Những lần chỉnh quy hoạch khu đô thị ‘nhà giàu’ Ciputra
Kể từ khi khởi công xây dựng đến nay, Khu đô thị Nam Thăng Long hay còn gọi là Khu đô thị Ciputra (Tây Hồ) liên tục được điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi chức năng sử dụng.
- 04-05-2024Khổ vì chồng chéo quy hoạch đô thị
- 04-05-2024Thanh Hóa duyệt quy hoạch đô thị hơn 1.500 ha, nơi bố trí nhà ở xã hội cho nhiều khu công nghiệp
- 02-05-2024Một huyện của tỉnh Long An giáp TP.HCM sẽ quy hoạch đô thị hơn 28.000 ha, có 13 KCN và 46 dự án nhà ở
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của quận Tây Hồ. Theo đó, bổ sung 1 dự án có diện tích 4 ha thuộc Khu đô thị Ciputra – KĐT Ciputra.
Đáng chú ý, KĐT Ciputra là một trong những dự án thường xuyên được điều chỉnh và đề nghị điều chỉnh quy hoạch .
Cụ thể, năm 2016, ô đất I.A.20 của dự án được điều chỉnh tăng 1.810 người; ô đất I.A.25 tăng 629 người.
Năm 2017 ô đất I.A.23 tại KĐT Ciputra được điều chỉnh tăng 4.674 người so với quy hoạch trước.
Năm 2018, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh loạt ô đất và cho phép nghiên cứu song song việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết KĐT Ciputra giai đoạn 2 tỷ lệ 1/500, nhằm hợp thức hóa những việc điều chỉnh lâu nay và những dự kiến trong việc điều chỉnh của chủ đầu tư.
Tháng 6/2019, hàng trăm hộ dân sống tại dự án, đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng, không đồng tình trước đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư.
Thời điểm đó, đại diện cư dân cho biết, chủ đầu tư đã xây dựng đồ án quy hoạch điều chỉnh trong KĐT. Theo đó, một ô đất trước quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 - 47 tầng, được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 - 68 tầng. Ô đất có chức năng bãi đỗ xe xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại.
Ô đất quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ được đề xuất chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng.
Đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KĐT Ciputra giai đoạn II, tỷ lệ 1/500 tại 13 ô đất. Việc điều chỉnh theo hướng chuyển đổi chức năng sử dụng đất. Ví dụ, các ô đất có chức năng là đất nhà ở cao tầng, được điều chỉnh thành các ô đất nhà ở thấp tầng,…
Cuối năm 2022, chủ đầu tư KĐT Ciputra là Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (Công ty Nam Thăng Long) đề xuất, xin điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 giai đoạn II và giai đoạn III của dự án. Việc điều chỉnh theo hướng tăng mật độ xây dựng, tầng cao và hệ số sử dụng đất tại một số ô đất. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng xin điều chỉnh quy hoạch sân golf thành công viên mở ,…
Tháng 9/2023, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KĐT Ciputra giai đoạn III, tỷ lệ 1/500 tại loạt ô đất quy hoạch, tổng diện tích khoảng 84.301m2.
Việc điều chỉnh theo hướng chuyển từ chức năng đất ở cao tầng (chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại), sang đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại văn phòng kết hợp nhà ở cao tầng, đỗ xe); đất ở cao tầng (chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại) sang đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại văn phòng kết hợp nhà ở cao tầng). Ngoài ra, có ô đất còn được điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, thành mật độ xây dựng 35%, tầng cao 40 tầng .
KĐT Ciputra được khởi công năm 2002, do Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (đây là liên doanh giữa UDIC và Tập đoàn Ciputra của Indonesia) làm chủ đầu tư. KĐT có tổng diện tích hơn 300ha, theo dự kiến nơi đây sẽ xây dựng 50 toà nhà cao tầng, 2.500 căn nhà ở thấp, với số vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD.
Tiền phong