Những quy định pháp luật “mâm xôi vàng” khiến cộng đồng dậy sóng năm 2016
Sáng ngày 28/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã báo cáo tổng hợp cuộc bình chọn quy định pháp luật năm 2016. Bên cạnh 30 quy định tốt nhất, ví như giải “Oscar” cho các Bộ ban ngành, thì tồn tại một số “Mâm xôi vàng”.
Yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ôtô tại Thông tư 57/2015 của Bộ Công an là một ví dụ. Theo báo cáo, quy định này gần như không đạt được mục tiêu chính sách, khiến cho người sử dụng phương tiện không biết đặt bình cứu hỏa ở đâu trong xe, điều này sẽ gây bất tiện thậm chí là mất an toàn khi sử dụng phương tiện.
Đặc biệt, chi phí tuân thủ của quy định này khá cao. Với 3,5 triệu ôtô tại Việt Nam, mỗi ôtô phải trang bị bình chữa cháy và bình có hạn sử dụng 5 năm thì chi phí xã hội phải bỏ ra lớn hơn nhiều so với lợi ích thu lại được.
Một quy định được đánh giá là chưa tốt khác là Khoản 2, điều 26 Luật Công đoàn năm 2012. Điều khoản này quy định doanh nghiệp phải đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Quy định này được đánh giá về sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ. Báo cáo cho rằng: Công đoàn là tổ chức tự nguyện của người lao động nhưng lại yêu cầu người lao động đóng công đoàn phí là không cần thiết, chưa xuất phát từ tính chất, vai trò của công đoàn.
Hơn nữa, việc yêu cầu doanh nghiệp đóng công đoàn phí sẽ làm giảm tính độc lập của công đoàn. Hơn nữa, đối với cả những doanh nghiệp không có công đoàn, có nghĩa là người lao động đã thỏa mãn với lợi ích được hưởng mà không có nhu cầu đòi hỏi thêm, thì doanh nghiệp vẫn phải nộp công đoàn phí.
Khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ người lao động là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Nếu số tiền đó được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho người lao động hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động.
Tuy nhiên, phía Tổng liên đoàn đã viện dẫn nhiều lý do về lịch sử, thực tiễn hoạt động để bác bỏ quy định này.
“Khi cột đo xăng bị hư hỏng, chỉ được thuê cơ sở khác sửa chữa nếu được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đồng ý” - quy định tại Thông tư 15/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có tên trong danh sách 30 quy định kém.
Quy định này đã làm giảm đi cơ hội lựa chọn của doanh nghiệp, tốn kém chi phí mà lại không tạo được lợi ích rõ ràng nào cho xã hội và chi phí tuân thủ cũng rất cao.
Hay như Luật Doanh nghiệp 2014 dù được đánh giá là một luật tiến bộ, nhưng cũng có những quy định được đánh giá chưa tốt. Ví dụ như quy định “Giấy vàng – Giấy trắng” trong đăng ký doanh nghiệp – sự thiếu rõ ràng tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính và đi ngược lại tinh thần cải cách thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 2014.
Thông tư 47/2011 của Bộ Tài nguyên – Môi trường yêu cầu chỉ tiêu nước thải của ngành chăn nuôi phải đạt giá trị A, tương đương với nước có thể uống được cũng được đánh giá là chưa hợp lý.
Đặc biệt Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương, với quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống cũng không thoát khỏi danh sách này.
Báo cáo cho rằng, quy định này không rõ ràng mục tiêu chính sách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, làm méo mó cạnh tranh giữa hai nhóm thương nhân, khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu.
Đồng thời, quy định này cũng làm tăng chi phí xã hội để tuân thủ và tạo thế độc quyền cho một số nhà phân phối.
Đại diện cho VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế cho biết có những bộ, ngành đã làm việc với Ban tổ chức cuộc bình chọn và có những bộ, ngành đã bỏ quy định vô lý. Một số bộ, ngành thì chưa áp dụng quy định, chẳng hạn quy định buộc xe ô-tô phải có bình chữa cháy.
“Đặc biệt, nhiều bộ, ngành đã tuyên bố sẽ phải chỉnh sửa các quy định, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân”, ông Tuấn cho hay.