Những lợi ích của vắc-xin cúm với người có bệnh hô hấp mạn tính
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, đến nay vẫn là vấn đề sức khỏe toàn cầu cần được quan tâm. Đặc biệt, những người có bệnh hô hấp mạn tính được các Hiệp Hội Y Khoa Quốc tế và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo nên tiêm vắc-xin cúm mỗi năm để phòng ngừa nhiễm cúm và tránh các biến chứng nặng do cúm gây ra.
Cúm mùa thường xảy ra vào mùa đông – xuân ở các nước ôn đới và quanh năm đối với các nước nhiệt đới như Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận hàng năm có khoảng một tỷ ca cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca bệnh nặng. Số nhập viện và tử vong do cúm chủ yếu ở nhóm nguy cơ cao bao gồm người trên 65 tuổi; người có bệnh lý nền mạn tính như tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường; phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nặng trên người có bệnh hô hấp mạn tính
Trên bệnh nhân mắc hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cấu trúc phổi có sự thay đổi do hiện tượng viêm mạn tính và nhạy cảm với các tác nhân gây viêm hoặc dị ứng. Nhiễm vi-rút cúm thúc đẩy tình trạng viêm đường dẫn khí (viêm phế quản) và viêm phổi nhiều hơn, cũng như đồng nhiễm với các vi khuẩn làm nặng hơn tình trạng khó thở cần phải nhập viện để được chăm sóc y tế. Kể cả những bệnh nhân tuân thủ điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý này, khi mắc cúm và phải nhập viện nhiều lần bởi các đợt khó thở cấp tính sẽ làm suy giảm chức năng hô hấp của phổi, tăng nguy cơ biến chứng và tử vong.
Vắc-xin cúm được các Hiệp Hội Y Khoa Quốc tế và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo cho người có bệnh hô hấp mạn tính
Nhiều nghiên cứu được tiến hành tại các nước Anh, Mỹ, Canada… được công bố đã chứng minh rằng tiêm ngừa vắc-xin cúm đã làm giảm tỉ lệ mắc cúm trên nhóm bệnh nhân mắc hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm tần suất gây khó thở cấp tính cần phải chăm sóc y tế do đó làm giảm tỷ lệ nhập viện, giảm thời gian nằm viện, giảm biến chứng và tử vong.
Ngoài ra, việc tiêm ngừa vắc-xin cúm trên nhóm bệnh nhân này cũng làm giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh không cần thiết, giảm việc dùng các loại thuốc kháng viêm, thuốc cắt cơn trong các đợt điều trị. Từ đó góp phần làm chậm quá trình vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, giảm các hệ lụy do sử dụng các thuốc kháng viêm và cắt cơn kéo dài tác động lên cơ thể.
Vì những lợi ích của vắc-xin cúm mang lại, các hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và hiệp hội y khoa uy tín trên thế giới như Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ (ATS), Tổ chức Sáng kiến toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen (GOLD, GINA), Bộ Y tế Việt Nam,… đều nhấn mạnh rằng tiêm ngừa cúm là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng ngừa nhiễm cúm, tránh các biến chứng nặng do cúm gây ra trên nhóm bệnh nhân này.
Các loại vắc-xin cúm ở Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đã có vắc-xin cúm mùa tứ giá (chứa kháng nguyên của bốn chủng vi-rút cúm gồm hai chủng vi-rút cúm A và hai chủng vi-rút cúm B). Theo các chuyên gia, vi-rút cúm B rất khó dự báo chính xác nên vắc-xin cúm mùa tứ giá có thể bảo vệ rộng hơn và tốt hơn so với các loại vắc-xin chứa ba chủng cúm.
Tiêm vắc-xin cúm hàng năm là rất cần thiết
Đặc trưng của vi-rút cúm là thay đổi nhanh và gồm nhiều tuýp A, B, C. Để bảo đảm sự tương thích giữa chủng vi-rút cúm trong thành phần vắc-xin và chủng vi-rút cúm đang lưu hành trong thực tế, vắc-xin được nhà sản xuất cập nhật hàng năm dựa trên khuyến cáo của WHO. Do đó việc tiêm ngừa vắc-xin cúm hằng năm là cần thiết.
Qua các đại dịch do vi-rút gây ra, chúng ta hiểu rằng tiêm vắc-xin là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội, phòng ngừa nguy cơ dịch chồng dịch, gây quá tải hệ thống y tế như thời gian vừa qua. Đặc biệt cần ưu tiên bảo vệ các bệnh nhân có bệnh mạn tính như hen hoặc COPD bằng cách tiêm phòng vắc-xin cúm, vắc-xin COVID-19 định kỳ theo các khuyến nghị của Bộ Y Tế hiện nay.
Theo chia sẻ của BS. Nguyễn Trọng Nhân, Bác sĩ điều trị khoa ICU - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á. Long An
Tiêm phòng cúm trong giai đoạn hiện tại rất quan trọng. Trẻ em, người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền như tim mạch, hô hấp mạn tính, tiểu đường, … nên đến các trung tâm tiêm chủng, trung tâm y tế dự phòng gần nhất để tiêm vắc-xin cúm hàng năm nhằm bảo vệ bản thân và gia đình. Để hiểu thêm về tầm quan trọng của tiêm phòng cúm, độc giả có thể truy cập:https://www.acare.abbott.vn/
Theo NSKT