MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những “ông hoàng” tiền điện tử - “con cưng” mới của ngành bất động sản

02-02-2022 - 08:06 AM | Tài chính quốc tế

Những “ông hoàng” tiền điện tử - “con cưng” mới của ngành bất động sản

Những người thành công khi đầu tư vào tiền điện tử hoặc trợ giúp ngành này phát triển đang trở thành những đứa “con cưng” mới của thị trường bất động sản nhà ở cao cấp.

Vào mùa thu năm ngoái, khi nhà môi giới bất động sản Ryan Serhant nhận được lời đề nghị mua một căn hộ trị giá 25 triệu USD của ông ở Downtown Manhattan, ông đã rất vui nhưng cũng cảm thấy băn khoăn về chuyện này.

Vị khách hàng muốn mua nhà đã tham quan ngôi nhà và có vẻ là người dễ chịu. Thế nhưng, anh không giống như những vị khách "sộp" của ông Serhant, thường là những người đến từ Phố Wall hoặc các gia đình nổi tiếng. Người mua nhà này cho biết anh làm nghề tự do, nhưng khi Serhant tìm kiếm trên Google thì không tìm thấy điều gì có thể giải thích được cho sự giàu có của anh ấy.

Lo lắng đây là một trò lừa bịp, Serhant đã đề nghị được xem chứng minh tài chính của khách hàng và bị choáng váng bởi những gì ông nhận được: Một bản kê về việc nắm giữ tiền điện tử của người mua trị giá khoảng 600 triệu USD. "Thật là điên rồ," ông nói.

Những "chú cá voi" mới trong ngành bất động sản

Đó là một kịch bản đang diễn ra trong giới bất động sản khi mà các triệu phú và tỷ phú mới giàu lên nhờ đào được tiền điện tử đang tràn vào thị trường bất động sản cao cấp. Họ là những người đầu tư hoặc xây dựng nền tảng hỗ trợ thanh toán tiền điện tử.

Điều đó đã dẫn đến một chuỗi các giao dịch đắt đỏ trong năm qua. Bao gồm việc Brian Armstrong, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất có trụ sở tại Hoa Kỳ, Coinbase mua 133 triệu USD bất động sản Bel-Air. Các giao dịch lớn khác bao gồm một bất động sản ven biển ở Miami trước đây thuộc sở hữu của cầu thủ đã nghỉ hưu của Miami Heat, Chris Bosh, được bán với giá khoảng 38 triệu USD cho Ivan Soto-Wright, người đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của nhà cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc thanh toán tiền điện tử MoonPay.

Người đồng sáng lập Coinbase, Brian Armstrong, đã mua một trong những ngôi nhà đắt nhất trong lịch sử L.A. vào năm ngoái, trả 133 triệu USD cho một ngôi nhà thuộc sở hữu của doanh nhân Nhật Bản Hideki Tomita.

Những “ông hoàng” tiền điện tử - “con cưng” mới của ngành bất động sản  - Ảnh 1.

Một trong những ngôi nhà đắt nhất trong lịch sử L.A

Những nhà giàu tiền điện tử là những "chú cá voi" mới (những cá nhân sẵn sàng chi rất nhiều tiền) trong thị trường nhà ở sang trọng đang ngày càng được chú ý. Các nhà phát triển bất động sản chấp nhận tiền điện tử. 

Các đại lý đang cố gắng thu hút những người đam mê tiền điện tử đến với danh mục cao cấp của họ bằng các mánh lới quảng cáo như tiệc nghệ thuật NFT. Các công ty môi giới tổ chức các cuộc hội thảo về tiền điện tử cho các đại lý của họ. Càng ngày người bán nhà càng công khai quảng cáo rằng họ sẵn sàng chấp nhận việc thanh toán bằng tiền điện tử.

Nhìn vào thị trường bất động sản, người ta có thể nghĩ rằng tiền điện tử đã trở thành xu hướng chủ đạo. Mặc dù những người giàu lên nhờ tiền điện tử đang tràn ngập thị trường, chỉ có một số lượng nhỏ các giao dịch được thực hiện hoàn toàn bằng tiền điện tử. Giá trị tiền điện tử nổi tiếng là biến động, vì vậy, dẫu người bán quảng cáo rằng họ sẵn sàng chấp nhận tiền điện tử, nhưng hầu hết họ đều thực hiện các bước quan trọng để giảm thiểu rủi ro biến động giá. Họ sử dụng các nền tảng của bên thứ ba để chuyển tiền điện tử sang đô la Mỹ ngay sau khi phiên giao dịch đóng cửa.

Tích trữ tiền điện tử

Một số chủ sở hữu tiền điện tử đang bắt đầu tìm cách đa dạng hóa sang các tài sản khác trong khi có những người chỉ muốn tích trữ tiền điện tử. Bill Barhydt là người sáng lập Abra, công ty quản lý hơn 1 tỷ đô la tiền điện tử và cung cấp các khoản vay để giảm các khoản thanh toán được hỗ trợ bởi tiền điện tử của người vay. "Những người vay dựa trên tiền điện tử không muốn bán nó; họ rất có niềm tin vào tiền điện tử" ông nói.

Lane Rettig, một nhà phát triển cho Ethereum và Spacemesh, một nền tảng blockchain, cho biết anh và vợ mình, Lily Rettig, đã mua một căn hộ rộng 140m2 ở Central Park North với giá 3,5 triệu USD vào năm ngoái. Họ coi đây như một cách để đa dạng hóa tài sản của hai vợ chồng. Họ đã thanh toán trả trước cho căn hộ 3 phòng ngủ bằng tiền mặt. Lý do một phần là vì anh rất thích tiền điện tử và không muốn bán bitcoin của mình. Anh cho biết, khoản thế chấp không tính đến khoản nắm giữ tiền điện tử của Rettig vì anh quản lý tài sản trong ví tự lưu ký.

Jonathan Yantis, một nhà khai thác bitcoin ban đầu và là nhà đầu tư Blockchain, cho biết ông cũng không muốn bán bitcoin của mình khi mua và bán một số căn hộ cao cấp trong hai năm qua.

Yantis cho biết ông đã mua bằng đô la Mỹ, mà các nhà đầu tư tiền điện tử gọi là tiền pháp định, hay còn được gọi là tiền do chính phủ phát hành. Đầu tiên, ông bán tiền điện tử, không phải bitcoin mà là tether, một loại tiền điện tử khác được gắn với đồng đô la Mỹ. Sau đó, ông chuyển đổi tether sang đô la Mỹ.

Mặc dù đã mua bất động sản, ông vẫn sẽ chọn đầu tư vào tiền điện tử thay vì một tài sản truyền thống. "Bất động sản không mang lại lợi nhuận gì so với tiền điện tử, nơi bạn có thể nhân gấp 100 lần khoản đầu tư của mình. Ít hơn 1% giá trị ròng của tôi là bất động sản. Điều đó nói lên rằng tôi lạc quan như thế nào về thị trường tiền điện tử", ông nói.

Một số người mua và người bán sử dụng BitPay để tạo điều kiện cho các giao dịch tiền điện tử. Thông qua BitPay, người bán có thể tạo hóa đơn qua email mà người mua có thể thanh toán từ ví tiền điện tử ưa thích của họ, theo cách thủ công hoặc bằng cách quét mã QR. Sau đó, BitPay chuyển tiền cho người bán bằng đô la Mỹ thông qua hình thức gửi tiền trực tiếp vào ngày làm việc tiếp theo. Giá được đặt trong 15 phút để tránh biến động mạnh về giá trị của tiền điện tử. Mã QR sẽ hết hạn sau 15 phút và bạn cần phải tạo hóa đơn mới. Điều này sẽ chốt giá cho người mua.

Nhà phát triển PMG gần đây đã trở thành nhà phát triển bất động sản đầu tiên chấp nhận tiền đặt cọc trước khi xây dựng căn hộ cao cấp bằng tiền điện tử, thành viên hợp danh Ryan Shear cho biết. Năm ngoái, công ty đã hợp tác với FTX US, một sàn giao dịch tiền điện tử lớn, để chấp nhận tiền điện tử như một khoản thanh toán trước cho các căn hộ tại hai tòa nhà của mình, E11EVEN Hotel & Residences và Waldorf Astoria Residences ở Miami, ông Shear cho biết.

Cho đến nay, PMG đã chấp nhận tiền điện tử cho một số giao dịch mua bán bất động sản, ông Shear cho biết. Ông cũng nói rằng việc này dễ thực hiện hơn vì PMG sở hữu mảnh đất không bị nợ ngân hàng. Để chấp nhận tiền điện tử, PMG phải hợp tác với một sàn giao dịch được quy định có thể nhanh chóng chuyển đổi tiền điện tử sang đô la Mỹ, sau đó thuyết phục một đại lý ký quỹ chấp nhận các khoản thanh toán từ sàn giao dịch thay vì trực tiếp từ nhà phát triển. Ông Shear nói rằng hầu hết các nhân viên ký quỹ nhìn ông như thể ông bị điên.

Nỗi lo của người bán nhà

Đối với những người bán nhà thông thường, khả năng họ chấp nhận tiền điện tử sẽ rất thấp.

Tại Miami, đại lý bất động sản Keith Marks của Brown Harris Stevens Miami và đối tác của anh là Sonia Toth, cho biết gần đây họ đã bán một căn hộ chung cư với giá 7,2 triệu đô la ether tiền điện tử sau khi người mua đồng ý trả trước bằng đô la Mỹ. Các đại lý từ chối bình luận về danh tính của người mua hoặc người bán, nhưng hồ sơ cho thấy người bán là một công ty gắn liền với doanh nhân Brazil Roberto Justus, được biết đến với vai chính trong "Người tập sự" phiên bản Brazil. Người mua được liệt kê trong hồ sơ là Federico Gutierrez Castro.

Ông Marks cho biết người bán căn hộ 4 phòng ngủ tại Bảo tàng One Thousand, một tòa nhà sang trọng do kiến ​​trúc sư Zaha Hadid thiết kế, ban đầu chùn bước trước lời đề nghị mua bán nhà bằng đồng ether, băn khoăn liệu đó có phải là một mánh lới quảng cáo hay lừa đảo hay không. "Bạn biết đấy, tôi rất lo sợ, nếu đây là một vụ chuyển tiền ma túy thì sao?" ông nói. "Hoặc khi tôi bán căn hộ và đột nhiên ... tiền bị giữ lại?"

Sau khi tham khảo ý kiến ​​của luật sư, người bán đã chấp nhận đề nghị và thương vụ diễn ra suôn sẻ, với một khoản thanh toán bằng tiền mặt để tránh rủi ro biến động tiền tệ. Người mua thanh toán số dư bằng ether, nhưng người bán đã đổi ngay sang đô la Mỹ khi phiên đóng cửa.

Theo chuyên gia thuế Alan Fyne của Dinnall Fyne & Company, người đã làm việc cho người bán trong giao dịch tiền điện tử tại One Thousand Museum, nói rằng tiền điện tử được coi là tài sản. Ai đó mua bitcoin ở mức 1 USD và bán ở mức 10.000 USD phải báo cáo lợi nhuận là 9.999 USD, cho dù đó là lãi vốn ngắn hạn hay dài hạn.

Ông Fyne cho biết ông thấy có khả năng bị lạm dụng. Ông nói, quá trình này có thể bị lợi dụng bởi những kẻ "rửa tiền cho những kẻ xấu" cũng như những kẻ cố gắng tránh thuế đối với việc bán tiền điện tử của họ nếu nó tăng giá theo thời gian. 

Ông Fyne nói, nguy hiểm còn nằm ở chỗ, trong một số trường hợp, có thể khó truy ra nguồn gốc của các quỹ tiền điện tử. Trong khi các sàn giao dịch tiền điện tử thường yêu cầu một số kiến ​​thức nền từ những người tham gia trên nền tảng, ví dụ: quy trình này không quá khắt khe như sự giám sát chặt chẽ của các ngân hàng đối với những người đăng ký thế chấp.

Tham khảo WSJ

https://cafef.vn/nhung-ong-hoang-tien-dien-tu-con-cung-moi-cua-nganh-bat-dong-san-20220129153030628.chn

Minh Phương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên