MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những 'lá chắn thép' ở Tân Sơn Nhất

21-03-2020 - 09:35 AM | Xã hội

Là những người đầu tiên trực tiếp tiếp xúc với hành khách từ vùng dịch bệnh trở về nước trong mùa dịch Covid-19, các chiến sĩ công an cửa khẩu và nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) được coi như những “lá chắn thép”.

Gần 2 tháng qua, công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng như lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM luôn được đặt trong tình trạng “báo động đỏ”, duy trì 100% quân số túc trực 24/24 để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Họ luôn phải tập trung cao độ, nhưng cũng nỗ lực hết sức để đem lại sự thuận tiện, hài lòng cho hành khách.

Những lá chắn thép ở Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

hị Minh Khánh giúp hành khách nghi ngờ nhiễm Covid-19 mặc đồ bảo hộ để chuẩn bị lên xe đi bệnh viện cách ly đặc biệt

CĐối mặt hiểm nguy

Có mặt tại khu vực nhập cảnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất những ngày giữa tháng 3, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới khi số lượng người mắc, tử vong ngày càng tăng, chúng tôi ghi nhận cảnh làm việc “căng như dây đàn” của các chiến sĩ công an cửa khẩu cũng như kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM. Vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt của từng người nhưng không ai bỏ vị trí, luôn kiểm tra kỹ lưỡng hộ chiếu, cung đường di chuyển của hành khách.

Dáng người nhỏ nhắn, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng nực, túc trực từ 6h sáng đến trưa vẫn chưa nghỉ, nhưng chị Minh Khánh (Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM) tỏ ra không biết mệt mỏi, luôn ân cần hỏi thăm, động viên những hành khách chuẩn bị phải đi cách ly. Túc trực tại đây từ đầu mùa dịch đến nay và chưa một ngày nào nghỉ ngơi, dù đôi lúc có mệt mỏi, áp lực nhưng vì trách nhiệm với công việc và cộng đồng, chị luôn tự động viên mình cố gắng.

“Mệt chứ, đôi khi cũng sợ lây bệnh nhưng cũng phải cố thôi”, chị Khánh nói vội rồi lấy bộ đồ bảo hộ đến hướng dẫn hành khách nghi ngờ nhiễm Covid-19 mặc để chuẩn bị lên xe đưa đi bệnh viện.

"Khi biết phải đi cách ly, nhiều người phản ứng rất gay gắt, thậm chí đòi quay lại nơi xuất phát, cách ly theo yêu cầu. Dù phải làm đúng theo quy định nhưng các chiến sĩ cảnh sát vẫn phải giữ bình tĩnh, giải thích nhẹ nhàng cho người dân hiểu và chấp thuận theo yêu cầu của cơ quan chức năng".

Trung tá Đoàn Văn Đắc


Cũng túc trực tại đây từ đầu mùa dịch, anh Nguyễn Tạ Minh Quang (Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM) phải tiếp xúc với hàng nghìn người từ nhiều quốc gia trở về, trong đó có không ít người từ vùng dịch bệnh Covid-19. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát cũng là lúc anh Quang nhận được tin vui là vợ mang thai đứa con đầu lòng.

Chưa kịp vui mừng thì anh Quang phải gấp quần áo rời khỏi nhà thuê phòng khách sạn ở để đi chống dịch vì sợ không may lây bệnh cho vợ con, người thân. “Mỗi lần tan ca về tôi cũng ít khi tiếp xúc với người thân một phần vì mệt mỏi, một phần lo sợ lỡ mình bị nhiễm virus mà lây cho vợ con thì khổ”, anh Quang tâm sự.

Cũng như nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, các chiến sĩ thuộc Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang ngày đêm túc trực để phân luồng hành khách, kiểm tra hộ chiếu trước khi làm thủ tục nhập cảnh. Khi hành khách đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng công an cửa khẩu trực tiếp kiểm tra hộ chiếu, hỏi kỹ lưỡng hành trình từng nơi khách đã đi qua, nhất là hành khách có 2 hộ chiếu, 2 quốc tịch.

Vượt qua khó khăn

Việc mỗi ngày phải tiếp xúc với cả nghìn người từ vùng dịch trở về dù đôi lúc gây lo sợ bị lây nhiễm nhưng không khiến các chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng chống dịch nản lòng mà càng quyết tâm vượt qua khó khăn. Trung tá Đoàn Văn Đắc, Phó trưởng Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các đoàn viên thanh niên là những người đầu tiên xung kích. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã phải tự cách ly mỗi khi có hành khách dương tính mà mình từng tiếp xúc.

Những lá chắn thép ở Tân Sơn Nhất - Ảnh 3.
Chiến sĩ Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trực tiếp hướng dẫn hành khách từ vùng dịch về

Trung tá Đắc cho biết, trong lúc làm nhiệm vụ các chiến sĩ đã gặp phải không ít khó khăn như việc xác định hành trình của khách từ các vùng dịch về, có người dùng đến 2-3 hộ chiếu là vô cùng khó khăn nếu khách không tự giác khai báo. Đối với những khách cố tình không khai báo, khai báo không đúng sự thật, cán bộ công an cửa khẩu nghi vấn trường hợp nào thì sẽ kiểm tra rất kỹ, nếu không xác định được thì giao cho bộ phận chuyên trách sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện.

“Trong giai đoạn cả đất nước đang nghiêm túc thực hiện công tác chống dịch như chống giặc, việc đưa những công dân Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới trở lại quê hương thể hiện tinh thần dân tộc, đùm bọc lẫn nhau của người Việt ta. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác chống dịch, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là việc khai báo y tế trung thực, tự nguyện cách ly của các hành khách khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng”, trung tá Đắc nói.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, cho biết, từ 28 Tết Nguyên đán đến nay, các cán bộ của Trung tâm luôn phải gồng mình, làm việc hết công suất. Mỗi ca trực chỉ có 20 cán bộ nhưng đảm nhiệm tất cả các khâu từ kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, làm thủ tục đưa người đi cách ly đến việc giải thích cho hành khách hiểu khi có thắc mắc.

“Dù gặp không ít khó khăn, có khi không dám về nhà vì sợ lây bệnh cho người thân nhưng các nhân viên y tế vẫn ngày đêm cố gắng để ngăn chặn dịch bệnh, không để lọt những người có nguy cơ mắc bệnh Covid-19”, ông Tâm nói.


Theo Ngô Bình

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên