Những quốc gia đang nắm trong tay thứ 'siêu quyền lực' hơn cả Mỹ, Trung Quốc, có thể tạo ra trật tự mới cho 1 ngành công nghiệp
Công cuộc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đang thay đổi cả nền kinh tế và địa chính trị.
- 06-08-2023Quốc gia châu Á chuyển mình ngoạn mục: Từ chỗ bị xa lánh bỗng trở thành điểm sáng trong mắt nhà đầu tư toàn cầu, được lựa chọn để thay thế Trung Quốc
- 05-08-2023Phá kỷ lục của Trung Quốc, quốc gia này sở hữu tuabin gió ngoài khơi 'khủng' nhất thế giới: Được gắn trên trụ cao 262 mét, tạo đủ điện năng cho 400.000 hộ
- 04-08-2023Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China'
Tenke-Fungurume, một trong những mỏ đồng & coban lớn nhất thế giới tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), được bao phủ bởi hàng chục nghìn bao tải bụi. Chúng chất đống bên cạnh những tòa nhà chứa một lượng lớn bột hydroxit coban ước tính tương đương gần 1/10 lượng tiêu thụ hàng năm của thế giới trị giá khoảng 500.000 USD.
Kho dự trữ khổng lồ coban, một thành phần quan trọng trong pin xe điện, cho thấy Congo - nhà sản xuất coban lớn nhất thế giới đang bắt đầu tăng cường nguồn cung phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng.
CMOC, nhà điều hành mỏ Tenke-Fungurume của Trung Quốc, hồi tháng 4 đã đồng ý chi 800 triệu USD để giải quyết các tranh chấp về thuế. Hiện Congo đang tiến hành rà soát toàn diện tất cả liên doanh khai thác mỏ với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi không hài lòng”, Guy Robert Lukama, người đứng đầu công ty khai thác thuộc sở hữu DRC Gécamines nói, đồng thời cho biết không có hợp đồng nào trong số này tạo ra giá trị cho đất nước. Ông muốn có thêm nhiều việc làm hơn. Doanh thu và hoạt động khoáng sản cũng phải tạo ra giá trị. “Việc cung cấp quá mức cần phải được quản lý chặt chẽ hơn”, ông Lukama nói thêm.
Khi thế giới chuyển sang công cuộc điện khí hóa, nhu cầu đối với các vật liệu như đồng, coban, niken và lithium đang làm thay đổi vận may của các quốc gia sản xuất.
Việc khai thác tập trung cao độ ở một số quốc gia, chẳng hạn như đối với coban, Congo chiếm tới 70% sản lượng khai thác toàn cầu. Về niken, 3 nhà sản xuất hàng đầu là Indonesia, Philippines và Nga chiếm 2/3 thị trường. Trong khi đối với lithium, 3 nhà sản xuất hàng đầu là Úc, Chile và Trung Quốc chiếm hơn 90%. Đến cuối thập kỷ này, quy mô thị trường lithium non trẻ cần tăng gấp 3 lần, trong khi nguồn cung đồng dự báo sẽ thiếu hụt 2,4 triệu tấn.
Nhu cầu ngày càng tăng làm rung chuyển cả nền kinh tế và địa chính trị. Chuỗi cung ứng cũng đang vướng vào căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc - quốc gia vốn thống trị năng lực xử lý lithium, coban và đất hiếm.
Chỉ trong 12 tháng, Zimbabwe và Namibia đã cấm xuất khẩu lithium thô; Chile tăng cường kiểm soát khai thác lithium còn Mexico khiến ngành công nghiệp lithium non trẻ rơi vào tình trạng bấp bênh sau một đánh giá mới về nhượng quyền khai thác. Trong khi đó, Indonesia bổ sung các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bauxite (một thành phần chính trong nhôm) vào lệnh cấm xuất khẩu quặng niken thô trước đó.
“Họ sẽ tìm kiếm một thỏa thuận công bằng hơn với ngành khai thác mỏ. Họ sẽ là người chiến thắng”, Jakob Stausholm, giám đốc điều hành Rio Tinto, cho biết. “Việc khai thác và xuất khẩu có lẽ sẽ ngày càng khó khăn hơn”.
Các nhà sản xuất kim loại cho pin xe điện đang được săn lùng, song câu hỏi đặt ra là họ có thể đi bao xa để tận dụng cơ hội này?
Cùng xem xét câu chuyện về Indonesia - nơi sản xuất gần một nửa lượng niken toàn cầu. Sau khi quyết định cấm xuất khẩu niken thô vào năm 2014, nước này thu hút hơn 15 tỷ USD đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Trong năm tới, Indonesia tiếp tục cấm xuất khẩu từ quặng niken đến bauxite, song không phải ai cũng hài lòng với chính sách này.
“Indonesia đang nghiên cứu khả năng quản trị khoáng sản. Dù điều đó có xảy ra hay không, sự gia tăng nhu cầu với niken chắc chắn sẽ mang lại cho Indonesia một vị thế cao hơn”, Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia nói.
Được biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sau khi đến thăm Mỹ vào năm ngoái, đã khuyến khích Elon Musk xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng của Tesla trong nước, “từ thượng nguồn đến hạ nguồn”. Tuy nhiên, không phải mọi quốc gia đều đi theo quỹ đạo giống Indonesia. Một báo cáo mới từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế cho thấy các nhà sản xuất kim loại có thể tạo ra ảnh hưởng trong ngắn hạn, song không thể đạt quyền lực địa chính trị lâu dài.
Theo FT, Chile hiện là nhà sản xuất chiếm ưu thế, song có thể sớm bị nước láng giềng Argentina vượt qua. 23 tỉnh nước này đang kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhiệt tình thu hút các doanh nghiệp khai thác mỏ.
Với khoảng 9,6 tỷ USD đầu tư lithium sau 3 năm cùng 38 dự án đang được triển khai, các quan chức cho biết sản lượng tại Argentina sẽ tăng gấp 6 lần trong vòng 5 năm tới. “Đầu tư vào lithium chưa bao giờ dừng lại và tôi nghĩ điều đó là kết quả của việc chúng tôi cởi mở với đầu tư tư nhân”, Fernanda Ávila, bộ trưởng khai thác mỏ của Argentina cho biết.
Tuy nhiên, không giống như dầu mỏ, kim loại sản xuất cho pin xe điện có nguy cơ bị thay thế khá cao. Các phòng thí nghiệm đang không ngừng phát triển các công thức mới nhằm sử dụng ít kim loại đắt tiền hoặc khó kiếm, chẳng hạn như coban. Đơn cử, việc sử dụng pin không coban ở Trung Quốc đã tăng từ 18% vào năm 2020 lên 60% trong năm nay, theo Rho Motion, một công ty tư vấn về xe điện. Pin giàu mangan cũng đang được triển khai và điều này có thể làm giảm hơn nữa việc sử dụng coban. Việc sản xuất xe điện của Trung Quốc chậm lại, kết hợp với sự gia tăng sản xuất coban hydroxit và lithium cacbonat, đã khiến giá nguyên liệu thô này giảm lần lượt 30% và 40% trong 6 tháng đầu năm, theo Benchmark Mineral.
Theo FT, các nước sản xuất vẫn đang nắm bắt cơ hội bằng mọi giá. Đầu năm nay, Chile, nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới, tuyên bố trao quyền kiểm soát lớn hơn đối với hai mỏ lithium cho một công ty khai thác nhà nước. Tổng thống Chile Gabriel Boric cho biết kế hoạch tăng cường kiểm soát của nhà nước đối với lithium là cơ hội tốt nhất giúp nước này trở thành một “nền kinh tế phát triển”.
Ngoài ra, Chile cũng đang đưa ra mức giá ưu đãi đối với lithium cacbonat cho các công ty thiết lập dự án tại nước này. BYD của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, đã công bố vào tháng 4 kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất catốt lithium ở miền bắc Chile, với 500 việc làm dự kiến trong giai đoạn đầu tư.
Nỗ lực của Indonesia thậm chí còn mang lại những kết quả tích cực hơn. Đầu năm nay, Ford công bố kế hoạch đầu tư vào một cơ sở xử lý niken trị giá hàng tỷ USD. Hyundai cũng đã động thổ xây dựng một nhà máy sản xuất pin tại đây.
“Điều vô cùng cần thiết là chúng ta phải viết lại di sản ngành khai thác để các quốc gia giàu khoáng sản có thể thu lại nhiều giá trị kinh tế hơn”, Elizabeth Press, giám đốc kế hoạch tại Irena, cho biết.
Theo: FT
Nhịp sống thị trường