Trên 80 triệu việc làm có thể biến mất do vấn đề này
Trong 5 năm tới, khoảng 83 triệu việc làm có thể bị mất do nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực thay đổi
- 08-08-2024Công an Cà Mau thụ lý hơn 50 vụ lừa đảo mạng gây thiệt hại gần 60 tỷ đồng
- 08-08-2024Tại sao Trung Quốc từng học tập công nghệ đường sắt cao tốc Nhật, Đức… nhưng giờ không ai học lại được công nghệ của Trung Quốc?
- 08-08-2024Đột nhập "trụ sở" lừa đảo quy mô trăm tỷ lúc rạng sáng: 4 giờ truy bắt 155 đối tượng người Việt, thu 500 điện thoại, hàng nghìn sim không chính chủ, tài liệu...
Báo cáo "Xu thế thị trường lao động trong tương lai" mới đây của Ngân hàng HSBC cho thấy trong 5 năm tới, khoảng 83 triệu việc làm có thể bị mất do nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực thay đổi. Đồng thời, sẽ có 69 triệu việc làm mới được tạo ra dưới tác động của công nghệ và các xu hướng xã hội.
Báo cáo nhận định công nghệ đã, đang tạo ra nhiều công việc mới. Nhưng những công việc đó sẽ chỉ phù hợp với ai nắm bắt được công nghệ mới. Cũng từ đó, thị trường lao động, việc làm cũng có nhiều thay đổi.
Trong tương lai, yêu cầu nghề nghiệp đặt ra sẽ là kiến thức công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm và trí tuệ cảm xúc. Chính vì vậy, tất cả những ngành nghề, lĩnh vực đào tạo giờ không thể thiếu việc ứng dụng công nghệ. Nắm bắt được công nghệ, người lao động sẽ dễ dàng hòa nhập với môi trường việc làm trong thời đại số.
Theo các chuyên gia, những công việc được dự báo dễ bị thay thế gồm: nhân viên an ninh bảo vệ, thu ngân, bán vé, nhân viên dịch vụ bưu chính và giao dịch viên ngân hàng, thư ký… Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), robot sẽ thay thế công nhân trong nhà máy, kho bãi, dây chuyện sản xuất hoặc nhân viên chạy bàn…
Trong khi đó, công việc trong mảng phân tích dữ liệu lớn, công nghệ quản lý môi trường, mã hóa và an ninh mạng, công nghệ sinh học, các nền tảng và ứng dụng số hóa… được dự báo sẽ tăng lên. Công việc có thể được tuyển dụng nhiều trong tương lai điển hình là chuyên viên về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu kinh doanh, bảo mật thông tin, kỹ sư công nghệ tài chính.
Dùng AI để tuyển dụng
AI đang tham gia vào chính công việc tuyển dụng, thậm chí là phỏng vấn trực tiếp các ứng viên.
Một cuộc khảo sát của Resume Builder, cứ 10 công ty thì có 4 công ty sẽ sử dụng AI để "nói chuyện" với các ứng viên trong phỏng vấn. 15% số công ty đó cho biết, các quyết định tuyển dụng được đưa ra mà không cần sự can thiệp của con người. Điều này đang trở thành một xu thế trên thế giới.
Một cuộc khảo sát do hệ thống phỏng vấn trí tuệ nhân tạo Sapia.ai tài trợ cho thấy, 55% các công ty đang đẩy mạnh đầu tư vào các biện pháp tuyển dụng tự động. Một trong số đó là phỏng vấn xin việc trực tuyến hoặc phỏng vấn qua video, được hướng dẫn bởi trí tuệ nhân tạo.
Dùng AI rút ngắn quá trình tuyển dụng, giúp các doanh nghiệp tìm được ứng viên phù hợp với chi phí rẻ hơn.
Việc sử dụng AI còn hiệu quả đối với cả ứng viên. Nhiều người cho biết, họ đã sử dụng các công cụ AI để điều chỉnh sơ yếu lý lịch, viết thư xin việc và thậm chí tự động nộp đơn xin việc.
Có thể thấy, AI hỗ trợ con người rất nhiều thứ nhưng không phải là tất cả. Biết cách tận dụng sức mạnh của AI sẽ là hướng đi tất yếu cho mọi lĩnh vực.
Hơn nữa, sự tác động mạnh mẽ của công nghệ làm thay đổi nhiều ngành nghề là xu hướng không thể thay đổi. Vì vậy, tự nâng cao kỹ năng để thích ứng với tác động mà công nghệ tạo ra là yêu cầu tất yếu.
Đó là thách thức, cũng là cơ hội với nhiều người khi mà thị trường lao động ngày càng cạnh tranh gay gắt. Quan trọng là chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai.
Người lao động