Những ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%?
Kết thúc năm 2020, tình hình nợ xấu ở các ngân hàng có sự biến động trái chiều. Trong khi một số ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh thì cũng có thêm nhiều ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1%.
Tại thời điểm 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank đứng ở mức 0,5%, thấp hơn mức 0,6% tại 30/09/2020 và 1,3% tại 31/12/2019. Theo đó, ngân hàng này đang có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.
Còn tại Vietcombank, nợ xấu cuối năm 2020 ở mức 5.229 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cuối tháng 9 và giảm 10% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm mạnh từ 1,01% hồi cuối quý 3/2020 xuống còn 0,62% vào cuối năm 2020 - cũng là mức thấp nhất trong lịch sử nhà băng này.
Tại ACB, mặc dù tỷ lệ nợ xấu có tăng trong năm qua, ngân hàng vẫn duy trì được ở hàng thấp nhất trong hệ thống. Theo BCTC, nợ xấu cuối năm 2020 tại ACB là 1.840 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,6%.
Tương tự, ỷ lệ nợ xấu của BacABank tăng nhẹ nhưng vẫn được kiểm soát dưới 1%. Nợ xấu cuối năm 2020 của ngân hàng này là 628 tỷ đồng, tăng 25,6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,69% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 0,79%.
Ngân hàng thứ 5 có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là VietinBank. Theo BCTC, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tại ngày 31/12/2020 còn 0,94%, giảm mạnh so với mức 1,87% hồi cuối quý 3/2020 và cũng thấp hơn mức 1,16% cuối năm 2019. Đây cũng là mức tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 của nhà băng này.
HDBank và MBBank hợp nhất có tỷ lệ nợ xấu trên 1% do có công ty tài chính tiêu dùng. Song chất lượng tài sản ngân hàng mẹ vẫn thuộc hàng tốt nhất trong hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ HDBank cuối năm 2020 chỉ 0,93%, MBBank là 0,92%.
Một ngân hàng nữa cũng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là NamABank. Tổng nợ xấu của ngân hàng này đã giảm gần một nửa so với năm trước xuống còn 744 tỷ đồng, giúp tỷ lệ nợ xấu hạ từ 1,97% xuống còn 0,83%.