Những lý do khiến đồng yen suy yếu và tác động tới nền kinh tế Nhật Bản
Đồng yen đã giảm mạnh xuống thấp kỷ lục, đến mức giá trị của đồng tiền này đã quay trở lại mức hồi năm 1990, ngay sau khi “nền kinh tế bong bóng” nổi tiếng của Nhật Bản vỡ tung.
- 01-05-2024Đồng yên bật tăng mạnh bất thường làm dấy lên nghi vấn Nhật Bản có khả năng đã âm thầm can thiệp
- 29-04-2024NÓNG: Đồng yên tiếp tục rơi xuống mức thấp kỷ lục 160 yên/USD sau khi thủng liên tiếp 2 đáy tuần trước
- 27-04-2024Chỉ vài giờ sau quyết định ‘án binh lãi suất’ của Nhật Bản, đồng yên bị bán tháo ồ ạt, thủng 2 đáy chỉ trong 1 ngày
Theo trang The Guardian (Anh), đồng yen được giao dịch ở mức 160 yen đổi 1 USD hôm 29/4, thiết lập mức thấp mới so với đồng USD trong 34 năm trong phiên giao dịch đầy biến động. Vài năm trước, đồng tiền Nhật Bản được giao dich ở mức gần 100 yen đổi 1 USD.
Giới chuyên gia nhận định sự trượt dốc ngày càng nhanh của đồng yen có thể là tin xấu đối với người dân Nhật Bản. Đồng yen giảm có thể gây áp lực lên các hộ gia đình khi chi phí nhập khẩu gia tăng. Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu để cung cấp năng lượng và thực phẩm, đồng nghĩa với việc lạm phát có thể gia tăng.
Tuy nhiên, đồng yen yếu hơn có thể mang lại lợi nhuận khủng cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Và đối với khách du lịch đến thăm Nhật Bản, đồng tiền của họ sẽ trở nên có giá trị cao hơn.
Lý do đồng yen suy giảm
Đồng yen đã trượt giá liên tục trong hơn ba năm, mất hơn 1/3 giá trị kể từ đầu năm 2021.
Giới phân tích đã chỉ ra một số yếu tố khiến giá trị của đồng yen sụt giảm. Thứ nhất đồng yen giảm vì các nhà đầu tư đang bán ra – và các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo vì sự sụt giảm giá trị. Trong những trường hợp như vậy, thị trường sẽ bước vào một vòng lặp tự hoàn thiện.
Do đồng tiền giảm giá, các nhà xuất khẩu không thể khuyến khích chuyển đổi tiền thu được từ nước ngoài thành đồng yen, khiến nhu cầu càng giảm.
Tuy nhiên, cũng có những lý do chính sách quan trọng khiến đồng tiền này sụt giảm mạnh.
Trong nhiều năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giữ lãi suất ở mức cực thấp để kích thích lạm phát gia tăng trong nền kinh tế, cũng như thúc đẩy hoạt động cho vay của ngân hàng và thúc đẩy nhu cầu.
Hồi tháng 2, trước tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng và đồng yen suy yếu, Nhật Bản đã bị Đức vượt lên trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và rơi vào suy thoái.
Khi lãi suất thấp được coi là yếu tố chính khiến đồng yen sụt giảm nhanh chóng, tháng trước BOJ đã chấm dứt chính sách giữ lãi suất chuẩn dưới 0, nâng lãi suất chính sách ngắn hạn từ -0,1% lên 0 đến 0,1% .
Sau quyết định đó, thị trường tập trung vào tốc độ tăng lãi suất hơn nữa. Hôm 26/4, BOJ tuyên bố sẽ giữ lãi suất ổn định, báo hiệu rằng việc tăng thêm lãi suất sẽ không xảy ra. Điều này gây ra một đợt bán tháo đồng yen khác, gây thêm áp lực lên đồng tiền này. Chính làn sóng bán tháo này đã khiến đồng yen giảm xuống mức 160 yen đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 1990.
Tác động đối với nền kinh tế
Giá trị thấp của đồng yen trong nhiều thập kỷ đồng nghĩa với việc giá trị của các đồng ngoại tệ khác sẽ ngày càng tăng lên trong lĩnh vực du lịch. Ngoài đồng USD, đồng yen cũng đã chạm mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng euro, đồng AUD và đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Tất cả những đồng ngoại tệ này đều có tác động mạnh mẽ tới thị trường du lịch của Nhật Bản. Trong tháng 2, Nhật Bản ghi nhận 2,79 triệu lượt khách nước ngoài, mức kỷ lục trong tháng.
Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước vẫn là một điểm yếu lớn. Các hộ gia đình có xu hướng trở thành nhà nhập khẩu ròng và đang phải đối mặt với mức giá cao hơn do đồng yen suy yếu.
Đồng yen suy yếu cũng là một yếu tố khiến các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản quyết định giữ tiền ở nước ngoài, nơi có thể kiếm được lợi nhuận tốt hơn. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn do đồng USD tăng bất thường, điều này có nghĩa là các khoản đầu tư và tài sản của Mỹ mang lại lợi nhuận tốt hơn nhiều cho các tổ chức tài chính lớn.
Phản ứng của giới chức Nhật Bản
Trong những năm gần đây, chính quyền Nhật Bản đã can thiệp để nâng cao giá trị đồng yen vì đồng nội tệ suy yếu sẽ ngăn cản nước này đạt được mục tiêu lạm phát bền vững. Hơn nữa, việc tăng giá trị đồng yen có thể giúp tăng tiêu dùng trong nước và đầu tư địa phương.
Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ ba lần vào năm 2022, bán USD dự trữ để mua đồng yen. Tokyo ước tính đã chi khoảng 60 tỷ USD để bảo vệ đồng tiền vào thời điểm đó.
Hôm 29/4, sau một thời gian ngắn chạm mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, đồng yen tăng mạnh, khiến các nhà giao dịch nghi ngờ rằng sau nhiều tuần đe dọa can thiệp, Nhật Bản đã vào cuộc để hỗ trợ đồng tiền nội tệ.
Nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, Masato Kanda, từ chối bình luận khi được hỏi liệu chính quyền Tokyo có can thiệp vào vấn đề này hay không.
Ông Nicholas Chia, chiến lược gia vĩ mô châu Á tại Ngân hàng Standard Chartered ở Singapore nhận định: “Động thái hôm nay, nếu thể hiện sự can thiệp của chính quyền, khó có thể là động thái chỉ xảy ra một lần. Chúng ta có thể mong đợi nhiều động thái hơn từ Bộ Tài chính Nhật Bản, nếu tỷ giá lại tăng lên mức 160 yen đổi 1 USD. Theo một nghĩa nào đó, mức 160 đại diện cho ngưỡng giới hạn mới đối với chính quyền nước này”.
Báo Tin Tức