MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ngày kinh hoàng với chuỗi cung ứng toàn cầu tái diễn: Tắc nghẽn từ đường biển đến hàng không, các cảng lớn nhất thế giới quá tải

27-04-2022 - 08:09 AM | Tài chính quốc tế

Những ngày kinh hoàng với chuỗi cung ứng toàn cầu tái diễn: Tắc nghẽn từ đường biển đến hàng không, các cảng lớn nhất thế giới quá tải

Những quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc sắp gây ra một mùa hè hỗn loạn khác với chuỗi cung ứng khắp châu Á, Mỹ và châu Âu.

Toàn cầu hóa sắp là dĩ vãng?

Chiến dịch zero Covid của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Các cảng vận chuyển ở Trung Quốc tắc nghẽn và mâu thuẫn Nga – Ukraine có khả năng sẽ trở thành 2 "cú đánh" mạnh với đà hồi phục sau đại dịch – vốn đã chịu áp lực bởi lạm phát và những trở ngại với

Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, sự gián đoạn vẫn sẽ lan rộng trên cả thế giới và kéo dài vả vài năm. Jacques Vandermeiren – CEO của cảng Antwerp, cảng container bận rộn thứ nhì ở châu Âu, cho biết: "Chúng tôi dự đoán năm nay mọi thứ sẽ hỗn loạn hơn cả năm ngoái.

Trung Quốc chiếm khoảng 12% tỷ trọng thương mại toàn cầu và các lệnh hạn chế phòng dịch đã khiến nhiều nhà máy, kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng bằng xe tải cũng bị chậm trễ và tình trạng kẹt xe container cũng trở nên trầm trọng hơn. Các cảng ở Mỹ và châu Âu cũng bị tắc nghẽn, khiến tình hình càng căng thẳng.

Julie Gerdeman – CEO công ty phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics, cho hay: "Khi hoạt động sản xuất tiếp tục và một lượng lớn tàu di chuyển đến các cảng ở Bờ Tây nước Mỹ, thì chúng tôi dự đoán thời gian chờ đợi sẽ tăng lên đáng kể."

Trong ngắn hạn, tình trạng tắc nghẽn này sẽ gây ra "nỗi đau đầu" trị giá 22 nghìn tỷ USD cho hệ thống thương mại toàn cầu. Về lâu dài, sự hỗn loạn này đang định hình lại các hoạt động kinh tế toàn cầu gắn liền với nhau bằng thương mại xuyên biên giới. Còn với một số doanh nghiệp, việc quay cuồng vì hệ thống sản xuất ở xa không chỉ còn là những thông báo mà là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh nhiều bất ổn.

Những ngày kinh hoàng với chuỗi cung ứng toàn cầu tái diễn: Tắc nghẽn từ đường biển đến hàng không, các cảng lớn nhất thế giới quá tải - Ảnh 1.

Cảnh tắc nghẽn của xe tải trên tuyến đường vào Thượng Hải hôm 30/3.

Lorenzo Berho – CEO của Vesta, một nhà phát triển các tòa nhà công nghiệp và trung tâm phân phối ở Mexico, cho biết: "Những vấn đề hiện tại đang thúc đẩy nhu cầu với việc thay đổi chuỗi cung ứng. Việc chuyển hướng sang những cơ sở sản xuất gần Mexico hơn để giảm mức độ tiếp xúc với châu Á đang được thực hiện. Toàn cầu hóa mà chúng ta đã biết có thể sắp kết thúc."

Theo Brian Ehrig – chủ tịch hãng tư vấn Kearney, việc di chuyển chuỗi cung ứng có thể tốn kém hơn nhưng các doanh nghiệp có thể sản xuất số lượng ít hơn để bán với mức giá hợp lý hơn. Theo một báo cáo mà ông là đồng tác giả, 78% các CEO đang cân nhắc về việc di dời chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp đã vượt qua những khó khăn về nguồn cung trong năm qua một phần nhờ việc tăng giá sản phẩm và người tiêu dùng đã chấp nhận việc đó. Song, trong ngắn hạn, nguồn cung từ Trung Quốc trở thành "đám mây" đáng sợ hơn là nhu cầu của hộ gia đình.

Nhà máy của Tesla tại Thượng Hải đã phải ngừng hoạt động trong 1 tháng. Nhà bán lẻ Bed Bath & Beyond Inc. đầu tháng này cho biết lượng hàng tồn kho cao bất thường vẫn đang được vận chuyển, không có sẵn trong kho và chưa được thông quan. Alcoa – tập đoàn nhôm khổng lồ, tuần trước cho biết những gián đoạn trong quá trình vận chuyển đã khiến lượng hàng tồn kho cao hơn. Còn Continental – hãng sản xuất phụ tùng ô to lớn thứ 2 châu Âu, đã hạ dự báo tăng trưởng với mảng sản xuất xe du lịch, thương mại hạng nhẹ toàn cầu xuống 4-6% từ mức 6-9%.

Wang Xin – chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên biên giới Thâm Quyến đại diện cho khoảng 3.000 nhà xuất khẩu, cho biết dù trung tâm công nghệ Trung Quốc phong tỏa chỉ trong 1 tuần, nhưng nhiều người bán đang phải chịu cảnh giao hàng chậm mất 1 tháng.

Những ngày kinh hoàng với chuỗi cung ứng toàn cầu tái diễn: Tắc nghẽn từ đường biển đến hàng không, các cảng lớn nhất thế giới quá tải - Ảnh 2.

Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển của Trung Quốc.

Hoạt động vận chuyển lại chậm trễ 

Theo hãng vận chuyển Flexport, thời gian trung bình để vận chuyển hàng hóa từ nhà máy ở châu Á đến Mỹ là 111 ngày, gần mức cao kỷ lục 113 ngày hồi tháng 1 và cao gấp đôi so với năm 2019. Hành trình vận chuyển đến châu Âu thậm chí còn mất 118 ngày.

Hàng dài tàu container xếp hàng ở ngoài khơi Trung Quốc thậm chí còn làm mọi thứ tồi tệ hơn. Số lượng tàu vận chuyển chờ đợi đã tăng vọt sau khi Thượng Hải – nơi có cảng container lớn nhất thế giới, bắt đầu phong tỏa từ cuối tháng trước. Theo dữ liệu của Bloomberg, tổng số tàu đang cập cảng và ra khỏi khu neo đậu ở khu này cùng cảng Ninh Ba gần đó là 230, tăng 35% so với thời điểm này năm ngoái.

Theo project44, các container nhập khẩu đang phải chờ trung bình 12,1 ngày trước khi được chuyển đến xe tải và vận chuyển đến các điểm trong đất liền. Tình trạng thiếu hụt xe tải đã ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển nguồn cung đầu vào cho các nhà máy và hàng hóa như ô tô, đồ điện tử lên tàu.

Những ngày kinh hoàng với chuỗi cung ứng toàn cầu tái diễn: Tắc nghẽn từ đường biển đến hàng không, các cảng lớn nhất thế giới quá tải - Ảnh 3.

Thời gian di chuyển của các tàu container từ Trung Quốc đến châu Âu và từ Trung Quốc đến Mỹ.

Ngoài ra, hoạt động vận chuyển hàng không cũng bị ảnh hưởng, khi việc giao hàng đến Sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải đang bị chậm trễ, hãng vận chuyển đường hàng không và đường biển Dimerco Express cho biết. Tình trạng tắc nghẽn đã lan sang Thâm Quyến, khi thành phố này chứng kiến các chuyến hàng chuyển hướng từ Thượng Hải tăng lên.

Để giải quyết tình trạng tắc nghẽn quanh Thượng Hải, giám đốc bộ phận vận tải đường biển của Dimerco – Donny Yang, cho biết các chuyến đi đang được chuyển hướng đến Ninh Ba và Thái Thương. Ngoài ra, chính quyền trung ương cũng yêu cầu các tuyến đường cao tốc phải được thông thoáng và không có chướng ngại vật.

Các nhà sản xuất ô tô cho đến thiết bị điện tử ở trung tâm tài chính Trung Quốc đang dần nối lại hoạt động khi giới chức nước này khuyến khích công nhân ngủ nghỉ và làm việc ngay tại nhà máy.

Tuy nhiên, việc tăng năng suất trong khi vẫn phong tỏa không phải là một quá trình có hiệu quả ngay lập tức. Tesla đã khởi động lại các nhà máy ở Thượng Hải sau 3 tuần đóng cửa, dù không chắc có thể vận hành trong bao lâu khi thiếu linh kiện.

Những ngày kinh hoàng với chuỗi cung ứng toàn cầu tái diễn: Tắc nghẽn từ đường biển đến hàng không, các cảng lớn nhất thế giới quá tải - Ảnh 4.

Nhiều tàu container cũng phải xếp hàng chờ ngoài khơi cảng Los Angeles.

 Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết trong một ghi chú nghiên cứu vào tuần trước rằng chuỗi cung ứng bị gián đoạn "có phần tồi tệ hơn chúng tôi dự đoán và chúng tôi đã điều chỉnh một chút về dự báo tăng trưởng, lạm phát trong những tuần gần đây." Khi các "nút thắt cổ chai" ở châu Á được tháo gỡ, một lượng lớn các container chứa hàng nhập khẩu sẽ "ùn ùn" di chuyển vào các cảng.

Ở Mỹ, tổng số tàu container ở cảng Los Angeles và Long Beach là ít nhất 57 vào thứ Tư tuần trước, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2. Ngoài ra, các chỉ số theo dõi thời gian lưu lại của tàu container cũng đang tăng trở lại. Một số tàu mắc kẹt ở California buộc phải di chuyển về phía đông để tìm các tuyến đường nhanh hơn.

Trong khi đó, tình trạng tàu container xếp hàng chờ đợi ở châu Âu cũng nghiêm trọng không kém, một phần do ảnh hưởng của mâu thuẫn Nga – Ukraine. Các cảng chính như Rotterdam, Hamburg, Antwerp và 3 cảng của Anh đã hoạt động hết công suất và chật vật để đón các tàu containter vì không đủ không gian để tiếp nhận.

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/nhung-ngay-kinh-hoang-voi-chuoi-cung-ung-toan-cau-tai-dien-tac-nghen-tu-duong-bien-den-hang-khong-cac-cang-lon-nhat-the-gioi-qua-tai-20220426164026961.chn

Chi Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên