Những phát minh thay đổi thế giới trong năm Quý Mão
Những năm Quý Mão trong lịch sử ghi nhận hàng loạt những bước tiến về khoa học, kỹ thuật có ý nghĩa sâu rộng đến ngày nay.
- 24-01-2023Trung Quốc sắp nhận tin xấu từ Nhật Bản và Hà Lan
- 24-01-2023Apple ở xứ sở Trung Quốc: Lỗi lầm của vị công thần Tim Cook
- 24-01-2023Tham vọng đánh bại Google, Meta, Amazon: Microsoft ‘dồn’ 10 tỷ USD đầu tư vào công cụ ‘vô hình’ mới…hóa ra sa thải 10.000 nhân viên vì lý do này?
Đường hầm vượt sông đầu tiên
Đường hầm sông Thames, một trong những thành tựu nổi tiếng trong năm Quý Mão - Ảnh: GETTY IMAGES
Năm Quý Mão 1843, đường hầm sông Thames chính thức được đưa vào hoạt động. Đường hầm nối quận Rotherhithe và quận Wapping tại London, nằm ở độ sâu 23m dưới mực nước.
Đường hầm sông Thames dài 396m, rộng 11m, cao 6m. Bên trên, tàu bè vẫn có thể đi lại bình thường. Đây là đường hầm vượt sông đầu tiên trên thế giới.
Đường hầm sông Thames cũng được xem là "ông tổ" không chỉ của các đường hầm sông sau này mà còn cả đường tàu điện ngầm hiện nay.
Để xây dựng hầm, kiến trúc sư Marc Isambard Brunel áp dụng kỹ thuật lá chắn đào đường dưới sông khô ráo và an toàn. Nhờ công trình này, Brunel được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ cho những đóng góp của mình.
Trong 15 tuần đầu sau khi khánh thành, đường hầm ghi nhận hơn một triệu lượt khách qua lại. Đến năm 1869, đường hầm được dùng cho các tuyến xe lửa chở khách phía đông London. Đường hầm liên tục được nâng cấp trong thế kỷ 19, 20, trở thành một biểu tượng trong lĩnh vực xây dựng hầm vượt sông.
Đầu máy tàu thủy chạy dầu đầu tiên
Chiếc tàu Petit Pierre - Ảnh: GETTY IMAGES
Năm Quý Mão 1903, hai nhóm kỹ sư riêng biệt của Pháp và Nga làm việc độc lập và cho ra mắt một phát minh bước ngoặt: Đầu tàu thủy chạy bằng dầu diesel.
Tại Pháp, các kỹ sư Frédéric Dyckhoff và Adrien Bochet làm việc cùng nhau từ năm 1899 cho dự án lắp đặt động cơ xăng và diesel trên các con thuyền chạy trên một số tuyến sông.
Ngày 30-9-1903 ghi nhận lần hạ thủy đầu tiên của Petit Pierre - chiếc tàu có đầu máy chạy bằng diesel do nhóm kỹ sư này phát triển. Chuyến đi đầu tiên kéo dài khoảng 7 dặm.
Dyckhoff gửi bức ảnh buổi trình diễn thành công này cho Rudolf Diesel - nhà phát minh máy móc chạy bằng dầu diesel nổi tiếng. Một tháng sau, đích thân Rudolf Diesel đến thăm nhóm kỹ sư và trải nghiệm tàu Petit Pierre.
Cũng vào năm 1903, các kỹ sư Thụy Điển và Nga sản xuất một loại tàu cỡ lớn chạy bằng dầu diesel để thay thế đầu máy hơi nước dần trở nên lỗi thời. Đầu máy hơi nước đốt nhiều dầu cặn nặng và rất kém hiệu quả.
Nhóm kỹ sư này đã chế tạo được một tàu chở dầu 3 chân vịt có đầu máy chạy bằng diesel - điện đầu tiên trên thế giới. Mỗi động cơ có 3 xilanh và phát triển 120 mã lực, tốc độ 240 vòng/phút, được gắn giữa tàu, kết nối với các máy phát điện trên tàu.
Chuyến bay đầu tiên
Máy bay của anh em Wright - Ảnh: GETTY IMAGES
Năm Quý Mão 1903, Orville Wright thực hiện chuyến bay lịch sử. Dù máy bay chỉ bay được 12 giây, dài 91,44m, Orville Wright vẫn trở thành phi công đầu tiên trên thế giới.
Sau 4 năm với nhiều mô hình, từ diều đến máy bay cánh lượn không động cơ, anh em Wright đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử hàng không.
Trong ngày đó, anh em Wright tiến hành thêm 3 chuyến bay nữa và lần dài nhất kéo dài 57 giây, bay xa hơn nửa dặm. Anh em Wright cho rằng khó khăn lớn nhất là làm sao có được sự cân bằng và đảm bảo các kỹ thuật lái sau khi máy bay hoàn toàn ở trên không trung.
Ca ghép gan, ghép thận đầu tiên
Bác sĩ Thomas E. Starzl - Ảnh: GETTY IMAGES
Quý Mão 1963 là năm khởi đầu cho một kỹ thuật y khoa phổ biến ngày nay: ghép tạng. Từ ngày 1-3 đến 4-10-1963, bác sĩ Thomas E. Starzl (Mỹ) đã thử nghiệm 5 lần cấy ghép gan cho các bệnh nhân.
Đây được xem là ca cấy ghép gan đầu tiên trên người. Kết quả của 5 ca chưa thật hoàn hảo, bệnh nhân sớm qua đời vì mất máu và nhiễm trùng.
Những hoạt động cấy ghép gan sau đó được tạm dừng và đến năm 1967, bác sĩ Starzl thực hiện lại các cuộc phẫu thuật thành công. Đến nay, Thomas E. Starzl vẫn được xem là "cha đẻ" của các kỹ thuật cấy ghép gan.
Cũng trong năm 1963, thế giới ghi nhận ca phẫu thuật ghép phổi người đầu tiên, được thực hiện tại Mỹ. Người hiến tạng chết do nhồi máu cơ tim, trong khi đó người nhận 58 tuổi bị ung thư phế quản phổi trái.
Bác sĩ James Hardy từ Jackson Mississippi (Mỹ) là người thực hiện cuộc phẫu thuật này. Đến nay, mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 3.500 ca ghép thành công.
Tuổi Trẻ