Những quỹ đầu tư khổng lồ trên thế giới vẫn chưa thực sự 'chơi lớn' ở Việt Nam
Dù các quỹ lớn nhất thế giới đã mua cổ phiếu Việt Nam song ông Mike Lynch, chuyên gia đến từ SSI, cho rằng đây chỉ là đại diện một phần nhỏ các quỹ này. Quản lý một số quỹ vốn hoá nhỏ hoặc cận biên từ quỹ lớn không đại diện cho tất cả các nhà quản lý quỹ.
Ông Mike Lynch, Giám đốc khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức của Chứng khoán SSI là một trong các đại diện của Việt Nam tham gia hội thảo xúc tiến đầu tư thị trường chứng khoán Việt Nam tại Anh đầu tháng 7 vừa qua. Bên lề hội thảo, Người Đồng Hành đã có những trao đổi với giám đốc của SSI về sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại với thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Với kinh nghiệm giám đốc khối môi giới chứng khoán khách hàng tổ chức của công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất Việt Nam, ông đánh giá sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự kiện quảng bá đầu tư lần này?
- Rất nhiều công ty tài chính lớn ở London cũng như toàn cầu quan tâm đến việc đầu tư chứng khoán ở Việt Nam. Tất cả điều bạn nên làm là nhìn vào các nhà đầu ngoại đầu tư vào các thị trường mới nổi toàn cầu và lượng cổ phần nắm giữ ở Việt Nam.
Một danh sách dài những nhà đầu tư vào thị trường mới nổi vẫn chưa đầu tư, hào hứng tham dự các sự kiện kết nối đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, họ thường rời đi trong thất vọng khi không thể mua được gì vì giới hạn sở hữu nước ngoài. Đồng thời, vấn đề không chỉ nằm ở giới hạn, mà còn là không có giá đối với cổ phiếu đã kín room, bao gồm cả phần chênh lệch (premium) so với giá thị trường.
Ông Mike Lynch, Giám đốc khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức Chứng khoán SSI
- Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài tại Việt Nam?
- Giới hạn sở hữu ngoại cụ thể là khi một công ty đạt mức giới hạn sở hữu ngoại tối đa. Khi mức sở hữu ngoại đã chạm trần, các nhà đầu tư muốn đầu tư phải mua cổ phiếu từ một nhà sở hữu ngoại sẵn có. Trong trường hợp đó, một nhà sở hữu ngoại nhiều khả năng không bán cổ phiếu theo giá thị trường, mà với giá cao hơn. Giao dịch được thực hiện ngoài sàn.
Điều này nghĩa là họ không thể đánh giá danh mục theo giá thực tế dành cho nhà đầu tư nước ngoài để cung cấp giá trị chính xác giá trị tài sản ròng (NAV) cho nhà đầu tư của họ và bộ phận kiểm soát nội bộ.
Theo ước tính của tôi, số lượng nhà đầu tư nước ngoài muốn đến Việt Nam cao gấp 5 – 10 lần số nhà đầu tư hiện nay. Tôi tin vấn đề chính ngăn cản khoản đầu tư nước ngoài đó là sự thiếu vắng giá niêm yết dành cho các cổ phiếu nước ngoài đã kín room.
- Quay trở lại với hội thảo xúc tiến đầu tư lần này, ông chú ý đến những nhà đầu tư lớn nào tham dự?
- Sự kiện tại London có những bên tham gia từ một số nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực, bao gồm Fidelity, Ashmore, Bailee Gifford, HSBC, T Rowe Price, Fiera, Genesis và nhiều nữa.
Ngoài ra, còn rất nhiều quỹ không có mặt tại sự kiện ở London vì Việt Nam nằm ngoài chuẩn so sánh của họ. Tôi thì tin vào thị trường Việt Nam khi thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư dù họ vẫn chưa giải ngân.
Một số ý kiến cho rằng các quỹ lớn nhất thế giới đã mua cổ phiếu Việt Nam nhưng đây chỉ là đại diện cho một phần nhỏ của quỹ. Quản lý một số quỹ vốn hoá nhỏ hoặc cận biên từ một quỹ lớn không đại diện cho tất cả các quản lý quỹ. Tôi tin rằng tất cả nhà quản lý của các quỹ "khổng lồ" sẽ quan tâm đến Việt Nam khi cổ phiếu Việt Nam dễ dàng để mua bán.
- Vậy theo ông, cần thay đổi gì để thu hút nhiều hơn nhà đầu tư nước ngoài?
- Bộ Tài chính đang làm rất tốt một số việc. Bộ đang thực hiện thay đổi về quản trị doanh nghiệp, quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Bộ thay đổi cấu trúc doanh nghiệp, bao gồm các giao dịch liên quan và sở hữu chéo. Bộ cũng cải thiện chuẩn mực kế toán và sửa đổi luật chứng khoán. Những điều này đều tốt, cần được thực hiện vì một thị trường chứng khoán vận hành một cách hoàn thiện. Một điều Bộ Tài chính chưa xử lý trực tiếp, dù đã làm nhiều việc trong những năm qua, là việc để cho cổ phiếu kín room nước ngoài có mức giá hợp lý. Và ý tôi đang nói là bảng giá dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài và chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
- Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven nói thách thức lớn nhất với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là thể chế hoá. Còn quan điểm của ông như thế nào?
- Theo tôi, thách thức lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là không có giá cho cổ phiếu hết room. Vậy thôi. Những vấn đề còn lại là câu chuyện đi từ thị trường cận biên lên thị trường phát triển. Việt Nam đang làm rất tốt trong việc tạo ra môi trường để các công ty thành công, phối hợp với nhau một cách hiệu quả. Các chính sách xuất sắc đang được tiến hành đê thu hút nhân lực giỏi. Các vấn đề thể chế hoá then chốt đang được giải quyết.
- Vậy ông đánh giá thế nào về các sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo (CW) và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ?
- Việc phát triển thị trường trái phiếu rất quan trọng. Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và sản phẩm liên quan có lợi cho việc phát triển thị trường trái phiếu. Để tạo ra thị trường hoạt động đầy đủ (cả thị trường vốn và thị trường nợ), cần phát triển việc phòng ngừa rủi ro. Đến nay, chưa có cách thực sự nào để làm điều đó. Tôi nghĩ Việt nam cực kỳ giỏi trong việc sáng tạo các sản phẩm mới.
Còn về chứng quyền đảm bảo, theo tôi, sẽ rất thú vị khi theo dõi thị trường này. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây chưa phải là giải pháp đúng đắn bởi không có hợp đồng tương lai cho 1 cổ phiếu hay bán khống cổ phiếu. Những yếu tố này khiến CW không còn hấp dẫn như tiềm năng. Tôi nghĩ nhiều người mua CW để lách vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài.
- Ông kỳ vọng thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và việc ký kết hiệp định tự do thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) ?
- Tôi nghĩ những tiêu đề báo chí khắp nơi trên thế giới mang sắc thái tích cực đối với tâm lý thị trường. Tuy nhiên, chừng nào các yếu tố cấu trúc thị trường chưa được sửa đổi, đặc biệt là vấn đề sở hữu cổ phiếu ngoại, sẽ khó hình dung một thị trường tấp nập ngoại trừ dòng tiền đáng kể từ các quỹ hoán đổi chỉ số (ETF). Các quỹ ETF toàn cầu đang làm tốt, thu hút sự quan tâm, dựa trên những tin tức. Chừng nào dòng tiền từ ETF còn tiếp tục, chúng ta sẽ vẫn thấy thị trường tiếp tục tấp nập.
Người đồng hành