MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những năm tháng cay đắng của hãng hàng không Jetstar Pacific đã chấm dứt?

04-05-2016 - 08:05 AM | Doanh nghiệp

Sau 25 năm hoạt động, lần đầu tiên Jetstar Pacific mới có lãi, và lãi vỏn vẹn 270 triệu đồng. Trong giai đoạn tới đây, khi được rót thêm hơn 3.000 tỷ đồng, những ngày tháng lận đận của hãng hàng không này liệu có kết thúc và mở ra một thời kỳ rực rỡ?

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1991, Pacific Airlines – tên trước đây của Jetstar Pacific Airlines (JPA) là hãng hàng không tư nhân đầu tiên được thành lập tại Việt Nam sau khi luật sửa đổi cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hàng không trong nước. Thế nhưng doanh nghiệp tiên phong này đã có 25 năm hoạt động không hề suôn sẻ.

Số phận long đong của Jetstar Pacific

Vốn ban đầu của JPA chỉ 40 tỷ đồng được góp bởi 7 cổ đông, trong đó Cục hàng không dân dụng Việt Nam và 4 doanh nghiệp thành viên đã chiếm 86,49% cổ phần. Hai cổ đông còn lại là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist, nắm 13,06%) và Công ty Thương mại Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (Tradevico, nắm 0,45%).

Năm 1993, Cục hàng không dân dụng Việt Nam tái cấu trúc bộ phận khai thác thành trở thành Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines , VNA), sau này là doanh nghiệp nòng cốt, liên kết với 20 doanh nghiệp khác để trở thành Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Theo đó, số cổ phần của Cục hàng không dân dụng tại JPA được chuyển sang cho VNA.

Từ khi hoạt động, JPA luôn rơi vào tình trạng thua lỗ và bị “đá” từ VNA sang Bộ tài chính, sang Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rồi may mắn sau đó được tập đoàn Qantas (Úc) mua lại 30% cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược. Pacific Airlines chính thức đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines từ năm 2008, định hướng phát triển là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 2012, một lần nữa VNA lại tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại JPA từ SCIC.

Ngoài việc bị luân chuyển qua lại giữa các cổ đông lớn, JPA còn vướng vào những vụ việc nghiêm trọng như bị tố cáo sử dụng máy bay không an toàn. Năm 2010, ông Lương Hoài Nam - nguyên Tổng giám đốc hãng hàng không này đã bị tạm giữ để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến khoản lỗ 31 triệu USD trong quá trình mua xăng dự trữ của hãng. Đồng thời, hai Phó tổng giám đốc người Úc là bà Daniela Massilli và ông Tristan Freeman cũng bị cấm xuất cảnh để điều tra.

Sau đó, ông Lương Hoài Nam được tại ngoại và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, hai phó tổng giám đốc người Úc cũng được phép trở về nước vào tháng 7 năm 2010. JPA thay tướng.

Hiện nay cổ đông chính của JPA là Vietnam Airlines chiếm 67,8% cổ phần và Tập đoàn Qantas chiểm 30%.

Và con tim đã vui trở lại

Khi VNA tiếp nhận quyền đại diện vốn nhà nước tại JPA từ SCIC vào năm 2012, JPA bị âm vốn chủ sở hữu đến 600 tỷ đồng, mất khả năng thanh toán và có nhiều khoản công nợ quá hạn, khó đòi.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2011, vốn điều lệ của JPA là 1.317 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu âm 607 tỷ đồng, lỗ lũy kế 2.476 tỷ đồng. Công ty có 7 máy bay và khai thác chủ yếu 6 đường bay nội địa.

Trong 6 năm từ 2008-2013, JPA đều lỗ từ 200 - 400 tỷ đồng/năm và tổng mức lỗ trong giai đoạn này là 2.564 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, trong số gần 2.600 tỷ đồng lỗ của giai đoạn này, có 540 tỷ là lỗ từ bảo hiểm xăng dầu trong các năm 2008-2009 và 360 tỷ đồng là tiền phạt do trả sớm đội tàu bay và hủy hợp đồng mua máy bay.

Ngay khi nhận chuyển giao vốn, VNA đã xác định phải tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu đội tàu bay và mạng bay để phục hồi JPA. Với số vốn góp bổ sung của các cổ đông trong 2 năm 2012, 2014 là 1.315 tỷ đồng (trong đó VNA góp 921 tỷ), JPA đã tăng trưởng đội tàu bay, xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng kéo dài để cải thiện tình hình tài chính.

Nếu như từ 2011- 2013, doanh thu của JPA đều đi ngang quang mức xấp xỉ 2.600 tỷ đồng thì bắt đầu từ năm 2014, doanh thu của JPA đã bật tăng lên gần 3.300 tỷ đồng và bớt lỗ. Năm 2015 là năm đầu tiên hãng hàng không này có lãi, dù chỉ lãi 270 triệu đồng. Tại thời điểm 31/12/2015, vốn điều lệ JPA là 2.632 tỷ đồng và lỗ lũy kế 3.312 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn âm 129 tỷ.

Thống kê sơ bộ của Jetstar quý 1 vừa qua, sản lượng khách đạt 45-47% so với cùng kỳ năm 2015, hãng khai thác 15 máy bay (tăng 6 chiếc so với năm trước đó) và tiếp tục không lỗ.

Mới đây, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc JPA cho biết, Jetstar sẽ tiếp tục được hai cổ đông lớn là Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas “bơm” thêm 139 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng) để phát triển đội bay và chiếm lĩnh thị trường hàng không.

Với nguồn vốn mới, liệu hãng hàng không giá rẻ này có chấm dứt những lận đận trong suốt 25 năm qua?

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên