MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những lý do này đang khiến VnIndex “chật vật” trước ngưỡng 600 điểm

Mặc dù khối ngoại có xu hướng mua ròng trong thời gian gần đây, tuy nhiên dòng tiền này không chảy vào trực tiếp vào các quỹ ETF mà chủ yếu vào chứng chỉ P-notes. Đây là dòng tiền thay đổi rất nhanh và thường mang tính đầu cơ.

Thời gian gần đây, TTCK đã trở nên “nóng” hơn rất nhiều, đặc biệt khi VnIndex vượt qua kháng cự “cứng” 600 điểm và đang hướng đến cột mốc tiếp theo là 620 điểm. Tuy vậy, ngay khi tâm lý nhà đầu tư đang hưng phấn thì VnIndex đã bất ngờ “vấp ngã” ngay khi chạm 600 điểm.

Một phiên giảm điểm chưa nói lên điều gì nhưng nó cũng cho thấy áp lực điều chỉnh của thị trường tại vùng 600- 620 điểm vẫn rất lớn và việc vượt qua không phải là dễ dàng.

Rủi ro từ dòng tiền khối ngoại

Từ tháng 2/2016 tới này, chỉ số CDS Việt Nam có xu hướng giảm trung hạn đã cho thấy rủi ro của thị trường Việt Nam có chiều hướng giảm. Chính yếu tố này đã hấp dẫn khối ngoại tham gia giải ngân vào TTCK trong giai đoạn vừa qua.

Không chỉ Việt Nam, xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các thị trường mới nổi và thị trường cận biên khác, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á.

CDS (Credit Default Swap, hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ) có vai trò tương tự như một hợp đồng bảo hiểm. Giá của hợp đồng CDS càng cao, rủi ro vỡ nợ của một trái phiếu càng lớn và ngược lại CDS thấp, rủi ro càng thấp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh- trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Bản Việt (VCSC) nhận định: “Mặc dù khối ngoại có xu hướng mua ròng trong thời gian gần đây, tuy nhiên dòng tiền này không chảy vào trực tiếp vào các quỹ ETF mà chủ yếu vào chứng chỉ P-notes. Đây là dòng tiền thay đổi rất nhanh và thường mang tính đầu cơ”.

Theo phân tích kỹ thuật, đồ thị giá của chỉ số CDS đã xuất hiện mô hình phân kỳ tăng giá cho thấy đà giảm trung hạn trong thời gian qua đã có dấu hiệu chững lại và nhiều khả năng chỉ số này sẽ sớm hồi phục trở lại trong ngắn hạn. Do đó, rủi ro đối với các tài sản tài chính sẽ có xu hướng tăng trở lại và điều này sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động giao dịch của khối ngoai.

CDS Việt Nam đang tạo phân kỳ hồi phục

CDS Việt Nam đang tạo phân kỳ hồi phục

Cùng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa- trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCK BSC cho rằng: “Từ đầu năm, ETFs chỉ thoái ra, dù không mạnh nhưng cũng không mua vào, trái với quy luật mua vào trong quý 1 đã được thực hiện trong 4 năm qua. Dòng tiền khối ngoại hiện chủ yếu vẫn đến từ P-notes”.

P-notes (Participatory Notes) là chứng chỉ tham gia đầu tư, về cơ bản là một dạng công cụ tài chính phái sinh được phát hành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài bởi các tổ chức đầu tư đang hoạt động tại những thị trường chứng khoán mới nổi.

Ông Khoa cũng nhận định dòng tiền P-notes thay đổi rất nhanh và nhà đầu tư cần thận trọng bởi nếu dòng vốn này đảo chiều nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường một cách chóng vánh.

Chứng khoán Mỹ đang tạo đỉnh?

Dưới góc độ kỹ thuật, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng chỉ số S&P500 đang giao dịch tại mức kháng cự mạnh (đây là vùng đỉnh trong tháng 05/2015 và 11 /2015) và đà hồi phục này không bắt nguồn từ lợi nhuận tốt của các doanh nghiệp. Hệ số P/E hiện nay của S&P500 là 17,5 lần, mức định giá cao nhất kể từ tháng 9/2009 và là một trong những mức cao nhất kể từ cuối 2004.

Theo phân tích, mô hình phân kỳ giảm giá được hình thành trên chỉ báo xung lượng cho thấy áp lực điều chỉnh trên chỉ số S&P500 là khá cao. Do đó, ông Minh đánh giá rủi ro trên TTCK thế giới đang có chiều hướng gia tăng.

Cần lưu ý, những diễn biến từ TTCK Thế giới (đặc biệt tại Mỹ) và động thái từ khối ngoại thường ảnh hưởng không nhỏ tới TTCK Việt Nam.

S&P500 đang ở vùng đỉnh

S&P500 đang ở vùng đỉnh

Khoảng trống thông tin và tâm lý tháng 5

Tính từ mức đáy 513 điểm được thiết lập vào cuối tháng 1/2016 đến nay, chỉ số VnIndex đã tăng 15%- đây là con số không hề nhỏ và áp lực điều chỉnh chắc hẳn sẽ tăng dần trong thời gian tới.

Thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều đã công bố BCTC quý 1 và các doanh nghiệp lớn đều đã thực hiện ĐHCĐ thường niên. Do đó, thị trường nhiều khả năng thiếu vắng thông tin hỗ trợ cho đà tăng điểm.

Ngoài ra, tháng 5- thời điểm vốn được coi là không tích cực cho hoạt động đầu tư chứng khoán đã cận kề và điều này phần nào cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên