Những lời hứa bị “bỏ quên” ở hai bên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai
Những con đường dân sinh, đường sản xuất bị thu hồi khi xây dựng tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai tỉnh Yên Bái đến nay vẫn chưa được mở lại là những tồn tại gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Những con đường dân sinh, đường sản xuất bị thu hồi trong quá trình xây dựng tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến nay vẫn chưa được mở lại đã khiến hàng trăm hécta đất sản xuất của hàng chục hộ gia đình không có lối đi.
Những khu ruộng nước màu mỡ vốn là sinh kế của người dân bị đất đá vùi lấp trong quá trình thi công tuyến cao tốc vẫn chưa được giải quyết.
Những cống thoát nước dở dang khiến nước mưa lẫn cả nước thải đổ thẳng vào nhà dân mỗi khi mưa lớn…
Đó là những tồn tại từ nhiều năm nay đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân dọc hai bên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Cần sớm khắc phục những bất cập
Toàn tỉnh Yên Bái có tới 142 hộ dân có ruộng bị đất đá vùi lấp trong quá trình thi công tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, chủ yếu thuộc các huyện Trấn Yên, Văn Yên và thành phố Yên Bái. Tổng diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng riêng trên địa bàn huyện Trấn Yên, nơi có tuyến cao tốc đi qua là gần 44.000 m2, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân.
Ruộng của gia đình ông Lê Quang Vĩnh nằm ở lý trình Km 116+450 bên phải tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thuộc xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên là một trong số hàng trăm gia đình ở Yên Bái có ruộng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng tuyến cao tốc.
Sau khi thu hồi, hai thửa ruộng còn lại của gia đình ông Vĩnh có diện tích còn khoảng 400m2. Tuy nhiên, do nằm ở hạ lưu cống trong thoát nước của đường cao tốc, hai thửa ruộng này bị đất đá, rác thải vùi lấp, không thể canh tác được dẫn đến không có nguồn thu nhập.
Ông Vĩnh cho biết, gia đình đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần song vẫn đâu hoàn đấy. Ông chỉ mong các cấp có thẩm quyền sớm xem xét thu hồi bổ sung phần diện tích đất không thể canh tác còn lại này theo đúng quy định của pháp luật để người dân có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sản xuất.
Một trong những tồn tại khác hiện nay trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai là từ khi đưa vào sử dụng, nhiều hầm chui dân sinh không có hệ thống thoát nước, luôn trong tình trạng ngập nước.
Bên cạnh đó, nhiều cống thoát nước của đường cao tốc xây dựng dở dang; chỉ được xây đến hết phần đất được thu hồi thuộc phạm vi tuyến đường; không có hệ thống mương dẫn nước, mặc cho nước đổ tràn vào nhà dân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân hai bên tuyến.
Thôn Đồng Quýt, xã Bảo Hưng có gần 120 hộ dân sống dọc tuyến cao tốc. Trưởng thôn Đồng Quýt, ông Bùi Ngọc Hân cho biết, những hệ luỵ phát sinh từ việc thi công tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai không được giải quyết đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân nơi đây.
Do không được giải quyết, người dân trong thôn đã tiến hành bịt cống thải. Nhưng khi mưa lớn, nước lại tràn qua đường đổ xuống ruộng của dân.
Gia đình ông Lê Trí Dũng, thôn Bảo Lâm, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có hơn 1 ha đất trồng keo nằm dọc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai . Ông Dũng cho biết, trước kia, hơn chục hộ dân ở đây đã tự nguyện góp đất, góp tiền xây dựng một con đường đất để xe ô tô có thể vào tận nơi thu mua nguyên liệu.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, con đường sản xuất này bị thu hồi, chủ đầu tư đã hứa sẽ mở đường mới cho người dân. Song đến nay đã gần 4 năm, dự án đã kết thúc, nhà thầu đã “cao chạy xa bay”, hơn 70 ha đất của gần hai chục hộ dân ở đây vẫn không có đường vào để vận chuyển hàng hoá.
Cuối năm 2016, ông Dũng thu hoạch một phần diện tích keo của gia đình mình. Do không có đường đi, gia đình ông buộc phải thuê người vận chuyển gỗ đến sát đường cao tốc rồi mới đưa được lên xe. Nhưng trong quá trình tập kết nguyên liệu, ông Dũng đã bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt vì đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
“Biết là sai mà vẫn phải làm vì không còn đường nào khác để đi, phải chấp nhận nộp phạt để có thể thu hoạch. Ở đây, nhiều người dân bị mất lối vào đất sản xuất của nhà mình, có hộ thậm chí đã phải bán rẻ cả đất, cả cây cối, hoa màu cho nhà người khác vì không có đường vào.
Các hộ dân ở đây đã mòn mỏi chờ đường từ mấy năm nay. Chúng tôi sẵn sàng hiến đất để mở lại đường, chỉ mong sớm bảo đảm đời sống và công việc bình thường như trước kia”, ông Dũng bức xúc cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Cầu, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên cho biết, việc thi công tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai làm mất một số tuyến đường sản xuất của người dân đến nay vẫn chưa được xây dựng hoàn trả khiến người dân rất bức xúc.
UBND xã đã kiến nghị nhiều lần, song đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì, hiện đang ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông đi lại và sản xuất của hàng chục hộ dân trong xã.
UBND xã Bảo Hưng đã có kiến nghị để sớm có giải pháp thu hồi bổ sung hoặc cho phép người dân chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang loại đất khác đối với các diện tích đất này, song vẫn còn nhiều vướng mắc. Đất không canh tác được, cũng chưa thể chuyển đổi nên bỏ hoang từ vài năm nay. Toàn bộ diện tích này lên tới gần 13.000 m2.
Cố tình phớt lờ?
Sau khi rà soát thực tế ý kiến của người dân, năm 2015, UBND huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án công trình đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai của Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thiện hệ thống mương thoát nước, xây dựng bổ sung đường vào khu sản xuất nông - lâm nghiệp của người dân…
Tuy nhiên, đến nay, những kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân.
Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái đã nhiều lần có văn bản báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri về những chậm trễ trong việc xây dựng hoàn trả các tuyến đường sản xuất, đường gom dân sinh và giải quyết những ảnh hưởng từ diện tích đất ruộng của người dân bị đất đá vùi lấp trong quá trình xây dựng tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái cũng thường xuyên báo cáo các kiến nghị này, đề nghị sớm giải quyết dứt điểm tại các kỳ họp của HĐND tỉnh cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp cụ thể.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Yên Bái cũng đã báo cáo UBND tỉnh Yên Bái làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và đề nghị VEC có những giải pháp giải quyết dứt điểm các thắc mắc, kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, đến nay VEC vẫn chưa thực hiện việc khắc phục.
Ông Hà Mạnh Thắng, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái cho biết, UBND tỉnh Yên Bái đã rất quan tâm tới những bức xúc của người dân xung quanh các vấn đề này, đã nhiều lần có văn bản gửi VEC đề nghị sớm giải quyết. Tuy nhiên, đến nay VEC vẫn rất chậm trễ trong giải quyết, khắc phục các vấn đề này.
Cũng theo ông Thắng, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tổng hợp, ghi nhận ý kiến của người dân; tiếp tục có văn bản kiến nghị để các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giải quyết thoả đáng những nguyện vọng, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân.
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái cũng sẽ sát sao hơn nữa trong giám sát việc thực hiện giải quyết các kiến nghị để bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân./.
TTXVN