MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phi công làm gì để mưu sinh khi đại dịch khiến một nửa máy bay trên thế giới phải "đắp chiếu"?

17-06-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA ước tính năm nay các hãng hàng không trên toàn thế giới có thể thua lỗ 84,3 tỷ USD và doanh thu giảm 50%.

Lái những chiếc máy bay trị giá tới 450 triệu USD từng là công việc trong mơ nhưng cũng không thiếu cơ hội để tiến tới giấc mơ đó. Năm ngoái, Boeing ước tính rằng các hãng hàng không trên thế giới sẽ cần bổ sung tới 800.000 phi công trong 20 năm tới để đáp ứng nhu cầu du lịch bùng nổ ở châu Á. Một số hãng hàng không Trung Quốc đưa ra mức lương hơn 300.000 USD mỗi năm chưa kể thưởng để câu kéo những nhân tài dày dặn kinh nghiệm.

Nhưng đại dịch Covid-19 nổ ra và khiến 51% số máy bay trên toàn thế giới phải nằm im bất động. Trong lúc chờ đợi thời điểm thích hợp để có thể quay trở lại buồng lái, nhiều phi công đang phải tìm đến những công việc lặt vặt, thậm chí là đứng trước lựa chọn đổi nghề.

Không chỉ có phi công, trên toàn thế giới có khoảng 1 tỷ lao động tại nhiều ngành có thể đối mặt với tình cảnh thất nghiệp hoặc bị cắt giảm lương vì các lệnh phong tỏa, biên giới đóng cửa và những hệ lụy kinh tế mà Covid-19 gây ra. Tuy nhiên có lẽ phi công là nghề duy nhất lâm vào tình cảnh mà ít ai có thể tưởng tượng ra: chuyển từ trạng thái thiếu hụt nhân công nghiêm trọng sang dư thừa quá mức chỉ trong vài tuần. Đây cũng là ví dụ cho thấy nhóm người lao động đặc thù sẽ thích nghi như thế nào với 1 cú đánh mạnh và bất ngờ như vậy.

"Chúng tôi sẽ làm bất cứ thứ gì để bảo vệ gia đình của mình", Chris Riggins, 1 phi công của Delta Airlines nói. "Nếu điều đó có nghĩa là làm việc trong cửa hàng tạp hóa thì chúng tôi cũng vẫn sẽ làm".

Trên thực tế, không ít phi công đang tạm thời làm việc tại các siêu thị, công ty điện thoại, trong khi một số chuyển sang học lái xe tải hoặc làm việc trong ngành dịch vụ tài chính. Nhiều người phát hiện ra rằng những kỹ năng phụ mà họ đã phát triển được trong nhiều năm giờ lại trở thành nghề chính giúp vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

2 năm trước, Richard Garner, 1 phi công của Qantas Airways thành lập công ty cung cấp các lời khuyên tài chính và giúp sắp xếp những khoản vay cho các nhân viên của hãng hàng không. Đã học lái máy bay từ năm 14 tuổi và không muốn làm gì khác, Garner chưa bao giờ nghĩ rằng việc đó sẽ trở thành nghề nghiệp chính của mình. Đầu tháng 3, anh vẫn thường xuyên lái những chiếc Airbus A330 bay qua lại giữa Australia và châu Á, cho đến khi Qantas sa thải 20.000 nhân viên, trong đó có Garner.

Năm nay 43 tuổi, Garner vẫn chia sẻ công ty tài chính Crew Financial không phải là thứ anh thực sự mong muốn nhưng "khi đời đưa cho bạn 1 quả chanh, hãy biến nó thành 1 cốc nước chanh và thưởng thức".

Các chuyến bay nội địa đã bắt đầu cất cánh trở lại ở nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Ví dụ, American Airlines đã tăng lịch bay tháng 7 thêm 74% so với tháng 6. Tuy nhiên, dù có một số tín hiệu phục hồi nhưng số chuyến bay trên toàn cầu vẫn giảm tới 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái theo số liệu của OAG Aviation Worldwide. Đến ngày 8/6, số chuyến bay mà các hãng hàng không ở Tây Âu, Mỹ Latinh và Nam Á khai thác vẫn thấp hơn 70% so với trước dịch.

Với tình hình diễn biến phức tạp, chưa thể khẳng định khi nào thì ngành hàng không mới có thể thực sự hồi phục. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA ước tính năm nay các hãng hàng không trên toàn thế giới có thể thua lỗ 84,3 tỷ USD và doanh thu giảm 50%. Tuần trước Cathay Pacific cho biết họ cần huy động 39 tỷ đôla Hồng Kông từ chính quyền thành phố và các cổ đông để có thể tránh được kịch bản sụp đổ. Chủ tịch Patrick Healy cảnh báo trong quý IV hãng có thể phải đưa ra "những quyết định khó khăn" để đưa Cathay Pacific trở lại "đúng hình dáng và kích cỡ chuẩn".

Những con số này vạch ra 1 tương lai u ám cho sự nghiệp của các phi công, trong đó có không ít người đam mê nghề này từ khi còn là 1 đứa trẻ. Như Robert Bor, người có nhiều năm tư vấn tuyển dụng cho nhiều hãng hàng không ở Anh, nhận xét: "Nghề này thu hút những lao động tận tụy và đam mê, thậm chí đôi lúc là ám ảnh với nghề nhất".

Ở Leeds (thuộc miền bắc nước Anh), Dave Fielding đã mơ về viễn cảnh lái máy bay chiến đấu suốt từ khi được tặng 1 chiếc máy bay đồ chơi năm 7 tuổi. Sau khi phát hiện ra rằng mình mắc chứng say gió khi đi máy bay, ông chuyển sang theo đuổi nghề phi công lái máy bay thương mại. Hiện 53 tuổi và là cơ trưởng, Fielding đã làm việc cho British Airways từ năm 1993.

Covid-19 khiến Fielding thất nghiệp nhiều tháng nay, và kể cả trong kịch bản tốt nhất thì ông cũng không thể sớm bay trở lại. Theo thỏa thuận khi nhận trợ cấp của chính phủ Anh, các hãng hàng không có thể bắt đầu cho các phi công làm việc bán thời gian trở lại từ tháng 7, nhưng một số sẽ phải đợi đến ít nhất là tháng 10 hoặc thậm chí lâu hơn. British Airways cũng dự định cắt giảm khoảng 12.000 việc làm, bắt đầu với những trường hợp tình nguyện nghỉ hưu.

Khi mới ngừng bay, Fielding và một số đồng nghiệp đã thành lập các phòng chờ ở bệnh viện, hỗ trợ những nhân viên y tế tuyến đầu, phục vụ trà, cà phê và món ăn nhẹ cho họ. Có tên gọi Project Wingman, dự án hiện đã có hơn 5.000 tình nguyện viên là những phi công, tiếp viên hàng không, hoạt động ở hơn 50 bệnh viện.

Trên diễn đàn Professional Pilots Rumour Network, những phi công bị sa thải đang bàn tán sôi nổi về công việc mới của họ. 1 phi công chuyên lái Boeing 737 ở Australia chia sẻ làm nhân viên siêu thị "là lựa chọn rất khó khăn vì đang mắc một khoản nợ lớn", trong khi 1 phi công khác chuyên lái Airbus A320 viết rằng thu nhập của cả 1 tuần từ công việc bảo vệ chỉ bằng nửa ngày so với trước đây. Một số người làm công việc kỹ thuật ở bể bơi.

Điều này có thể chỉ là tạm thời. Boeing chỉ ra rằng sau các cú sốc trước đây như dịch SARS năm 2003, vụ khủng bố 11/9 và cả khủng hoảng tài chính 2008, nhu cầu đi lại đều hồi phục. "Điều tương tự sẽ diễn ra khi đại dịch lắng xuống. Về dài hạn, các yếu tố cơ bản quyết định nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không vẫn có, và do đó nhu cầu về phi công và nhân viên kỹ thuật vẫn còn đó".

Trong ngắn hạn, các hãng hàng không lớn của Mỹ như Delta và United Airlines phải cắt giảm khoảng 20% số phi công. Hầu hết trong số này – khoảng 11.000 đến 13.000 người, sẽ được cho nghỉ theo chế độ nghỉ hưu sớm. Trên thế giới, nhiều hãng đã lên kế hoạch sa thải hàng chục nghìn nhân viên để đảm bảo có đủ tiền mặt cho giai đoạn phục hồi dự định sẽ kéo dài vài năm. Deutsche Lufthansa AG cho biết dư thừa khoảng 22.000 nhân viên, trong khi Emirates cũng xem xét sa thải 30.000 người.

Delta đang đưa ra đề xuất gói nghỉ hưu sớm dành với mức lương và trợ cấp hậu hĩnh cho những phi công gần đến tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi. American Airlines, Southwest Airlines và JetBlue Airways cũng có những chính sách tương tự.

Tuy nhiên, theo Mark Charman, CEO của công ty tuyển dụng nhân lực hàng không Goose Recruitment, điều này có thể tạo ra tình trạng thiếu hụt những phi công giàu kinh nghiệm đồng thời khiến những người mới nhụt chí khi mà họ thường phải bỏ ra tới 150.000 USD để có thể được cấp chứng chỉ đủ điều kiện bay thương mại.

"Chắc chắn trong tương lai ngành hàng không sẽ thiếu hụt phi công nghiêm trọng. Trở thành phi công không còn hấp dẫn như trước nữa", Charman nói.

Thu Hương

Trở lên trên