MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những lý do đặc biệt khiến Indonesia từ chối gia nhập BRICS

11-09-2023 - 08:32 AM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023. Ảnh: Thejakartapost.com

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023. Ảnh: Thejakartapost.com

Với tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới hiện nay, việc Indonesia gia nhập hay không gia nhập nhóm BRICS là một sự kiện quan trọng và có tác động lớn.

Theo nhận định của He Jun, nhà nghiên cứu tại ANBOUND, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), được đăng tải trên trang tin eurasiareview.com mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 ở Johannesburg vào cuối tháng 8 vừa qua, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố rằng Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) sẽ chính thức gia nhập nhóm BRICS và tư cách thành viên này sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới.

Đây là lần mở rộng thứ hai của nhóm BRICS kể từ khi Nam Phi được gia nhập vào năm 2011 và là lần mở rộng lớn nhất cho đến nay. Do đó, “nhóm BRICS-5” (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) giờ đây trở thành “BRICS-11”.

Sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS, một thông tin ngày càng thu hút sự chú ý của quốc tế là Indonesia không gia nhập khối BRICS. Là một quốc gia lớn ở Đông Nam Á và là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, Indonesia đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội trong những năm gần đây.

Nếu Indonesia gia nhập BRICS, đó sẽ là một sự tăng cường đáng kể cho tổ chức đa phương này. Nhà nghiên cứu tại ANBOUND trên cho rằng, với tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới hiện nay, việc Indonesia gia nhập hay không gia nhập nhóm BRICS là một sự kiện quan trọng và có tác động lớn.

Đã có những suy đoán khác nhau về lý do tại sao Indonesia không tham gia BRICS. Một lời giải thích cho rằng Indonesia đã nộp đơn xin gia nhập nhưng Ấn Độ và Brazil phản đối vì lo ngại quốc gia Đông Nam Á này có thể gây ảnh hưởng đến vị thế địa chính trị của họ. Một lời giải thích khác cho rằng việc Indonesia không là thành viên BRICS có liên quan đến Mỹ. BRICS được một số người cho là “chống Mỹ” và ủng hộ “phi USD hóa”, trong khi Indonesia có quan hệ sâu sắc với Mỹ, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội tham gia BRICS.

Suy cho cùng, những phán đoán này chỉ là suy đoán. Nhưng chúng ta có thể tham khảo các tuyên bố chính thức và phân tích từ truyền thông của Indonesia để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Ngày 4/9, tờ Jakarta Post đăng bài viết của tổ chức tư vấn Tenggara Strategics của Indonesia, phân tích lý do đằng sau quyết định không tham gia BRICS của Indonesia vào thời điểm này. Phân tích nêu rõ rằng quốc gia này, với quy mô là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới, hoàn toàn đủ điều kiện tham gia BRICS. Indonesia chia sẻ nhiều mục tiêu chung với BRICS, bao gồm thiết lập trật tự kinh tế toàn cầu công bằng hơn và giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào đồng đô la Mỹ.

Theo bài phân tích, chính phủ Indonesia đã thảo luận về khả năng gia nhập BRICS vào tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, cả Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani đều phản đối, cho rằng chưa có sự đoàn kết thực sự giữa các nước thành viên BRICS, trích dẫn những vấn đề như căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng như xung đột Nga - Ukraine. Họ cũng coi việc gia nhập BRICS có thể là một gánh nặng và điều đó có thể khiến Indonesia gắn kết với các khối chính trị cụ thể, trái ngược với quan điểm của nước này về chính sách đối ngoại “tự do và tích cực”.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã xác nhận trong một tuyên bố trực tuyến được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh BRICS (Tổng thống Widodo đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi từ ngày 22 - 24/8): Trả lời câu hỏi cho rằng Indonesia tìm cách trở thành thành viên BRICS nhưng không được chấp nhận, Tổng thống Widodo nêu rõ nước này không gửi đơn đăng ký gia nhập BRICS, lưu ý rằng ông đã tham dự hội nghị thượng đỉnh để “tăng cường tình đoàn kết giữa các quốc gia đang phát triển trên thế giới”, mặc dù Indonesia “chưa chính thức bày tỏ mong muốn tham gia”.

Theo chuyên gia He Jun, các nhà nghiên cứu tại tổ chức cố vấn ANBOUND (các học giả và chuyên gia ANBOUND cũng đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc) đánh giá, không giống như việc Indonesia từ chối gia nhập BRICS, nước này đã bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng đáng kể khi gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Cũng theo phân tích của Tenggara Strategics, Indonesia đang vạch ra con đường riêng của mình, khác biệt với các nền kinh tế mới nổi khác và hiện tại, việc gia nhập OECD là phù hợp nhất với lợi ích quốc gia của nước này. OECD bao gồm 38 quốc gia giàu có, chủ yếu đến từ thế giới phương Tây. Nếu gia nhập thành công, Indonesia sẽ trở thành thành viên châu Á thứ 3 sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều quan trọng cần lưu ý là nguyện vọng của Indonesia trong vấn đề này mang lại cho các nước phát triển phương Tây đòn bẩy mới để gây ảnh hưởng và can dự vào nước này thông qua OECD.

Từ quan điểm của Indonesia, quyết định ngoại giao từ chối tham gia BRICS phù hợp với lợi ích quốc gia và chiến lược địa chính trị của nước này. Là một "gã khổng lồ" đang phát triển mạnh, nước này phải cân nhắc các lựa chọn của mình một cách cẩn thận trong thời đại cạnh tranh địa chính trị ngày càng cao và ưu tiên lợi ích quốc gia lâu dài của mình.

Sau sự mở rộng của BRICS, khối này sẽ có tổng dân số 3,68 tỷ người, chiếm 46% tổng dân số thế giới. Tổng diện tích đất liền là 48,18 triệu km2, chiếm 36% diện tích đất liền của 197 quốc gia trên thế giới. GDP của khối năm 2022 là 29,2 nghìn tỷ USD, chiếm 29% tổng GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay cả khi dân số và ảnh hưởng kinh tế tăng lên sau khi mở rộng, BRICS vẫn là một tổ chức đa phương với trọng tâm là “hợp tác Nam-Nam” và tất cả những nước tham gia đều là các nước đang phát triển. Tác động kinh tế của khối đối với các nước thành viên vẫn còn hạn chế, đặc biệt trong một thế giới bị chi phối bởi địa chính trị,

Ngoài ra, mỗi quốc gia thành viên BRICS đều phải đối mặt với những thách thức kinh tế riêng và có những nghi ngờ về việc liệu khối này có thể thúc đẩy cải cách kinh tế toàn cầu hay không. Trong bối cảnh này, quyết định của Indonesia nhấn mạnh rằng ngay cả khi mở rộng đáng kể, BRICS vẫn thiếu ảnh hưởng toàn diện và sức hấp dẫn của khối vẫn còn hạn chế, ngay cả đối với các nước đang phát triển.

Tóm lại, nhà nghiên cứu He Jun kết luận, quyết định chưa nộp đơn gia nhập BRICS của Indonesia là một diễn biến quốc tế đáng chú ý, nhấn mạnh ý tưởng rằng trong một đấu trường toàn cầu được định hình bởi các chiến lược địa chính trị, các quốc gia lớn mới nổi sẽ quyết định sự tham gia của họ vào các tổ chức đa phương quốc tế theo lợi ích riêng của họ. Hơn nữa, tình huống này cũng chỉ ra rằng tác động, tính đại diện và sức hấp dẫn của tổ chức BRICS có phần khiêm tốn trong bối cảnh quốc tế rộng lớn hơn.

Theo Công Thuận

Báo Tin Tức

Trở lên trên