Những phát ngôn của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trước thời khắc ký kết CPTPP
Ngày mai, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được chính thức ký kết. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời phỏng vấn báo chí về những nội dung liên quan đến Hiệp định.
Hiệp định CPTPP, dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ, nhưng vẫn được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, như hai mặt của một đồng xu, bên cạnh những tác động tích cực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh luôn hàm chứa những điều bất lợi, tiêu cực.
Đồ hoạ: Hương Xuân
Tương tự các quốc gia khác, khi tham gia CPTPP, bên cạnh "mở tung" thị trường, Việt Nam cũng sẽ công khai và minh bạch hoá quản lý nhà nước... Thông qua đó, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Thông qua đó, CPTPP sẽ là cú huých đối với nhiều ngành nghề của Việt Nam...
Nhưng chỉ khi doanh nghiệp trong các lĩnh vực này biết nắm bắt cơ hội.
Bởi đã có những ngành, lĩnh vực đang là minh chứng cho việc chậm đổi mới, dẫn đến hiệu quả, năng lực cạnh tranh thấp, trở nên thất thế khi cửa hội nhập được mở toang mà mía đường có thể xem là ví dụ.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh trước tiên phải có một chương trình hành động tổng thể của đất nước. Phải rà soát lại khung khổ pháp lý, nội luật hoá các cam kết hội nhập trong khuôn khổ Hiệp định cũng như tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
"Yếu tố tham gia mang tính chủ động là then chốt cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế khi hội nhập", Bộ trưởng cho biết.