Mức giá cao kỷ lục gần 10 năm đạt được vào tháng 2/2021, là 9.617 USD/tấn, không xa mấy so với mức 10.190 USD/tấn đạt được năm 2011. Phân tích kỹ thuật cho thấy mức giá cao đó dến sớm hơn so với những nguyên tắc cơ bản nên sẽ có sự điều chỉnh. "Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu giá đồng sẽ tự điều chỉnh theo hướng giảm trở lại", bà Davidson nói, và thêm rằng: "Chúng tôi thấy giá hiện đang trong giai đoạn biến động mạnh".
Quả đúng như vậy, sau khi đạt 9.617 USD/tấn hồi tháng 2, giá đồng đã giảm xuống 8.900 USD/tấn vào cuối tháng 2, nhưng hiện đã tăng trở lại mức 9.025 USD/tấn (hôm 17/3) do những dấu hiệu cho thấy nhu cầu vẫn mạnh, nhất là thông tin từ Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – cho thấy tăng trưởng công nghiệp của nước này 2 tháng đầu năm 2021 cao hơn dự kiến, trong khi các khoản cho vay mới trong tháng 2 giảm ít hơn dự kiến.
Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên hạn chế giá đồng tăng mạnh, và lo ngại Mỹ sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ cũng cản trở giá tăng. Đó là chưa kể tới việc lượng đồng lưu kho trên sàn London (LME) tăng 44% trong 2 tuần qua, lên 107.275 tấn; sản lượng đồng tinh luyện của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 cũng tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,63 triệu tấn.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Đồng quốc tế, thị trường đồng tinh chế toàn cầu trong 11 tháng đầu năm 2020 đã thiếu hụt 580.000 tấn, cao hơn mức thiếu hụt 427.000 tấn cùng kỳ năm trước. Được biết, tổng thị trường đồng tinh luyện thế giới vào khoảng 24 triệu tấn.
Theo bà Davidson, tin tốt cho các nhà đầu tư là giá đồng rõ ràng đã vượt qua giai đoạn "đáy", bởi giá đồng cần phải tối thiểu từ 7.000 đến 8.000 USD/tấn mới đủ khuyến khích các nhà sản xuất có những dự án đầu tư dài hạn.
"Chúng tôi mong rằng giá sẽ không giảm trở lại xuống dưới mức 7.000 USD/tấn trong năm tới", bà Davidson nói.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều tới tiêu thụ đồng và sẽ còn gây hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, làn sóng kích thích tài chính mới từ khắp nơi trên thế giới đã hỗ trợ giá đồng đi lên.
"Sự hồi phục nhu cầu đồng của Trung Quốc từ năm ngoái đến từ những chương trình kích thích lớn. Điều đó cũng xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, và việc đó rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh các chính phủ đều tập trung vào công nghệ xanh", bà Davidson phân tích.
Chủ tịch Công ty kinh doanh kim loại của Trung Quốc, Maike Group, ông He Jinbi đầu tháng 3/2021 dự báo trong vòng 12 tháng tới giá đồng sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử so nhu cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực năng lượng sạch của Trung Quốc và do đầu tư vào khai thác đồng trên toàn cầu trong nhiều năm nay không tương xứng với nhu cầu.
Ông He Jinbi tin rằng chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe điện và năng lượng tái tạo ở Trung Quốc sẽ cần rất nhiều đồng và các kim loại cơ bản khác, do đó thị trường kim loại trong tương lai dự báo sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo Kitco, Reuters