MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ngân hàng nông thôn thời ấy, giờ ra sao?

03-07-2017 - 13:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kiên Long bắt đầu giao dịch trên UPCoM đã đánh dấu thêm một ngân hàng nông thôn có mặt trên thị trường chứng khoán và cũng là một trong số ba ngân hàng còn giữa được tên gọi sau giai đoạn tăng nóng cách đây 10 năm.

300 triệu cổ phiếu Kienlongbank đã chính thức được giao dịch trên trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán là KLB trong phiên giao dịch ngày 30/6 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phần. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch ở mức giá 11.800 đồng/cp (tăng 7% trong phiên).

Nằm trong nhóm 12 ngân hàng nông thôn chuyển đổi lên ngân hàng đô thị cách đây 10 năm và trải qua những thăng trầm của ngành “buôn tiền”, Kiên Long cũng là một trong ba ngân hàng hiếm hoi còn giữ được tên gọi sau chuyển đổi đến ngày nay, cùng với Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng An Bình.

Chuyện của 10 năm trước

Trào lưu thành lập ngân hàng bắt đầu manh nha từ năm 2005 và bùng nổ vào giai đoạn đầu năm 2007 khi quy chế thành lập ngân hàng mới rục rịch được chuẩn bị và ban hành. Một giai đoạn dài trước đó kể từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997, hoạt động cấp phép mới cho ngành kinh doanh đặc thù này gần như bị bỏ ngỏ.

Trong khi quy chế cấp phép mới trong giai đoạn xây dựng và xin ý kiến, cuối năm 2006 và đầu 2007, cuộc đua xin mở ngân hàng đã bước vào giai đoạn nóng bỏng. Từ cuối năm 2006 đến giữa tháng 3/2007, đã có ít nhất 10 bộ hồ sơ nộp lên Ngân hàng Nhà nước chờ cấp phép. Và chỉ trong vòng nửa cuối tháng 3 đã có thêm 10 bộ, trong đó đã bao gồm 2 bộ hồ sơ xin thành lập chi nhánh của ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Trước làn sóng ồ ạt mở ngân hàng mới, sự tham gia của ngân hàng nước ngoài và làn sóng tăng vốn của những anh cả của thị trường khi đó như Sacombank hay ACB, hàng loạt ngân hàng cổ phần nông thôn (bị giới hạn hoạt động) cũng vội vã đệ đơn xin chuyển đổi mô hình thành ngân hàng đô thị nhằm mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động và tăng thị phần.

Với quy định mới về hoạt động ngân hàng giai đoạn đó, những ngân hàng này chỉ được chọn một trong hai hướng, tăng vốn điều lệ để chuyển đổi thành ngân hàng đô thị hoặc phải sáp nhập, phá sản. Mặc dù vậy, chủ trương này vô hình chung lại là cơ hội vàng cho những nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, khi cửa xin cấp phép thành lập mới vốn đã hẹp lại có hàng chục người muốn chen vào.

Đến đầu tháng 8/2008, trước làn sóng xin cấp phép mới quá lớn, Chính phủ yêu cầu tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng cho đến khi Ngân hàng Nhà nước ban hành tiêu chí xét duyệt chặt chẽ hơn. Đến thời điểm đó, nhóm ngân hàng nông thôn trở thành những tên tuổi đáng giá.

Việc chuyển đổi ồ ạt ngân hàng nông thôn lên đô thị, cũng song hành cùng với trào lưu đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng. Làn sóng đó đã đưa vào hệ thống những nguồn vốn lớn và nóng, bao gồm cả yếu tố sở hữu chéo và vay mượn, mà hệ lụy đến cả chục năm sau vẫn phải tháo gỡ.

11 ngân hàng nông thôn được hóa kiếp thành đô thị thời đó gồm An Bình, Dầu khí toàn cầu, Sài Gòn – Hà Nội, Nam Việt, Kiên Long, Đại Dương, Xăng dầu Petrolimex, Phương Tây, Đại Tín, Đại Á và Mê Kong (riêng Việt Á được chuyển đổi từ Ngân hàng Nông thôn Đà Nẵng vào năm 2003).

Từ quy mô vốn chỉ vài tỷ đồng khi thành lập và hoạt động, các ngân hàng này nhanh chóng được mặc áo mới và chuyển đổi lên thành thị với số vốn khoảng 500 tỷ đến vài nghìn tỷ đồng, cùng với sự góp mặt của những cổ đông có tiềm lực tài chính.

Danh sách các ngân hàng nông thôn chuyển lên đô thị

Sớm nở chóng tàn

Tuy nhiên, tăng trưởng với dòng tiền nóng, mối quan hệ chồng chéo luôn kéo theo những yếu tố thiếu bền vững trong phát triển.

Sau hơn một thập kỷ, trong số 11 ngân hàng trong giai đoạn chuyển đổi thời kỳ đó chỉ còn sót lại 3 ngân hàng là An Bình (ABBank), Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Kiên Long (KienlongBank) vẫn hoạt động theo định hướng, hình thức pháp lý ban đầu. Còn lại 9 ngân hàng có thể chia thành 2 nhóm: nhóm ngân hàng yếu kém bị mua lại 0 đồng và nhóm ngân hàng bị sáp nhập.

Ba ngân hàng rơi vào kiểm soát đặc biệt khi âm vốn nặng và bị mua lại với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Ninh Bình và Ngân hàng Đại Tín (Trustbank – sau đó đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng – VNCB) tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Rạch Kiến.

Điểm chung của nhóm ngân hàng này là sự tăng trưởng quá nóng với dòng tiền ảo từ chủ sở hữu, và áp lực tăng trưởng tín dụng... dẫn tới “sức đề kháng” yếu và những rủi ro tiềm tàng. Khi thị trường gặp biến động và khủng hoảng, những yếu kém được bộc lộ ra ngoài với tốc độ không thể kiểm soát và dẫn đến hệ quả như ngày nay.

Các ngân hàng khác sau quá trình chuyển đổi như Mê Kông (MDB), Phương Tây (WesternBank), Nam Việt (NaviBank), Đại Á (DaiA Bank) phải vật lộn tự tái cơ cấu, để rồi sau đó nếu không sáp nhập vào nhà băng lớn hơn, thì cũng đổi tên, thay đổi định hướng hoạt động.

Trường hợp duy nhất này là Ngân hàng Nam Việt (NaviBank), tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Sông Kiên và sau quá trình tự cơ cấu đã đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Tuy nhiên, so với các ngân hàng đang hoạt động hiện nay, NCB có phần mờ nhạt hơn rất nhiều. Năm 2016, ngân hàng này chỉ đạt hơn 952 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và gần 11 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, con số quá khiêm tốn so với quy mô tổng tài sản tính đến cuối năm gần 70.000 tỷ đồng.

Với những cái tên còn lại, MDB (tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Mỹ Xuyên) sau quá trình tái cơ cấu đã sáp nhập vào Maritime Bank, WesternBank (tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Cờ Đỏ) sáp nhập cùng với Tổng công ty tài chính Dầu khí để thành lập ra PvComBank, DaiABank (tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Đại Á) sáp nhập vào HDBank, còn PGBank (tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Đồng Tháp Mười) đang trong quá trình sáp nhập vào VietinBank.

Theo Lan Thanh

Người đồng hành

Trở lên trên