MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những mạch ngầm giảm lãi suất

19-03-2018 - 09:49 AM | Tài chính - ngân hàng

Những dòng chảy ít nổi bật đã và đang góp phần để giảm lãi suất hoặc ít nhất ở mức độ bình ổn...

Năm 2017 rồi gần hết quý 1/2018 trôi qua, Chính phủ liên tục nêu định hướng phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong các nghị quyết và chỉ thị. Trong quãng thời gian đó, mới duy nhất một lần Ngân hàng Nhà nước giảm rất nhẹ 0,25%/năm các lãi suất điều hành.

Ở một khía cạnh khác, thị trường vẫn tự vận động và cân đối, thay vì chờ đợi có hay không những lát cắt trực tiếp và mạnh hơn từ nhà điều hành.

Qua năm 2017, một chuyển động lớn tự thân của nền kinh tế tiếp tục thể hiện. GDP trở lại đà tăng trưởng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn, thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa mở rộng. Theo đó, nhu cầu giao dịch, thanh toán qua hệ thống ngân hàng tăng lên.

Điều đó thể hiện, tại nhiều ngân hàng thương mại, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn gia tăng rất mạnh. Báo cáo từ nhiều thành viên cho thấy, tỷ trọng này đã vượt trên 20% trong cơ cấu vốn huy động, thay vì chỉ khoảng 10 - 15% nhiều năm trước.

Tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn gọi là vốn rẻ, vì lãi suất chỉ khoảng 0,2 - 0,3%/năm. Riêng ở khía cạnh này, chi phí huy động cũng đã giảm, vì những năm trước hầu hết đều áp 0,36%/năm.

Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh tại nhiều thành viên, với lãi suất rất thấp như trên, đã giúp hệ thống pha loãng bớt áp lực chi phí huy động. Một mặt, nó tạo điều kiện để giữ hoặc cải thiện lãi biên (NIM) cho lợi nhuận; mặt khác, với tỷ trọng gia tăng, nó góp thêm phần bình ổn và tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Trong cơ cấu tiền gửi thanh toán có chi phí huy động thấp, nổi bật năm 2017 và đang tiếp tục thể hiện là cấu phần tiền gửi ngân sách. Quy mô lớn của nó từng được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thống kê, cập nhật, gắn với tốc độ giải ngân đầu tư công chậm.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng thương mại nào cũng có lợi thế thu hút được lượng lớn tiền gửi ngân sách, cũng như gia tăng mạnh được tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn. Để cân đối, có mạch ngầm thứ hai là kênh điều hòa trên thị trường liên ngân hàng.

Thoạt tiên, như có tình trạng bất cập: lãi suất trên thị trường liên ngân hàng chỉ một vài phần trăm, duy trì từ năm này qua năm khác, trong khi doanh nghiệp và người dân vẫn phải vay với lãi suất cao hơn rất nhiều lần. Hay, mức độ thẩm thấu giữa hai thị trường có vẻ kém.

Nhưng, như trên, thị trường liên ngân hàng đóng vai trò hồ điều hòa thanh khoản và nguồn vốn ngắn hạn cho hệ thống. Những thành viên có lợi thế tiền gửi thanh toán, tiền gửi "giá rẻ" có thể san sẻ lợi ích có giá trên kênh này. Và nó cũng góp phần thẩm thấu gián tiếp sang lãi suất cho vay trên thị trường giao dịch với dân cư và doanh nghiệp.

Có thể tham khảo mức độ thẩm thấu trên qua cân đối nguồn của một ngân hàng thương mại điển hình.

Năm 2015, tại ngân hàng này, tỷ trọng nguồn vay trên liên ngân hàng chỉ ở mức 7,41% tổng huy động. Đến 2016, tỷ trọng đó tăng lên 14,69%. Đến 2017 đã tăng mạnh 89,07% để chiếm tỷ trọng tới 22,21%, ứng với quy mô 37,21 nghìn tỷ đồng.

Nếu theo cách huy động thông thường trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế), 37,21 nghìn tỷ đồng trên chắc chắn sẽ phải chịu chi phí lãi suất cao hơn nhiều. Nhưng nhờ kênh liên ngân hàng, chi phí đã thấp hơn để có thể cải thiện NIM, hoặc thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay mà cạnh tranh.

Tất nhiên, không phải tất cả các ngân hàng thương mại đều có thể thuận lợi khi tiếp cận kênh vốn có lãi suất thấp hơn trên liên ngân hàng.

Tháng 10/2011, các thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng từng đón "cú sốc". Rủi ro những khoản cho vay không hoặc khó thu hồi đúng hạn khiến một số ngân hàng lớn cho vay trên kênh này đưa ra biện pháp phòng vệ. Họ áp thêm điều kiện khi cho vay, như phải có tài sản đảm bảo, thế chấp…

Sau đó, thị trường liên ngân hàng cũng được quy hoạch lại bằng Thông tư số 21/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài.

Đến nay, như trên, để tiếp cận lãi suất thấp trên liên ngân hàng, chủ đông và thuận lợi hơn trong cân đối nguồn, thông thường thành viên tham gia đều có những khoản lận lưng phòng thân, cũng như là một kênh đầu tư khác. Đó là trái phiếu Chính phủ.

Trái phiếu Chính phủ có tính thanh khoản cao, chỉ đứng sau tiền mặt; giá trị đảm bảo của nó đương nhiên ở cấp độ… Chính phủ. Như với ví dụ ở ngân hàng thương mại điển hình trên, song song với việc tranh thủ vốn chi phí thấp trên liên ngân hàng, họ lận lưng lượng lớn trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, với quy mô lên tới 50,59 nghìn tỷ đồng.

Ở những vòng quay và những mạch ngầm trên đều có bóng dáng của chính sách tài khóa, mà cụ thể là vai trò và kênh huy động của trái phiếu Chính phủ…, chứ không riêng lẻ chính sách tiền tệ.

Còn trên thị trường liên ngân hàng, đến ngày 15/3/2018, lãi suất bình quân theo Ngân hàng Nhà nước cập nhật, qua đêm đã rơi xuống dưới mốc 1%/năm còn 0,95%/năm, 1 tuần chỉ 1,03%/năm, 2 tuần 1,31%/năm, 1 tháng 1,97%/năm, 3 tháng 3,01%/năm, 6 tháng 4%/năm.

Theo Minh Đức

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên