Những sếp ngân hàng nhưng lừng danh ở “đất” khác
Nhắc đến tên ngân hàng, nhiều người có thể đọc vanh vách tên tuổi, thậm chí sự nghiệp của các vị “sếp”. Song cũng có những vị lãnh đạo ngân hàng hiện nay không nổi danh nhiều như ở lĩnh vực bên ngoài mà họ tham gia.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của ngân hàng trong mỗi nền kinh tế. Bất cứ chuyển động nào của doanh nghiệp, người dân cũng gắn với ngân hàng. Và cũng chính bởi quan trọng như vậy, nên các ông chủ, bà chủ ngân hàng thường được chú ý. Nhắc đến tên ngân hàng, nhiều người có thể đọc vanh vách tên tuổi, thậm chí sự nghiệp của các vị “sếp”.
Song, cũng có những vị lãnh đạo ngân hàng hiện nay không nổi danh nhiều như ở lĩnh vực ngoài ngân hàng mà họ đang tham gia. Có thể kể đến vài cái tên như bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở HDBank, ông Đỗ Minh Phú của TPBank, ông Võ Quốc Thắng Kienlongbank, bà Thái Hương BacABank hay ông Dương Công Minh của Lienvietpostbank.
Ông Đỗ Minh Phú gắn với “Phú Doji”
Ông Đỗ Minh Phú (64 tuổi) là chủ tịch HĐQT của TPBank. Tuy nhiên trong giới tài chính vẫn hay gọi ông Phú với các biệt danh gắn liền Tập đoàn DOJI nhiều hơn. Cũng dễ hiểu bởi cả hai cơ nghiệp này đều nằm trong tay ông. Trong khi DOJI là “máu thịt” gắn với tên tuổi ông Phú và gia đình ông suốt 3 thế hệ, trong khi TPBank mới chỉ xuất hiện từ năm 2012 sau khi ông đổ vốn vào tái cơ cấu ngân hàng Tiên Phong.
Hiện tại, ông Đỗ Minh Phú cùng em trai Đỗ Minh Tú đang nắm giữ hai chức vụ cao nhất trong Hội đồng quản trị của TPBank. Còn ở DOJI, ông Phú vẫn là chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn và các công ty con. Hai con của ông Phú cũng đang nối nghiệp cha và ông kinh doanh vàng bạc đá quý ở DOJI.
Ở TPBank, trên giấy tờ DOJI và nhóm cổ đông liên quan sở hữu tối đa 20% vốn ngân hàng này. Hiện em trai ông Phú là ông Đỗ Minh Tú năm 5% vốn, vợ ông Tú từng giữ 3,91% vốn TPBank nhưng đã gửi hồ sơ lên Ủy ban chứng khoán về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sang cho con gái là Đỗ Quỳnh Anh từ tháng 5 năm nay.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo không thể tách rời Vietjet
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (46 tuổi) là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank. Trước đây bà Thảo nổi danh ở nhà băng này, tuy nhiên vài năm gần đây tên tuổi của bà ở HDBank bị lu mờ bởi Vietjet – hãng hàng không của vợ chồng bà mà bà đang là chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.
Trên cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị HDBank, bà Thảo ghi nhiều dấu ấn thông qua các thương vụ M&A như sáp nhập DaiABank vào HDBank hay mua công ty tài chính SGVF rồi bán 49% cổ phần cho đối tác Nhật và đổi tên công ty tài chính thành HD Saison. Nhưng, như bà thừa nhận, có lẽ hàng không phát triển nhanh và mạnh quá nên người ta chú ý nhiều hơn.
Theo tính toán của Bloomberg, sau khi Vietjet tiến hành IPO (dự kiến cuối năm nay), tài sản ròng của bà Thảo có thể lên đến hơn 1 tỷ USD và bà trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam.
Ông Võ Quốc Thắng – “bầu” Thắng và gạch Đồng Tâm
Ông Võ Quốc Thắng (49 tuổi) là chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Kiên Long, tuy nhiên người ta lại biết đến ông nhiều hơn với cái tên “bầu Thắng” trong bóng đá khi còn làm chủ tịch CLB Bóng đá Đồng Tâm Long An, hay lĩnh vực vật liệu xây dựng trên cương vị là chủ tịch của công ty Đồng Tâm (Dong Tam Group).
Ông Thắng từng là đại biểu quốc hội khóa 11 thuộc đoàn đại biểu Long An. Trước khi tham gia lĩnh vực ngân hàng, ông Thắng từng khẳng định vật liệu xây dựng là đam mê duy nhất, tuy nhiên sau này ông tiết lộ ngay từ năm 2006 đã có ý định lập ngân hàng nhưng có vấn đề trục trặc về giấy phép nên lại thôi.
Sau 3 năm lên làm chủ tịch Kienlongbank, ngân hàng của ông Thắng cũng chưa có chuyển biến gì nhiều trên thị trường tài chính ngân hàng. Hiện nhà băng này vẫn nằm trong top các ngân hàng nhỏ nhất hệ thống khi vốn chỉ 3.000 tỷ và tài sản chỉ hơn 26.000 tỷ đồng. Con trai ông Thắng là Võ Quốc Lợi đang đứng sở hữu 4,68% vốn của nhà băng này, cũng là người theo nghiệp tài chính ngân hàng.
Ông Dương Công Minh –‘Minh Him Lam”
Ông Dương Công Minh (56 tuổi) là chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Lienvietpostbank. Ông chủ của nhà băng này khá kín tiếng nên thị trường biết đến ông nhiều hơn trong lĩnh vực bất động sản.
Him Lam của ông Minh (ông sở hữu 99% cổ phần) đã xây dựng khoảng hơn 70 dự án nhà ở, khu du lịch và khu đô thị mới, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Một trong những dự án “để đời” mà Him Lam đã thực hiện là khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng tại Phường Tân Hưng, Quận 7 với quy mô gần 60ha. Trong thời gian gần đây, công ty bắt tay vào triển khai một loạt dự án mới như Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông…
Tại ngân hàng Liên Việt, Him Lam là cổ đông sáng lập đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của ngân hàng nhưng vợ ông Minh, bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.
Bà Thái Hương – “Thái Hương TH Milk”
Bà Thái Hương (58 tuổi), Tổng giám đốc của Ngân hàng Bắc Á được biết đến chủ yếu qua Tập đoàn TH. Tuy nhiên ít ai biết, ngân hàng mới là nghiệp đi trước của bà Hương với sự ươm mầm, nảy nở từ hơn 20 năm trước, còn sữa thì mới chưa được 10 năm.
Bà Thái Hương ít nổi danh trong lĩnh vực ngân hàng cũng là điều dễ hiểu bởi cá nhân bà và Bac A Bank đều khá kín tiếng trên thị trường. Hiện Bac A Bank vẫn nằm trong top những ngân hàng nhỏ và hoạt động trầm.
Trong khi đó, tên tuổi của bà lại gắn liền với thương hiệu sữa TH – TH Milk với những phát ngôn gây “sốc” như “Tôi không có đối thủ…” dù mới chỉ đầu tư vào hoạt động vài năm nay, hay “Tôi có thể tự hào khẳng định mình là người đặt viên gạch đầu tiên về sản xuất sữa tươi sạch trên thị trường…”
Năm 2015, bà Thái Hương được Forbes vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ quyền lực châu Á.
Trí Thức Trẻ