Những phiên livestream trăm tỷ: Trung Quốc thu thuế và chống hàng giả như thế nào?
Phát trực tiếp và tương tác với mọi người trên mạng xã hội để bán hàng, hay còn gọi là livestream đã và đang là xu thế bán hàng của không ít cá nhân và doanh nghiệp.
Đằng sau những phiên livestream doanh thu khủng
Phát trực tiếp và tương tác với mọi người trên mạng xã hội để bán hàng, hay còn gọi là livestream đã và đang là xu thế bán hàng của không ít cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những phiên livestream được quảng cáo có doanh thu hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng thì nhiều người đặt câu hỏi: liệu nguồn hàng bán cho khách hàng có đảm bảo hay không? Có bị thất thu thuế với các cá nhân và tổ chức không?
Có thể nhắc đến một trong những phiên livestream thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận trong thời gian qua, doanh số công bố đến 150 tỷ đồng. Trước đó đã từng có những phiên thấp hơn là 100 tỷ đồng hoặc 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo những người làm trực tiếp trong lĩnh vực này, con số thực tế có thể sẽ sai khác. Bởi nhiều khả năng tồn tại các đơn hàng ảo để thu hút người mua hàng
Chị Nguyễn Huệ Chi - Giám đốc điều hành Học viện Livestream TopOne cho biết: "Trong thời điểm đó, có nhiều người cùng click vào giỏ hàng cùng một lúc, có nhiều người mua hàng cùng lúc thì video, livestream đó mới lên được đề xuất nên việc push đơn ảo, có người đặt hàng ảo là phải có. Để cho khách hàng, những người mua thật cảm thấy đang có nhiều người mua giống mình, phải mua nhanh nếu không người ta sẽ mua hết bởi vì nó chỉ có 100 slot, 200 slot… Đó là cách tạo hiệu ứng đám đông. Trong phiên live có một đội ngũ cắt ghép video clip liên tục để up lên kênh liên tục, đó cũng là cách khiến đám đông bị thu hút. Đó chính là mục đích của những phiên live gọi một dấu ấn marketing lớn".
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định: "Trước hết, chúng ta phải phân tích cụ thể từng khâu. Đối với các nhãn hàng, doanh thu của họ không chỉ có đơn hàng chốt mà phải là doanh thu bán thực. Ví dụ như doanh thu thực có thể là 100 tỷ hoặc 150 tỷ, nhưng chốt hàng giao khoảng 70%, có thể là 70 tỷ hoặc 100 tỷ… Đó chính là doanh thu của nhãn hàng. Với doanh thu của nhãn hàng, họ sẽ nộp thuế như đăng ký kinh doanh bình thường. Thứ hai, nếu muốn bán được hàng, hàng đó cần được vận chuyển từ nơi có nhãn hàng cho đến người bán và chi phí vận chuyển. Đối với chi phí của nền tảng thương mại điện tử, nhãn hàng cũng phải trả một phần trên nền tảng đó. Thứ ba, trả cho những người livestream trực tiếp. Như vậy, mỗi người phải chịu trách nhiệm, như nhãn hàng sẽ nộp thuế Việt Nam.
Còn lại, đối với Tiktok hoặc vận tải đối với nước ngoài thì phải thu thuế nhà thầu. Với những cá nhân trên nền tảng trực tiếp livestream phải nộp thuế thu nhập cá nhân, có các hình thức khác nhau. Ví dụ như cá nhân đó không đăng ký kinh doanh mà chỉ bán hàng hưởng hoa hồng cho nhãn hàng thì họ sẽ nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Như vậy, được giảm trừ gia cảnh và nhãn hàng sẽ trừ đi 10%. Còn những người đăng ký hộ cá nhân kinh doanh, họ sẽ nộp thuế 7%. Còn lại tất cả mọi người có thu nhập phải nộp thuế tại Việt Nam đối với doanh thu phát sinh của nhãn hàng và nộp thuế thu nhập tại Việt Nam đối với các nền tảng cũng như vận chuyển ra và chuyển vào Việt Nam. Tất cả đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế".
Một vấn đề mà nhiều người quan tâm là nguồn hàng và chất lượng hàng hóa được rao bán trong các phiên livestream
Trung Quốc quản lý livestream bán hàng
Nói về livestream bán hàng, không thể không nói đến Trung Quốc. Những livestreamer hàng đầu có thể thu nhập lên tới hàng chục triệu USD một năm. Nghĩa vụ nộp thuế cũng là một chủ đề nóng được quan tâm tại quốc gia này.
Ở Trung Quốc, livestream bán hàng trên mạng chủ yếu là trên các nền tảng thương mại điện tử Taobao, JD.com, Xiaohongshu, Pinduoduo… Họ là bên thứ ba, nhận tiền từ người mua và tất cả đều trả tiền qua mã quét QR code, không dùng tiền mặt. Cứ thế theo quy định thuế mà thu và nộp nên về cơ bản việc quản lý thuế khá bài bản. Loại hình này về cơ bản khó trốn thuế.
Còn livestream tự do trên các mạng xã hội, tức bán hàng online, người tiêu dùng Trung Quốc không thích và mua trên này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ vì chế độ hậu mãi không tốt. Bán hàng online, tiền bán hàng cũng trả qua mã quét nên nếu người bán hàng trốn thuế cũng dễ bị cơ quan thuế bắt và xử phạt. Thậm chí nhiều người vi phạm hay trốn thuế còn bị đưa vào danh sách đen, bị cấm đi máy bay, tàu hỏa…Trung Quốc là một trong những nước xử phạt tội trốn thuế, vi phạm các tiêu chuẩn về thuần phong mỹ tục của những người nổi tiếng mang tính răn đe rất cao.
Điển hình, cuối 2021, nữ hoàng livestream Vy Á bị kết tội phù phép trốn thuế 643 triệu NDT, tương đương hơn 2.300 tỷ đồng, bị xử phạt lên đến gần 4.800 tỷ đồng. May mắn, cô đủ tiền nộp thuế nên thoát tội hình sự. Và tỷ phú có tài sản 1,4 tỷ USD biến mất khỏi các nền tảng livestream vì bị cấm. Cho dù không bị cấm, cô cũng khó huy hoàng trở lại vì ở Trung Quốc, tẩy chay từ người tiêu dùng cũng là một quyền lực ghê gớm.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Trung Quốc cũng tương tự như Việt Nam. Hiện nay, những người bán hàng trực tiếp hay mua hàng và bán hàng online trên facebook…, họ bán trực tiếp và nộp thuế trực tiếp 1,5%. Tuy nhiên, đó là doanh thu bé. Lớn nhất hiện nay là bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Rõ ràng, cơ chế thuế hiện nay đã có.
"Khi thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, trong hai năm 2022-2023, cơ quan thuế đã thu được 180.000 tỷ đồng. Trong đó năm 2022 thu được 83.000 tỷ, năm 2023 thu được 87.000 tỷ đồng. Nói như vậy chưa hẳn là cơ quan thuế đã thu đủ. Chúng ta thấy được tốc độ livestream rất lớn và tăng nhanh. Hiện nay, cơ quan thuế phối hợp với tổ chức tín dụng, Bộ Công thương, tất cả các nền tảng kể cả Bộ Thông tin và Truyền thông để nắm vững tất cả sàn thương mại điện tử.
Tổng cộng có 192 sàn thương mại điện tử và qua ngân hàng, nắm được khoảng 9 triệu tài khoản của công ty và 121 triệu tài khoản của cá nhân liên quan đến bán hàng điện tử. Đó chính là biện pháp kết nối để kiểm tra. Nhưng tôi nghĩ, những biện pháp đó cần phải tăng cường và hiện nay, Đại biểu Quốc hội cũng bàn đến. Bộ Tài chính đang làm tờ trình để trình lên Chính phủ để có một công điện để tăng cường biện pháp quản lý bán hàng trên nền tảng số, trong đó có livestream" - bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.
Cần sớm có các biện pháp để có thể quản lý livestream tốt nhất
Nguồn hàng và chất lượng hàng hóa trong livestream
Ngoài nghĩa vụ nộp thuế, một vấn đề nữa mà nhiều người quan tâm là nguồn hàng và chất lượng hàng hóa được rao bán trong các phiên livestream. Hai kho hàng rộng hơn 1.000m2 tại xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn vừa bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội và công an phát hiện và thu giữ. Trong đó có 20.000 điện thoại, máy tính bảng, sản phẩm nhái các hãng nổi tiếng như Apple, Samsung... cùng hàng trăm nghìn sản phẩm mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo. Khi livestream bán hàng, dù chính sách của các nền tảng là sẽ hoàn trả phí đến khách hàng nếu như sản phẩm có vấn đề. Tuy nhiên, với sự tinh vi của việc làm hàng giả, không phải ai cũng có thể nhận ra.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ: "Không chỉ bán hàng livestream, hiện nay bán hàng thương mại truyền thống, một số kho hàng nổi tiếng, kể cả thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm vẫn còn hàng giả rất nhiều. Kể cả diễn viên nổi tiếng cũng đang có tình trạng quảng cáo không đúng sự thật và bán hàng không đúng chất lượng. Chúng ta không thể tin tưởng rằng livestream không có hàng giả, không có hàng kém chất lượng. Nhưng theo chúng tôi, phải có cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, nhất là nhãn hàng. Nhãn hàng phải chịu trách nhiệm về chất lượng của mình, khi ký cam kết giữa nền tảng thương mại điện tử với các nhãn hàng, phải có điều khoản về chất lượng. Bởi có những chất lượng sản phẩm như thức ăn, đồ uống, thuốc liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người. Nếu chúng ta không đảm bảo thì rất nguy hiểm".
Được biết, Trung Quốc quản lý livestream bán hàng qua mạng từ gốc. Cơ quan chức năng nắm gốc, tức là thông qua các nền tảng thương mại điện tử nội địa. Các nền tảng này quản lý chặt các chủ tài khoản livestream trên nền tảng của mình về chấp hành pháp luật bán hàng có nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu rõ ràng. Những hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái rất khó xuất hiện trên các buổi livestream. Vì trên các trang này, thường phải ghim các loại giấy tờ chứng minh về hàng hóa hợp pháp để người mua nghiên cứu. Khi có những khiếu nại hay bị phát hiện gian lận, hậu quả rất lớn. Nên người livestream cũng ít dám mạo hiểm.
Các nền tảng cũng quản lý chặt những quy định về phát ngôn, về ăn mặc dành cho người livestream. Vì thế, chắc chắn những người bán đồ nội y ăn mặc quá hở hang, ăn nói quá tục tĩu để câu view, câu like hay quảng cáo quá lố về thực phẩm chức năng sẽ rất nhanh bị khóa sóng. Bộ lọc đầu tiên là từ các nền tảng thương mại điện tử. Bộ lọc thứ hai là từ trách nhiệm công dân của chính người livestream đó. Một thứ mà người livestream rất sợ là bị đưa vào danh sách đen blacklist cấm livestream hay nghệ sĩ bị phong sát cấm sóng.
Hiện nay, một số trường đại học hiện còn đào tạo ngành livestream bán hàng như một nghề phát triển mạnh. Và các nền tảng thương mại điện tử ngày càng đầu tư mạnh để xây dựng các bộ lọc nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi sai trái vì đó là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, những kinh nghiệm của Trung Quốc về xử lý vi phạm rất tốt. Bên cạnh đó, phải có những biện pháp kết hợp như Ban quản lý thị trường, công an kinh tế và phải kiểm tra, kiểm soát và kết nối trách nhiệm không chỉ nhãn hàng mà kể cả trách nhiệm của sàn thương mại bởi nếu như sàn thương mại không có cam kết tốt, dẫn đến đưa hàng hóa kém chất lượng vào sàn cũng rất nguy hiểm. Những người livestream bán hàng không chỉ nói theo để bán được hàng mà cũng phải có trách nhiệm với những sản phẩm và chất lượng mình nói. Tất cả những yếu tố đó phải kết hợp. Bên cạnh đó, kết hợp với vấn đề chuyển tiền và hàng hóa chuyển đi, kết hợp với tất cả nguồn gốc, có nghĩa là chúng ta phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ thì cơ quan thuế đảm bảo quản lý thuế được tốt.
"Nhưng tôi nghĩ, quản lý tốt là một phần, một phần rất quan trọng là chất lượng sản phẩm hàng hóa để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Điều đó cần biện pháp quyết liệt hơn. Bộ Tài chính hiện nay cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ để có những biện pháp. Và biện pháp đó không chỉ có thu thuế, thu thuế là một phần để đảm bảo bình đẳng trong pháp luật và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước đúng đủ. Còn nếu như ai vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Xử lý về thuế rất nặng, bên cạnh đó, cần có các hình thức xử lý khác.
Cần sớm có Chỉ thị, Công điện từ Thủ tướng Chính phủ, các Bộ các ngành để có thể quản lý livestream tốt nhất. Trên cơ sở bán hàng một phiên livestream 100 – 150 tỷ nếu đúng chất lượng tốt thì điều đó thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy các nhãn hàng phát triển, cố găng tăng doanh thu nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng. Chúng ta phải kết hợp những ưu tiên, lợi ích của bán hàng cũng như những khuyết điểm để có biện pháp ngăn chặn, đồng thời phát huy những mặt mạnh thì lúc đó mới quản lý được tốt" - bà Nguyễn Thị Cúc đưa ra nhận định.
Bán hàng qua các kênh thương mại điện tử nói chung hay các nền tảng mạng xã hội nói riêng đang trở thành một xu hướng, một hướng đi mới cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh. Tuy nhiên cần có những quy định chặt chẽ hơn về thuế cũng như nguồn gốc và chất lượng của hàng hóa. Đồng thời, cần có sự giám sát của các cơ quan chức năng để có sự minh bạch trong cả việc bán và việc mua. Tránh trường hợp những phiên livestream trăm tỷ trở thành chiêu trò và công cụ để câu view, trục lợi, danh không xứng với thực.
VTV News