Những lời tự sự trong hành trình Xuân vận 2024: "Năm rồi bất kể ra sao, thành hay bại, về nhà trước rồi tính tiếp"
Xuân vận ở Trung Quốc được xem là “cuộc di cư hàng năm lớn nhất của con người trên thế giới”.
- 31-01-2024Kế hoạch tiêu Tết với 10 triệu đồng của mẹ đảm ở Hà Nội cho gia đình 3 người mà vẫn đủ đầy
- 30-01-2024Thuê dịch vụ dọn nhà ngày Tết, gia chủ gặp tình huống khó đỡ: Nhìn chi tiết trên cửa kính ai cũng lắc đầu
- 28-01-2024Lương chỉ đủ để trả tiền thuê người giúp việc: Tết không dám sắm, quần áo không dám mua vẫn phải "cắn răng" chấp nhận
Ngày 26/1, Xuân vận 2024 ở Trung Quốc chính thức khởi động và dự kiến kéo dài 40 ngày. Trong đó, nhiều triệu người sẽ đi lại bằng phương tiện giao thông đường bộ hoặc máy bay để đoàn tụ với người thân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc trước đó đã ước tính sẽ có 9 tỷ chuyến đi của người dân trong giai đoạn từ ngày 26/1 đến 5/3. Trong số này, số chuyến đi bằng đường sắt, đường cao tốc, đường thủy và hàng không dự kiến đạt khoảng 1,8 tỷ. Đây là con số kỷ lục trong 4 năm trở lại đây đối với quốc gia này.
Mạng lưới đường sắt Trung Quốc dự kiến vận chuyển 480 triệu lượt hành khách trong kỳ Xuân vận năm nay, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), khoảng 80 triệu hành khách sẽ đi lại bằng đường hàng không trong giai đoạn này, tăng 44,9% so với năm 2023.
Ngày 29/1 là ngày thứ tư của Xuân vận 2024, nhóm người xa xứ đã lên đường về nhà. Họ đến từ khắp nơi, làm những ngành nghề khác nhau, nhưng vì nhớ nhà và thứ gọi là “về nhà ăn Tết” nên họ đi trên cùng một hành trình.
Mẹ bế con ba tháng tuổi vượt nghìn dặm về nhà ngoại
Khoảng 11 giờ trưa ngày 28/1, phóng viên Modern Express Post vừa đến lối vào ga Nam Kinh thì thấy ở đây rất đông, hành khách lần lượt xếp hàng với túi lớn túi nhỏ, di chuyển ngay hàng thẳng lối. Trong sảnh chờ, người thì dìu cụ ông cụ bà, người thì bế con, đi tới đi lui không ngớt.
Với Trần, 26 tuổi, năm 2023 chứa đựng một kỷ niệm đặc biệt, bởi đứa con thứ hai của cô đã ra đời. Ngày 28/1/2024, tại sảnh chờ ga Nam Kinh, Trần bế con trai vừa tròn 3 tháng tuổi, thỉnh thoảng đưa ánh mắt mong đợi về hướng màn hình lớn thể hiện thông tin các chuyến tàu hỏa. “Lần đầu tôi đưa con trai 3 tháng tuổi về nhà ngoại ăn Tết, chắc hẳn ông bà sẽ rất vui”.
Trần quê ở Đại Châu, Tứ Xuyên, lấy chồng ở Vu Hồ, tỉnh An Huy, 7 năm trước hai vợ chồng đã có một cô con gái. “Một năm tôi có thể về vài lần, chồng tôi phải đi làm, con gái phải đi học, hai cha con hiếm khi về Đại Châu”. Trần nói với phóng viên rằng em trai cô cũng làm việc ở Vu Hồ, lần này anh đã xin nghỉ làm vài ngày để đồng hành cùng cô và hai cháu về quê.
Nhân dịp năm mới, Trần ông bà ngoại ở nghìn dặm phương xa có thể tận mắt nhìn thấy đứa cháu đáng yêu. “Trong dịp Tết Nguyên đán, khó mua vé tàu, vì vậy chúng tôi chỉ có thể chọn xuất phát từ Nam Kinh, nhưng tiếc là chỉ giành được một giường nằm, hai vé còn lại là ghế cứng”. Trần nói rằng cũng may là cả nhà đều ở trên cùng một toa tàu, cô lo chăm sóc con nhỏ, con gái lớn đã có cậu chăm, điều này khiến cô cảm thấy an tâm hơn rất nhiều.
Đi làm xa cả năm trời, đến Tết mới trở về nhà
Ông Quách, 56 tuổi, quê ở Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, làm việc cùng đồng hương trong một nhà máy ở Mã An Sơn, tỉnh An Huy, vào năm 2023. “Chúng tôi có 6 người, ăn Tết 2023 xong thì đi xa làm việc, đến nay mới có thể trở về”. Liên tưởng đến khoảnh khắc đoàn tụ với gia đình khiến ông Quách mỉm cười không thể giấu. “Tôi có một đứa cháu trai 9 tuổi, mỗi lần gọi video, thằng bé đều hét lên bảo tôi mau về nhà. Đã gần một năm trôi qua, tôi thực sự nhớ họ”.
Ông Triệu, 63 tuổi, cũng phấn khích không kém, nói rằng nhóm 6 người đều mua ghế cứng. Đi xa làm việc chủ yếu để kiếm chút tiền mang về nhà, do đó họ thống nhất cùng ngồi ghế rẻ để tiết kiệm, một phần cũng không có nhu cầu cao sang hơn.
Ông Quách thẳng thắn chia sẻ ông vẫn còn bố mẹ già ở nhà, thường được vợ chăm sóc. “Hai con trai của tôi đã lập gia đình và có việc làm, vì vậy chúng tôi chỉ cần chăm sóc cha mẹ và bản thân, không muốn các con thêm nhiều áp lực”.
Mua giường nằm cho mẹ già, còn mình ngồi ghế cứng
Trong sảnh chờ của ga Nam Kinh đi Tứ Xuyên, cặp vợ chồng trung niên với một cụ bà tóc bạc, ngồi trên ghế trong khu vực chờ, gia đình vừa nói vừa cười. “Đây là mẹ chồng tôi, năm nay 86 tuổi, chúng tôi làm việc ở Thường Châu, vì không có ai chăm sóc nên chúng tôi quyết định đưa bà cùng về quê”. Chị Tôn cho biết chị đã làm việc ở Thường Châu được bốn năm.
Gia đình chị Tôn đến từ Nam Sung, Tứ Xuyên, chỉ về nhà đoàn tụ trong dịp Tết Nguyên đán. Xét đến tuổi tác đã cao và quãng đường xa, hai vợ chồng chị Tôn đặc biệt mua một vé nằm cho mẹ.
“Chúng tôi không giành được vé về thẳng từ Thường Châu-Nam Sung, nên chỉ đành đến Nam Kinh trước, mặc dù mất nhiều thời gian hơn, nhưng bà lớn tuổi sẽ thoải mái hơn”. Vừa nói chuyện, đoàn tàu K4455 bắt đầu kiểm tra vé, chị Tôn mang hành lý đến cổng soát vé, sau đó chạy nhanh đến dìu mẹ chồng, gia đình bắt đầu hành trình về quê đón năm mới.
Ăn xong ly mì rồi lên đường, về đến nhà sẽ có bữa cơm thịnh soạn hơn
Chiều cùng ngày, nhà ga Nam Kinh càng đông đúc. Chỉ mới 3-4 ngày đầu kỳ Xuân vận, lượng khách di chuyển không được xem là quá tải. Những người về sớm có lẽ là công nhân hoặc nhóm văn phòng có thể linh động thời gian làm việc.
Anh Tra đến từ Phụ Dương, tỉnh An Huy, cho biết anh đã làm việc tại một công trường xây dựng ở Giang Ninh, Nam Kinh được gần một năm. Giáp Tết, công trường đã nghỉ, anh cũng sắp xếp hành lý về quê.
Trưa hôm 28/1, anh Tra úp ly mì ăn liền trong thời gian chờ lên tàu. “Ăn xong ly mì rồi lên đường, về đến nhà sẽ có bữa cơm thịnh soạn hơn”. Bố mẹ, vợ con anh đều ở quê nhà Phụ Dương, gia đình đã chuẩn bị nấu nướng sẵn, chờ anh về nhà thì cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên. Nam Kinh đến Phụ Dương chỉ mất hơn một giờ lái xe, anh Tra nhìn về hướng cổng soát vé, ánh mắt tràn đầy mong đợi. Anh nói: “Phụ Dương không xa, bây giờ đi tàu rất thuận tiện, mỗi năm tôi về quê hai ba lần, nhưng khi Tết đến gần, tôi vẫn sẽ nhớ nhà”.
“Cũng không cần mang về bất kỳ đặc sản hay quà cáp nào, chỉ có tiền là thực tế nhất”. Ông Ngô một tay cầm xô nhựa màu trắng, tay kia kéo vali, hành lý là quần áo và giày dép. Quê anh ở Thượng Nhiêu, Giang Tây, và phải mất hơn ba giờ để về nhà từ Nam Kinh. “Nếu ở nhà còn thiếu gì thì có thể đặt mua online, nếu thuận lợi thì nửa ngày có thể về đến nhà rồi”. Ông cho biết, mỗi lần ăn Tết xong lại khăn gói lên đường, gia đình sẽ chuẩn bị một số đặc sản quê hương để ông mang theo. “Lạp xưởng, đây là món khiến tôi nhớ quê nhất khi ở nơi xa”.
40 ngày Xuân vận, 30 ngày ngồi trên máy bay, hơn mười năm như một
Tại sân bay quốc tế Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương, hành khách đang háo hức về nhà. Trong đám đông vội vã này, một người đàn ông đẹp trai khoác lên mình bộ đồng phục, mỉm cười và tận tình hướng dẫn những ai cần được giúp đỡ.
“Xin chào, anh cần xếp hàng ở khu B để kiểm tra hành lý”.
“Xin chào, chị cứ bế con, để em xách hành lý giúp chị”.
“Xin chào, đây có phải lần đầu tiên em đi máy bay không? Anh dẫn em đến chỗ làm thủ tục”.
Chàng nhân viên Mai Cương rất thích cười, anh đã làm công việc trong phi hành đoàn gần 10 năm. 40 ngày Xuân vận, hơn 30 ngày ở trên máy bay, lúc rảnh thì anh lại hoạt động tự do để giúp đỡ hành khách.
Không thể ở nhà đoàn viên cùng gia đình, khoảnh khắc giao thừa, Mai Cương chỉ có thể nhìn thấy bố mẹ qua màn hình điện thoại và gửi lời chúc phúc đầy yêu thương. Thấu hiểu công việc của con, bố mẹ già cũng không một lời phàn nàn, chỉ mong con bình an và vui vẻ với sự lựa chọn của mình.
“Hơn 10 năm qua, tôi cũng thấy có lỗi với bố mẹ. Có lẽ tương lai, cảnh được ngồi chung mâm cơm với bố mẹ không còn xa, nhưng hiện tại, tôi vẫn phải tập trung vào công việc. Tôi yêu nghề này, nhìn thấy dòng người háo hức về quê, tôi muốn cho họ chuyến đi đoàn viên an toàn và suôn sẻ nhất”, Mai Cương trải lòng với phóng viên.
Xuân vận 2024 gần hoàn thành xong tuần đầu tiên. Tết Nguyên đán đang đến gần, phòng chờ nhà ga và sân bay ngày càng đông đúc hơn. Cầm trên tay tấm vé về nhà, mỗi người ôm trong mình một tâm trạng khác nhau.
Năm rồi bất kể ra sao, thành hay bại, về nhà trước rồi tính tiếp…
Nguồn: Tổng hợp
Phụ nữ số