MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những phận người phiêu bạt sau đám cháy nhà trọ viện Nhi

16-10-2018 - 10:28 AM | Xã hội

Gần 1 tháng trôi qua kể từ khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng ở xóm trọ Viện Nhi T.Ư, nhưng có những gia đình bệnh nhi vẫn vật lộn nhọc nhằn vì không thể kiếm được một chỗ ở thay thế...

Ông trời không thương người nghèo

Chị Phan Thị Huệ vừa sinh con được 3 tháng, đi từ Thanh Chương (Nghệ An) ra Viện Nhi T.Ư để điều trị cho 2 con sinh đôi thiếu tháng. Chồng chị làm nghề tự do ở quê, mới đi xuất khẩu lao động Đài Loan từ sau Tết, không kịp về chăm vợ đẻ.

Vì gia đình neo người chẳng còn ai, nên anh trai chồng là anh Trần Đức Kiên phải theo em dâu về Hà Nội lo chăm sóc, điều trị cho 2 cháu.

Vừa mới thuê nhà trọ được 1 tuần thì đám cháy xảy ra. Chị Huệ còn không nắm được khu vực xung quanh nhà trọ đường sá ra sao nên vô cùng hoảng hốt.

Căn phòng trọ chị đang ở nằm trên tầng 2, cầu thang trổ phía trước, khói đã lan mù mịt lên tận đầu cầu thang.

Chị cuống cuồng vơ được cái túi có ít giấy tờ và điện thoại rồi liều mình chạy xuống cầu thang, theo những người cùng dãy trọ. Trong khi đó, anh Kiên chạy vào phía trong xem còn phụ nữ, trẻ em nào cần hỗ trợ.

Anh Kiên nhớ lại: “Lúc xảy ra cháy, mọi người đều hò hét, gọi nhau chạy xuống cầu thang hết. Những người sợ không dám chạy xuống cầu thang thì chạy ra lối đằng sau...

Tôi chứng kiến có bà bầu bụng đã to lùm lùm định nhảy từ bờ tường cao gần 3m xuống. May là mấy anh thanh niên mượn được cái thang để đỡ xuống”.

Anh Kiên cho hay, sau vụ cháy, anh thuê một phòng trọ khác cũng ở khu dốc Viện Nhi T.Ư, nhưng giá lên đến 140 nghìn đồng/ngày (gấp đôi so với giá thuê phòng trọ cũ).

Tính sơ sơ 1 tháng sẽ mất hơn 4 triệu đồng, nên anh Kiên cùng em dâu quyết định không thuê trọ đâu nữa, vào ở trong… hành lang bệnh viện.

Ban ngày, chị Huệ và anh Kiên chia nhau chăm 2 bé sinh đôi Trần Huy Hoàng và Trần Huy Khang. Chiều đến, những người hàng xóm cũ ở xóm trọ thương tình, cho họ nhờ chỗ tắm rửa, vệ sinh.

Đến đêm, chị Huệ và anh Kiên nằm vạ vật hành lang bệnh viện, chờ đến giờ chăm bệnh ngày hôm sau…

Chị Huệ được Phòng Công tác xã hội bệnh viện phát phiếu ăn miễn phí nhưng anh Kiên không được.

Từ ngày nhà trọ bị cháy, bệnh tình của bé Khang trở nặng hơn, hầu như đêm nào mẹ và bác cũng phải thức trắng.

Tương lai đầy lo lắng

Chị Huệ mắt đỏ mọng kể lại hành trình sinh nở đầy khó khăn của mình. Hai bé con chị chào đời khi mới 7 tháng, bé lớn được 1,6kg, bé em 1,5kg. Sau khi chào đời, 2 bé được chăm sóc đặc biệt do có vấn đề về hô hấp, khi bệnh đỡ, các bác sĩ cho bé về nhà.

Ở nhà được 10 ngày, 2 con chị Huệ lại phải vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị chứng viêm phổi. Điều trị 1 tháng ròng rã không khỏi, bác sĩ cho chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư từ đầu tháng 9.

Từ đó đến nay, tình trạng bé Huy Hoàng đã dần dần cải thiện. Ban đầu, bé phải thở máy cả ngày lẫn đêm, truyền dinh dưỡng để duy trì sự sống. Nhưng bây giờ bé đã cai thở máy, tập mút sữa bình… Chị Huệ cho biết, con có thể bú được 20 - 30ml sữa công thức mỗi ngày.

Khoảng 18h ngày 17/9, tại khu vực sau số nhà 889 đường Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) đã xảy ra cháy, sau đó lan sang 8 nhà liền kề mặt đường Đê La Thành (từ số nhà 891 đến 907 và khu vực dốc Bệnh viện Nhi T.Ư).Trong chưa đầy 2 giờ đồng hồ, vụ cháy đã thiêu rụi 19 căn nhà, ảnh hưởng đến 31 hộ dân và 99 nhân khẩu.

Đa số những người thuê trọ bị ảnh hưởng bởi vụ cháy đã chuyển sang chỗ trọ mới, một số trường hợp do con cháu đã hết thời gian điều trị, được xuất viện nên cũng rời xóm trọ về địa phương. Trường hợp bệnh nặng, phải điều trị lâu dài nhưng không có điều kiện thuê chỗ trọ như gia đình chị Huệ không nhiều.

Mừng bao nhiêu khi thấy bé Huy Hoàng khỏe dần thì với bé Huy Khang, cả gia đình ngày càng lo lắng, xót xa. Các bác sĩ cho biết, bệnh tình bé đang chuyển biến tiêu cực.

Bác sĩ Đặng Ánh Dương, Trưởng khoa Hồi sức ngoại cho biết: “Bé Huy Khang bị bệnh phổi mãn tính, cùng với đó do nhiễm trùng bệnh viện nên cháu lại mắc thêm chứng viêm ruột hoại tử. Hai tuần trước chúng tôi đã phẫu thuật ruột, làm hậu môn nhân tạo. Tuy nhiên, tiên lượng không tốt, bụng cháu vẫn chướng, không ăn được, phổi vẫn viêm, khả năng cai được máy thở cho cháu là rất khó khăn”.

Về chi phí điều trị cho 2 cháu nhỏ, phần lớn đã được cơ quan bảo hiểm chi trả. Ngoài phần bảo hiểm chi trả, gia đình cũng phải chi phí thêm khoảng 30 triệu đồng.

Sau khi xảy ra vụ cháy ở xóm trọ, Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã hỗ trợ bé Huy Khang 10 triệu đồng tiền viện phí.

Anh Kiên cho biết: “Em trai tôi mới đi xuất khẩu lao động, gia đình tốn rất nhiều tiền để cho chú ấy đi nên quyết định giấu tình trạng của 2 cháu, không cho chú ấy biết. Nhưng không hiểu sao chú ấy cũng biết nên đã phá hợp đồng, bỏ về.

Tạm thời em tôi mới ra Hà Nội thăm vợ con, rồi lại về Nghệ An để đi làm phụ hồ, kiếm tiền gửi ra chữa bệnh cho 2 con”.

Mỗi ngày trôi qua, chị Huệ vừa mong được đón con trai lớn xuất viện, xen lẫn đó là sự lo lắng. Chị tâm sự: “Nếu con lớn được xuất viện thì cũng phải thuê phòng trọ gần bệnh viện để tôi có thể vào viện tiếp tục chăm con nhỏ.

Để bố trí được người ở lại Hà Nội chăm sóc con nhỏ, tôi và con lớn về Nghệ An, chắc cũng phải mất vài tuần. Tôi nghe nói những bé đã bị bệnh phổi bẩm sinh thì dễ tái phát, nên rất lo.

Người lớn ăn ở sao cũng được, nhưng lo chỗ ở cho con phải sạch sẽ, thông thoáng, tránh bị nhiễm trùng… Điều này thực sự quá sức của gia đình”.

Ngay sau khi sinh con, chị Huệ đã phải ngược xuôi chăm con, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, nên chị vừa mất sữa vừa ốm yếu. Không được kiêng cữ gì, tâm trạng lúc nào cũng lo lắng trăm bề về bệnh tình các con, nên sức khỏe của chị ngày càng suy sụp.

Người anh trai chồng hết sức thương các em, các cháu nên đã bỏ cả công việc kiếm sống (anh làm nghề vận tải ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương) để về Hà Nội lo giúp đỡ gia đình em trai.

Tuy nhiên, anh Kiên cũng rất hoang mang, chưa biết trông vào đâu để hỗ trợ hai em khi thời gian điều trị của hai bé Huy Hoàng, Huy Khang có thể còn kéo dài.

Theo Bảo Phương

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên