MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những nghị định mới có hiệu lực từ tháng 3/2021

28-02-2021 - 10:30 AM | Xã hội

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cho người khác "mượn" văn bằng, chứng chỉ có thể bị phạt tới 10 triệu đồng, kéo dài thời hạn bảo hiểm xe máy bắt buộc tối đa 3 năm, thu nhập 2 triệu đồng/tháng là nghèo đa chiều... là những nghị định mới có hiệu lực từ đầu tháng 3/2021

Kéo dài thời hạn bảo hiểm xe máy bắt buộc tối đa 3 năm

Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/3. Theo khoản 1 điều 9 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm như sau:

Thời hạn bảo hiểm tối thiểu 1 năm, tối đa 3 năm: Xe môtô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự.

Với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm, thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.

Bên cạnh đó, bổ sung 1 trường hợp thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm là xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ Công an. Với 2 trường hợp còn lại vẫn giữ theo khoản 1 điều 10 Nghị định103/2008/NĐ-CP.

Cho người khác "mượn" văn bằng, chứng chỉ có thể bị phạt tới 10 triệu đồng

Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, kể từ ngày 10-3-2021, mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng được áp dụng với một trong các hành vi: sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Nội dung này mới được bổ sung so với quy định cũ; đồng thời mức phạt tối đa với tất cả các loại hành vi được tăng thêm 2 triệu đồng (trước là 8 triệu đồng).

Thu nhập 2 triệu đồng/tháng là nghèo đa chiều

Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực từ 15/3/2021.

Tại Nghị định 07/2021, ngoài tiêu chí về thu nhập, Chính phủ quy định thêm tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để xác định nghèo đa chiều. Số này bao gồm các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ) là việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số) sẽ gồm việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Chuẩn hộ nghèo tại nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hồng Vân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên