VIB, VPBank, Techcombank, ACB có nhiều tiềm năng nhất được nới room ngoại lên 49% theo EVFTA?
Theo Hiệp định EVFTA, các ngân hàng Châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung. IVS cho rằng có 4 ngân hàng tiềm năng để tận dụng cơ hội này.
- 20-02-2020IVS: Deustche Bank, Norges Bank sẽ hứng thú hơn với ngân hàng Việt nhờ EVFTA
- 18-02-2020Khối ngoại “sang tay” hơn 900 tỷ đồng cổ phiếu VPBank (VPB) sau khi EVFTA được thông qua
- 14-02-2020Ngân hàng nào sẽ được nới room ngoại lên 49% theo EVFTA?
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) vừa có báo cáo về hiệp định EVFTA đối với ngân hàng Việt Nam.
Cụ thể, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam (không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank).
IVS cho rằng, trên khía cạnh đầu tư, các ngân hàng Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với các tổ chức quốc tế. Theo đánh giá từ chuyên gia thuộc JPMorgan: "Các ngân hàng Việt Nam là cơ hội đầu tư nổi trội ở Đông Nam Á".
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) gặp rào cản lớn về mặt pháp lý liên quan đến mức trần giới hạn sở hữu 30% của NĐTNN tại các ngân hàng Việt Nam. Với cam kết từ EVFTA này, các ngân hàng châu Âu hiện có hoạt động IB mạnh tại thị trường Việt Nam (Deustch Bank, Norges Bank) và Đông Nam Á nói chung sẽ hứng thú hơn cả.
Khi được nới room, ngân hàng mục tiêu sẽ được tiếp cận nguồn vốn lớn, hỗ trợ mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng bị giới hạn tỷ lệ LDR ở mức 85% theo thông tư 22/2019. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội lớn để tiếp cận bộ máy quản trị hiệu quả từ ngân hàng rót vốn cũng như có cơ hội để ngân hàng mục tiêu vươn ra thị trường quốc tế.
Trên thực tế, các ngân hàng châu Âu đều có thế mạnh về quy mô, kinh nghiệm cũng như chuẩn mực quản trị cao (đều đang áp dụng Basel III và tiến hành đến Basel IV). Vì vậy, việc lựa chọn đối tác phải dựa trên các tiêu chí nhằm đảm bảo được lợi nhuận đầu tư (biên lợi nhuận tốt), kiểm soát rủi ro hiệu quả, nâng cao hình ảnh của tổ chức (cơ hội tăng trưởng và có thế mạnh trong phân khúc khai thác), đặc biệt đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong khâu quản trị vận hành (Basel II và Basel II, báo cáo theo chuẩn mực IFRS).
Theo phân tích của IVS, VPBank, VIB, MBBank, Techcombank đang là những ngân hàng có NIM cao nhất. ACB, MBBank, Techcombank là 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Về mặt quản trị, VIB và VPBank là 2 ngân hàng đầu tiên hoàn thành triển khai cả 3 trụ cột của Basel II.
Trong khi đó, theo xếp hạng tín nhiệm của Moody công bố tháng 12/2019, Techcombank, MBBank, VPBank, VIB, ACB là những ngân hàng TMCP (ngoài SOCBs) có xếp hạng cao nhất (cả BCA, rủi ro đối tác, nhà phát hành và huy động nợ) trong 31 ngân hàng của Việt Nam được xếp hạng.
Dựa trên các phân tích này, IVS cho rằng VIB, VPBank, Techcombank, ACB là những ứng viên tiềm năng nhất có thể được xem xét nới room ngoại theo đề xuất của ngân hàng châu Âu. Cơ hội bứt phá là rất lớn, tuy nhiên, đây sẽ chỉ là câu chuyện trong dài hạn.