Những phong tục truyền thống của Tết Nguyên đán bạn nhất định phải biết
Ngày nay, nhắc đến Tết, người ta nghĩ nhiều đến các mối lo hơn, từ khâu chuẩn bị đến việc thăm hỏi họ hàng... Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể lãng quên những phong tục ngày Tết truyền thống.
Có từ lâu đời, nhưng đến nay, Tết vẫn là một nét đẹp riêng, nét truyền thống đặc trưng trong văn hóa của người Việt Nam. Trong dịp này, có rất nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới tốt lành, may mắn, an khang thịnh vượng.
Gói bánh Chưng, bành Dày
Truyền thống gói bánh chưng, bánh dày là một phần không thể thiếu của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho Đất - Âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời - Dương, thể hiện triết lý Âm - Dương. Bánh chưng dành cho Mẹ, bánh dày giành cho Cha. Bánh chưng bánh dày là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Ngoài ra, dân tộc Việt Nam ta trước đây lại là văn hóa lúa nước phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên rất nhiều. Chính vì vậy bánh Chưng còn thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người.
Phong tục mừng tuổi đầu năm
Mừng tuổi ngày đầu năm là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt với mong muốn nhận được nhiều may mắn và những điều tốt đẹp. Người châu Á quan niệm rằng màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, cát tường nhất trong các màu, đó là lí do tại sao các phong bao lì xì thường có màu đỏ.
Bên cạnh đó, mừng tuổi đầu năm còn tượng trưng cho tài lộc, dù là người nhận hay người cho đi càng nhiều thì chứng tỏ tài lộc bạn nhận được rất nhiều. Ý nghĩa của lì xì không nằm ở "tiền" mà là lòng mong ước cầu chúc cho các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn những người lớn tuổi thì có thật nhiều sức khỏe để có thể bên con cháu thật lâu.
Tục xông nhà đầu năm
Phong tục xông đất đầu năm xuất phát từ mong muốn của mọi người mong một năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc, tránh những điều xui xẻo. Theo truyền thống, chủ nhà sẽ chọn một người "hợp tuổi" với mình để bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết.
Trong quan niệm của người Việt, những người được lựa chọn xông đất đầu năm "hợp mệnh" sẽ đem đến những điều an lành cho gia chủ. Tục xông đất đầu năm là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, ở một khía cạnh nào đó mang ý nghĩa gắn chặt tình cảm và mang đến cho nhau những lời chúc may mắn tốt lành nhất trong ngày đầu năm mới. Đây cũng là phong tục thể hiện khát vọng thịnh vượng, an khang, hạnh phúc của mỗi gia đình mỗi khi Tết đến xuân về.
Phong tục đi lễ đầu năm và xin chữ
Phong tục đi chùa là một nét văn hóa của người Việt Nam. Theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng”, phong tục đi chùa đầu mùa xuân như một khởi đầu của mùa xuân, khởi đầu của sự sống mới. Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh, với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới.
Vào đêm 30, sau khoảnh khắc giao thừa vừa đến hoặc sang năm mới, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc cầu may. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Không chỉ có tục đi lễ chùa đầu năm, người Việt Nam còn có một nét đẹp văn hóa nữa là xin chữ đầu năm. Hình ảnh ông đồ bày mực tàu giấy đỏ, nắn nót từng nét chữ là hình ảnh quen thuộc vào những dịp đầu năm. Đây là nét văn hóa thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cũng là mong muốn xin cho được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ.
Những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.