MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người nào chưa nên tiêm vaccine Covid-19?

19-05-2021 - 14:53 PM | Sống

Những người nào chưa nên tiêm vaccine Covid-19?

Đến nay Việt Nam đã tiêm được khoảng 1 triệu liều vaccine Covid-19 và thời gian tới tiếp tục mở rộng tiêm vaccine trên nhiều đối tượng hơn. Tuy nhiên, vaccine cũng chống chỉ định với nhiều người.

Ngày 18/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1624/QĐ-BYT, trong hướng dẫn này quy định các đối tượng đủ điều kiện tiêm và không nên tiêm.

Theo đó, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine.

Ngoài ra, có 9 đối tượng trì hoãn tiêm chủng, gồm:

1. Người đang mắc bệnh cấp tính

2. Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ

3. Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù

4. Người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị

5. Người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19

6. Tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước

7. Người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng

8. Người trên 65 tuổi

9. Người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.

Những người nào chưa nên tiêm vaccine Covid-19? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Theo TS.BS.Nguyễn Hữu Trường - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Khi tiêm phòng bất kỳ loại vaccine nào, hai vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu là hiệu quả bảo vệ và tính an toàn của vaccine.

Vì sự an toàn cho người tiêm vaccine mà Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Khi sàng lọc, nhân viên y tế cần hỏi về tiền sử của người bệnh: Về bệnh tật và quá trình dùng thuốc. Từ tiền sử tiêm vaccine khác trong 14 ngày qua; tiền sử bệnh nền; có đang dùng các thuốc corticoid hoặc bất kể thuốc nào khác không; tiền sử rối loạn đông máu, cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông hoặc người đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ…

Đối với việc sử dụng các thuốc corticoid, bác sĩ Trường cho biết người dùng corticoid liều cao, kéo dài hoặc dùng các thuốc ức chế miễn dịch đều là các phương pháp điều trị có tác dụng gây ức chế hoạt động của các tế bào miễn dịch và làm suy giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân từ bên ngoài.

Điều này sẽ tác động vào chính cơ chế tác dụng của vaccine, làm vaccine bị giảm khả năng kích thích hệ miễn dịch sinh kháng thể bảo vệ cơ thể. Những người tiêm corticoid liều cao trị xương khớp có thể tiêm lại sau 14 ngày, người sử dụng corticoid toàn thân kéo dài thì không được khuyến cáo ngừng thuốc để tiêm vaccine.

TS Trường cho biết với những người chưa đủ điều kiện hoặc đang cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19, để phòng tránh nhiễm bệnh, cần tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh 5K (Khẩu trang - Khử Khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết.

Theo Ng.Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên