Những nhóm ngành kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công
Với sự quyết tâm của Chính phủ cũng như những cải cách về mặt hành chính trong suốt những năm vừa qua, có thể kỳ vọng giải ngân đầu tư công năm nay sẽ tăng trưởng ở mức từ 25% đến 30% do kế hoạch năm nay cao hơn, kể cả tỷ lệ hoàn thành so với kế hoạch nó cũng sẽ cao hơn năm ngoái.
Năm 2023 được dự báo sẽ xuất hiện nhiều thách thức với kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ mang đến cú hích tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây.
Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc nghiên cứu, Công ty QLQ Vietcombank (VCBF) đã chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của đầu tư công tới thị trường chứng khoán trong năm 2023.
BTV Mùi Khánh Ly: N ền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tích cực hơn 8%, tạo tiền đề tốt cho năm 2023. Theo ông , nền kinh tế sẽ vẫn còn phải đối mặt với những vấn đề chính nào trong năm nay?
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc nghiên cứu, Công ty QLQ Vietcombank (VCBF)
Theo tôi, nền kinh tế trong nước năm 2023 sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn. Thứ nhất là xuất khẩu đang suy yếu rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu của nước ta đã sụt giảm liên tiếp trong ba tháng gần đây. Do xuất khẩu là nguồn cung ngoại tệ rất quan trọng của nước ta nên xuất khẩu suy yếu sẽ làm tăng rủi ro về tỷ giá. Thách thức thứ hai là mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức rất cao và các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn về chi phí vốn cũng như rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Và nếu như lãi suất không giảm và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp không được cải thiện trong thời gian tới, có thể rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản và xây dựng. Hai thách thức mà tôi vừa nêu ở trên thì nó sẽ dẫn đến việc thu hẹp hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng và từ đó đặt ra thách thức thứ ba là sự suy yếu của thị trường lao động. Như chúng ta cũng biết, trong quý IV vừa rồi có hơn 400.000 công nhân đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu cũng như thị trường bất động sản đóng băng.
Nhiều thành viên trên thị trường kỳ vọng việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tại sao
Tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ thông qua việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Do rủi ro lạm phát và tỷ giá, mặc dù cũng đã giảm nhưng mà vẫn còn khá là cao. Điều này dẫn đến sự hạn chế của chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy kinh tế do Ngân hàng Nhà nước vẫn tập trung trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Vì thế, Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa để kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm nay và đầu tư công là công cụ tài khóa rất quan trọng. Đặc biệt là đầu tư công sẽ rất hữu hiệu trong bối cảnh mà đầu tư khu vực tư nhân đang suy yếu do mặt bằng lãi suất hiện nay đang rất là cao.
Theo tôi, trong năm nay, với sự quyết tâm của Chính phủ cũng như những cải cách về mặt hành chính trong suốt những năm vừa qua, có thể kỳ vọng giải ngân đầu tư công năm nay sẽ tăng trưởng ở mức từ 25% đến 30% do kế hoạch năm nay cao hơn, kể cả tỷ lệ hoàn thành so với kế hoạch nó cũng sẽ cao hơn năm ngoái.
Trong dữ liệu lịch sử, việc giải ngân vốn đầu tư công đã có vai trò ra sao trong các lần cần thúc đẩy kinh tế?
Nhìn lại số liệu của quá khứ thì trước dịch Covid, hệ số ICOR của Việt Nam là khoảng 6 lần. Điều này có nghĩa cứ 6 đồng vốn đầu tư thì giúp GDP tăng thêm 1 đồng. Và trong giai đoạn 2016 đến 2020, hoạt động đầu tư của toàn xã hội đã đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy vốn đầu tư công chỉ chiếm 15 đến 16% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Ước tính, cứ mỗi đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ kéo theo là 1 đồng rưỡi vốn đầu tư của khu vực tư nhân. Và bên cạnh vai trò dẫn dắt thì đầu tư công cũng đóng góp trực tiếp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, giúp tạo thêm công ăn việc làm và tăng nhu cầu tiêu thụ của một số loại hàng hóa công nghiệp. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu như giải ngân đầu tư công tăng thêm 10% thì sẽ làm cho GDP tăng thêm khoảng cỡ 0,6%.
Còn ở nước ngoài, ví dụ điển hình nhất là Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc đã sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế trong rất nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân đang bị ảnh hưởng rất nặng bởi dịch covid. Bên cạnh đấy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng giúp cho Trung Quốc giảm chi phí logistics và từ đó làm cho hiệu suất của nền kinh tế cao hơn rất nhiều. Như Việt Nam hiện nay, chi phí logistics vẫn chiếm 25% trên GDP và nếu so sánh với các quốc gia đang phát triển thì mức này vẫn đang rất cao. Do đó, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì rõ ràng việc đầu tư cơ sở hạ tầng chắc chắn vẫn là mối ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để tạo động lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
N ếu giải ngân đầu tư công năm nay được thúc đẩy, theo ông bà, việc giải ngân nên được thực hiện như thế nào để việc thúc đẩy nền kinh tế đạt được hiệu quả cao?
Theo tôi để nâng cao hiệu quả đầu tư công cần phải cải thiện cả về lượng và chất. Cải thiện về lượng, có nghĩa là cần phải tăng một tỷ lệ vốn giải ngân so với kế hoạch. Để làm được điều này thì bên cạnh việc tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính theo hướng là tinh gọn hơn, thì ngay từ đầu, công tác lập kế hoạch phải sát thực tế, tránh việc phân bổ vốn xuống địa phương lại không thể triển khai được ngay vì một vài lý do nào đấy mà điển hình nhất là vướng ở khu giải phóng mặt bằng.
Còn về mặt chất lượng thì đầu tư công rõ ràng cần phải tập trung vào các dự án mang tầm chiến lược, giúp xây dựng hệ thống hạ tầng vững chắc và đồng bộ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Trong dài hạn, cần tránh việc đầu tư dàn trải và thiếu tính kết nối. Bên cạnh đấy, một điểm quan trọng là phải tăng cường công tác thẩm định và giám sát, làm sao để cho các thành phần kinh tế tham gia vào dự án đầu tư công phải đáp ứng được đủ năng lực cả về chuyên môn, tài chính và từ đó đảm bảo yêu cầu về tiến độ xây dựng cũng như là chất lượng công trình.
Nếu việc thúc đẩy đầu tư công giúp nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng tốt trong năm nay thì thị trường chứng khoán sẽ ra sao?
Thị trường chứng khoán đã phục hồi khá trong hai tháng trở lại đây với kỳ vọng đầu tư công được thực hiện một cách hiệu quả sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn và từ đó giúp tạo nên một nền tảng phát triển vững chắc cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, đó là tầm nhìn về trung và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, cụ thể là năm nay, thị trường chứng khoán vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn ở trong trạng thái thắt chặt và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết thì vẫn có khả năng tiếp tục sụt giảm trong ít nhất nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt tích cực thì các ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay và có thể sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong cuối năm, đặc biệt là FED. Điều này sẽ tạo nên tâm lý tích cực và giúp cho Ngân hàng Nhà nước linh động hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế, cộng với việc là nếu như thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được giải quyết một cách ổn thỏa, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền thị trường chứng khoán, đặc biệt là từ các nhà đầu tư cá nhân.
Vậy cụ thể nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi khi đầu tư công được thúc đẩy?
Trong ngắn hạn, nhóm hưởng lợi trực tiếp sẽ bao gồm các công ty tư vấn xây dựng, các nhà thầu xây dựng và các công ty cung cấp vật liệu xây dựng để phục vụ cho các công trình hạ tầng giao thông và kể cả những công trình về điện, nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đi theo xu hướng của thế giới là thực hiện việc chuyển đổi số. Đấy cũng là một phần trong đầu tư công. Điều đó sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành về công nghệ thông tin. Và rõ ràng nếu như là các công trình về hạ tầng dần đưa vào sử dụng trong thực tế thì nó sẽ tạo một cú hích lớn cho nền kinh tế. Trước mắt là khiến cho việc lưu thông hàng hóa trở nên thuận tiện và thông suốt hơn, góp phần làm giảm chi phí logistics. Như vậy, nhóm ngành được hưởng lợi chắc chắn là những công ty về logistics. Bên cạnh đấy là những công ty về bán lẻ và dịch vụ cũng sẽ được hưởng lợi, do chi phí logictics hiện nay cũng chiếm một tỷ trọng tương đối trong cơ cấu chi phí của họ. Còn trong dài hạn, đầu tư công nếu được thực hiện một cách hiệu quả sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa rất tích cực và sâu rộng đến nền kinh tế, từ đó mọi ngành nghề đều được hưởng lợi.
Nhịp Sống Thị Trường