Những lưu ý quan trọng trong triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã đưa ra 3 lưu ý quan trọng trong việc triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc tại các đơn vị thuộc Bộ.
- 08-08-2024Nam thanh niên ở Quảng Nam sập bẫy 'việc nhẹ lương cao' ở Campuchia
- 08-08-2024Cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội
- 08-08-2024Trên 80 triệu việc làm có thể biến mất do vấn đề này
Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 7/2024, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã cùng lãnh đạo một số đơn vị như Cục Tần số Vô tuyến điện; Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Xuất bản, In và Phát hành thử nghiệm và trực tiếp đặt câu hỏi cho hệ thống trợ lý ảo của các đơn vị.
Thứ trưởng Phạm Đức Long đã đưa ra 3 lưu ý quan trọng trong việc triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc tại các đơn vị thuộc Bộ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long (Ảnh: Bộ TT&TT)
Đầu tiên, các đơn vị cần chủ động đặt câu hỏi và hướng dẫn trợ lý ảo hiểu rõ về các loại văn bản pháp luật như luật, nghị định và thông tư. Điều này giúp trợ lý ảo có khả năng trả lời chính xác và hỗ trợ hiệu quả hơn trong các nhiệm vụ liên quan đến pháp lý và hành chính.
Lưu ý thứ hai là đảm bảo các tri thức được dạy cho trợ lý ảo phải chính xác và đáng tin cậy. Tri thức không chính xác sẽ dẫn đến việc trợ lý ảo cung cấp thông tin sai lệch, gây ra hậu quả không mong muốn trong quá trình hỗ trợ công việc. Do đó, các đơn vị phải kiểm tra và xác thực thông tin trước khi truyền đạt cho trợ lý ảo.
Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác và toàn diện. Trợ lý ảo cần có nguồn dữ liệu phong phú và chính xác để có thể truy xuất thông tin một cách hiệu quả. Các đơn vị cần đầu tư vào việc xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin thường xuyên để trợ lý ảo có thể đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng một cách nhanh chóng và chính xác.
Việc áp dụng trợ lý ảo trong công việc là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, giúp cải thiện hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Với 3 lưu ý trên, Thứ trưởng Phạm Đức Long hy vọng các đơn vị sẽ triển khai trợ lý ảo một cách hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho công việc hàng ngày.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh, tất cả các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phải xây dựng trợ lý ảo, tức là 34 đơn vị thì phải có 34 trợ lý ảo để xây dựng hệ tri thức cho đơn vị mình. Trợ lý ảo sẽ giúp thay đổi hệ tri thức của hệ thống công chức Nhà nước, thay đổi toàn bộ cách làm việc của một tổ chức, làm thông minh hóa toàn bộ hệ thống công chức Việt Nam. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bắt đầu từ 1/7/2024, Bộ trưởng và các Thứ trưởng khi làm việc với các đơn vị sẽ trực tiếp hỏi trợ lý ảo của các đơn vị được giao phụ trách. Trợ lý ảo hỗ trợ công việc trả lời không đúng câu hỏi hoặc không có nội dung trả lời thì cấp trưởng các đơn vị là người chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu các Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng phần mềm quản lý điều hành công việc của Bộ cũng như trợ lý ảo để đẩy mạnh chuyển đổi số của Bộ hơn nữa.
VTV