MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những lưu ý khi chọn mua thực phẩm ngày Tết: Đừng vì vội vàng mà mất vui những ngày đầu Xuân

29-01-2019 - 13:13 PM | Sống

Thực phẩm tươi, ngon, đảm bảo an toàn sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe, tránh gây ngộ độc thực phẩm, giúp giữ niềm vui trọn vẹn trong những ngày Xuân ở mỗi gia đình.

Năm hết Tết đến, gia đình nào cũng không thể thiếu những bữa tiệc sum vầy. Lúc này, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thức ăn sẵn hay hoa quả, bánh kẹo tăng lên đột biến, thực phẩm kém chất lượng có cơ hội len lỏi vào mâm cơm, bàn tiệc của mỗi gia đình.

Để giúp người dân lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, tránh xảy ra các vụ ngộ độc đáng tiếc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, không có mùi khó chịu.

Cần thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể chứa phẩm màu, phụ gia độc hại sức khỏe. Chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm để kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.

Do đó, khi mua sắm, chúng ta nên lưu ý những điều này để có một bữa ăn vừa tươi ngon, vừa an toàn: 

1. Thực phẩm đóng gói, đóng hộp: Bánh, kẹo, mứt Tết...

Thực phẩm đóng gói, đóng hộp như lạp xưởng, xúc xích, bánh mứt, nước đóng chai, các loại gia vị... nên chọn những loại có nhãn mác, nhà sản xuất có uy tín, còn hạn dùng, nên đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Không chọn hộp có nắp bị phồng lên bất thường.

Mua sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên thị trường; mua tại các điểm bán chính thống như siêu thị, đại lý, cửa hàng tạp hóa đáng tin cậy. Không nên mua các sản phẩm trôi nổi không nhãn mác, không rõ xuất xứ thường được bày bán tại các chợ cóc.

Nên mua các sản phẩm bánh kẹo đã được công bố phù hợp quy định ATTP do Cục An toàn thực phẩm cấp với ký hiệu cụ thể như sau: (số thứ tự)/(năm cấp)/ATTP-XNCB

Mua giỏ quà cần chú ý chất lượng bánh kẹo bên trong, nên tự chọn bánh kẹo rồi nhờ xếp thành giỏ quà. Tránh trường hợp có những sản phẩm không rõ ràng về chất lượng được gói sẵn trong giỏ quà.

2. Thịt

Trước tiên, nên tìm chọn mua sản phẩm tại cửa hàng, quầy sạp có điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định vệ sinh thú y như bàn, giá treo hợp vệ sinh. Sản phẩm phải được kiểm tra và chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật.

Những lưu ý khi chọn mua thực phẩm ngày Tết: Đừng vì vội vàng mà mất vui những ngày đầu Xuân - Ảnh 1.

Chọn thịt có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.

Tránh mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Với gia cầm, chọn con có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng. Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền. Không mua sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.

3. Rau củ quả

Không mua rau quả đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có hình dạng bất thường như quá mập, quá phồng, hoặc phủ bụi tức là hàng cũ kém tươi.

Khi sử dụng, cần nhặt rau kỹ và rửa sạch rồi ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút để hòa tan thuốc bảo vệ thực vật (nếu có). Sau đó, ngâm rau trong dung dịch nước muối, rửa trôi 2-3 lần dưới vòi nước chảy.

Nếu là củ, quả thì nên rửa sạch, gọt bỏ vỏ và những phần dập nát.

Những lưu ý khi chọn mua thực phẩm ngày Tết: Đừng vì vội vàng mà mất vui những ngày đầu Xuân - Ảnh 2.


4. Thực phẩm đã nấu chín

Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ. Những thức ăn còn dư sau bữa ăn nên đun nóng lại, để nguội rồi mới để vào trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn phải nấu chín lại thức ăn trước khi dùng vì nhiệt độ trong tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được nó. Thức ăn bảo quản trong ngăn mát thường chỉ sử dụng trong vòng 5-7 ngày. Nếu ăn còn dư để lại thì chỉ nên dùng thêm 1 ngày.

Những lưu ý khi chọn mua thực phẩm ngày Tết: Đừng vì vội vàng mà mất vui những ngày đầu Xuân - Ảnh 3.

Thức ăn sống và chín nên được để riêng biệt để tránh nhiễm khuẩn chéo. Thức ăn sống cũng cần sơ chế sạch sẽ, bảo quản hộp kín hoặc bao chuyên dụng và bỏ chỗ dập nát trước khi cho vào tủ.

Với ngăn đông, thức ăn phải được sơ chế sạch sẽ rồi mới cấp đông. Thực phẩm có thể dự trữ khoảng 2 tháng, song cần lưu ý sau khi rã đông thì nên chế biến hết chứ không nên cấp đông trở lại vì các tinh thể nước tan ra đã làm vỡ màng các tế bào, thực phẩm rất dễ bị hư hỏng nếu để trở lại.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên