Những nhận định bất ngờ về xu hướng mới của thị trường BĐS những tháng cuối năm
Xu hướng phát triển dịch chuyển ra ngoài trung tâm các đô thị lớn ngày càng rõ nét; Mặc dù dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp những BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn...
Thị trường bất động sản Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển đa dạng và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với trước đây. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguồn cung BĐS mới hạn chế do việc giãn cách cũng như rà soát pháp lý dự án khiến nhiều nơi tăng giá cục bộ, tuy nhiên, về trung và dài hạn BĐS Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển, là kênh đầu tư hấp dẫn.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, hiện nay BĐS Việt Nam đang diễn ra những xu hướng mới khá rõ nét. Nếu như trước đây việc phát triển đô thị vệ tinh chỉ là nằm trên giấy, người dân còn lo ngại đến những vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực vệ tinh không đáp ứng được nhu cầu sinh sống thì nay câu chuyện này dường như lại đang dần thay đổi tư duy của người dân khu vực đô thị lớn. Một làn sóng rời những khu trung tâm chật trội, bí bức để tìm đến những khu vực đô thị vệ tinh với hạ tầng hoàn thiện lại đang diễn ra mạnh mẽ khi xuất hiện các dự án đại đô thị, nhất là ở vùng vệ tinh Tp.HCM và Hà Nội. Những đại dự án này sau khi hoàn thành đã đem lại một cuộc sống chất lượng khiến nhiều người tìm đến.
Tại một diễn đàn gần đây về chủ đề "Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường", nhiều chuyên gia đã nhận định về tương lai về 2 khu vực được cho là có thị trường BĐS phát triển nhất hiện nay là Hà Nội và Tp.HCM.
Xu hướng mới tại Hà Nội
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho biết, tại thị trường Hà Nội, nhận ra rằng xu hướng phát triển nhà cao tầng đang dịch chuyên ra ngoài trung tâm ngày càng rõ nét. Trước đây khi dịch chuyển ra ngoài trung tâm nhiều người còn lo ngại về điều kiện sống nhưng sự hình thành của các đại đô thị lớn ở vùng ven với sự tích hợp đầy đủ các tiện ích, dịch vụ đã "giải tỏa" sự lo lắng này.
Cùng với xu hướng ra ngoài trung tâm đã rõ, sắp tới thị trường Hà Nội sẽ có thêm dòng sản phẩm nhà ở thương hiệu. Theo bà Hằng, phát triển nhà ở thương hiệu cũng sẽ là một lối đi mới tất yếu khi quỹ đất trung tâm eo hẹp, chất lượng nhà ở nội đô xuống cấp thì nhà ở thương hiệu sẽ không chỉ đáp ứng về mặt chất lượng mà còn là cách để nhiều chủ đầu tư tối đa hóa lợi nhuận cho sản phẩm mình phát triển. Việc Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ là động thái tích cực cho sự hình thành các dòng sản phẩm nhà ở mới cho Hà Nội.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội.
Nói về giá căn hộ tại các dự án mới không ngừng tăng, bà Hằng lý giải do chất lượng dự án tốt hơn, đồng thời còn là sự phát triển của hạ tầng xung quanh dự án. Cũng theo bà Hằng thì hiện nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tuy nhiên BĐS vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn, giá sẽ tiếp tục ổn định. Trên thực tế, không phải tất cả dự án đều tăng giá, những dự án ra hàng có chất lượng tốt hơn sẽ tạo ra giá cao hơn thị tường, thiết lập mặt bằng giá mới.
Kịch bản nào cho thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh 6 tháng cuối năm
Còn tại Tp.HCM, nhiều chuyên gia nhận định thị trường có thể diễn ra theo 2 kịch bản.
Thứ nhất, nếu tích cực thị trường có thể khởi động trở lại giữa quý 3. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, TGĐ Đại Phúc Land cho rằng, thị trường có thể khởi sắc trở lại trong quý 4 với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai chích vaccine và các công ty 100% tiêm vaccine được cho nhân viên. Nếu như kịch bản này diễn ra, trong 6 tháng cuối năm, thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng ít nhất 25-30% so với 6 tháng đầu năm.
Thứ hai, nếu kịch bản xấu khi dịch vẫn diễn biến phức tạp trong quý 3 do vaccine không đủ để triển khai cho dân và chỉ đạt mức dưới 30%, các công ty vì vậy có thể chưa đến 50% số lượng nhân viên được tiêm phòng dịch. Nếu kịch bản này diễn ra thì thị trường 6 tháng cuối năm sẽ chứng kiến sự đuối sức của doanh nghiệp, kịch bản tăng trưởng sẽ không cao. Doanh nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn: các kế hoạch sản xuất kinh doanh bị phá vỡ, gánh nặng từ việc duy trì bộ máy hoạt động, doanh thu doanh nghiệp sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Bà Hương cho rằng, dù kịch bản thị trường diễn ra theo hướng nào thì vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của nhà nước, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, các gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý... Những yếu tố ngoại lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và tâm lý thị trường chung theo chiều hướng lạc quan hay thận trọng.
Tổng giám đốc Đại Phúc Land nhấn mạnh để việc phục hồi diễn ra nhanh và mạnh hơn thì doanh nghiệp cần những rào cản cần được giải quyết rốt ráo nhất. Chính phủ cần đề cao tính thực thi của các chính sách cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, để tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.