Những sự kiện hoàng gia nổi bật nhất trong năm 2019 khiến truyền thông quốc tế và công chúng chao đảo
Năm 2019 đã đánh dấu nhiều sự kiện nổi bật của các hoàng gia trên toàn thế giới thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận.
Năm 2019 là một năm bận rộn đối với các hoàng gia trên toàn thế giới với nhiều sự kiện trọng đại và ý nghĩa, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và dư luận. Sau đây là những sự kiện hoàng gia nổi bật nhất trong năm qua:
Quốc vương Malaysia thoái vị
Vào ngày 6/1, Quốc vương Malaysia Muhammad V thông báo quyết định thoái vị, trở thành nhà vua đầu tiên của nước này rời bỏ ngai vàng. Theo quy định, quốc vương Malaysia được lựa chọn từ 9 Sultan (tiểu vương) cai trị 9 bang Hồi giáo ở Malaysia. Quốc vương trị vì đất nước trong nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.
Ông Muhammad V sinh năm 1969, là con của Tiểu vương Ismail Petra cai trị bang Kelantan. Ông được lập làm Thế tử khi 10 tuổi. Ông từng du học Anh, theo học tại Học viện St Cross, Oxford và Trung tâm nghiên cứu Hồi giáo Oxford về nghiên cứu ngoại giao, theo Straits Times.
Quốc vương Malaysia thoái vị vào đầu năm nay.
Việc thoái vị của ông đã gây ra nhiều tranh cãi. Có thông tin cho rằng, vì cuộc hôn nhân với hoa khôi Nga Oksana không được hoàng gia chấp nhận nên ông buộc phải rời bỏ ngai vàng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cựu vương này đã li dị với người đẹp Nga và chối bỏ bé trai Leon là con đẻ của mình.
Tân Nhật hoàng Naruhito
Vào ngày 30/4, Nhật hoàng Akihito đã thoái vị, kết thúc triều đại Heisei và nhường ngôi cho con trai là Thái tử Naruhito. Ông là vị hoàng đế đầu tiên chủ động thoái vị trong hơn 200 năm qua ở Nhật Bản.
Một ngày sau đó, lễ đăng cơ của tân Nhật hoàng Naruhito đã diễn ra, đánh dấu khởi đầu cho triều đại mới Reiwa. Sau lễ đăng cơ, Nhật hoàng Naruhito có bài phát biểu đầu tiên trước cả nước với tư cách là hoàng đế thứ 126 tại Cung điện Hoàng gia trong sự chứng kiến của 300 khách mời.
Vào ngày 22/10, Nhật hoàng làm lễ lên ngôi long trọng, tuyên bố chính thức với thế giới trước sự chứng kiến của 2.000 quan khách từ hơn 190 quốc gia và tổ chức.
Nhật hoàng tuyên bố với toàn thế giới về việc lên ngôi của mình vào hôm 22/10.
"Tôi tuyên bố đăng quang trước người dân trong nước và thế giới. Tôi cam kết sẽ hành động theo hiến pháp và hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là biểu tượng của đất nước và đoàn kết người dân Nhật Bản", Nhật hoàng nói. Nhật hoàng cũng nói rằng ông luôn mong muốn "hạnh phúc cho người dân và hòa bình cho thế giới, hướng suy nghĩ đến người dân và sát cánh bên họ".
Quốc vương Thái Lan đăng cơ
Vào ngày 4/5, lễ đăng quang của Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã diễn ra tại Thủ đô Bangkok. Đây là lễ đăng quang đầu tiên của một nhà vua Thái Lan trong 69 năm qua và là một trong những sự kiện trọng đại nhất năm 2019 của quốc gia này.
Lễ đăng quang của nhà vua được diễn ra long trọng trong vòng 4 giờ đồng hồ với những nghi thức truyền thống. Quốc vương Vajiralongkorn ngồi lên ngai vàng có tên Phatharabit, được trao Đại vương miện Chiến thắng nặng 7,3kg và được các tùy tùng hỗ trợ đội nó lên đầu. Ông sau đó nhận bảng vàng khắc tước hiệu chính thức, ấn tín và các bảo vật khác.
Quốc vương Thái Lan đăng cơ trong trang phục truyền thống.
Vào ngày hôm sau, tân Quốc vương phong tước vị cho các thành viên hoàng gia, sau đó ngồi lên kiệu và diễu hành trên quãng đường 7km. Vào ngày 6/5, ngày cuối cùng của lễ đăng cơ, Quốc vương cùng các thành viên hoàng gia đứng trên ban công Điện Suddhaisavarya Prasad để nhận những lời chúc tốt đẹp từ người dân.
Hoàng quý phi Thái Lan bị phế truất
Cuối tháng 7/2019, vào dịp sinh nhật thứ 67 của mình, Quốc vương Vajiralongkorn đã ban tước vị "Chao Khun Phra", tức Hoàng quý phi , cho Thiếu tướng Sineenat Wongvajirapakdi, 34 tuổi, cựu sĩ quan quân y và là thành viên đội cận vệ của nhà vua. Trước bà Sineenat, danh hiệu Hoàng quý phi gần nhất ở Thái Lan được phong dưới thời vua Rama V cho Chao Khun Phra Prayoon Wong, hay Pae Bunnag năm 1921.
Vào tháng 8 sau đó, Cung điện hoàng gia bất ngờ công bố 60 hình ảnh và tiểu sử dài 46 trang của Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi vừa được sắc phong khiến cho cổng thông tin Văn phòng Hoàng gia Thái Lan đã sập vì quá nhiều người truy cập. Điều này chứng tỏ sức hút của bà Sineenat vì bà là Hoàng quý phi hiếm hoi trong thời hiện đại.
Tuy nhiên, vào tối ngày 21/10, Hoàng gia Thái Lan bất ngờ đưa ra thông báo phế truất Hoàng quý phi vì tội bất trung với vua và âm mưu lật đổ Hoàng hậu. Thông tin này đã khiến dư luận và truyền thông quốc tế bàng hoàng và cho đến nay số phận của bà Sineenat ra sao không ai biết rõ.
Meghan Markle sinh con đầu lòng
Vào sáng ngày 6/5, Hoàng tử Harry, Vương Quốc Anh, hạnh phúc tuyên bố vợ chồng anh đã chào đón con trai đầu lòng nặng 3,26kg. Đứa trẻ này đứng thứ 7 trong danh sách kế vị ngai vàng và là chắt thứ 8 của Nữ hoàng Anh.
Vài ngày sau đó, Công tước và Nữ công tước xứ Sussex công bố tên con trai là Archie Harrison Mountbatten-Windsor qua một thông báo trên tài khoản Instagram. Cung điện hoàng gia cũng xác nhận bé Archie sẽ là một "thường dân", không có tước hiệu hoàng gia theo mong muốn của vợ chồng Hoàng tử Harry - Meghan Markle.
Sự ra đời của bé Archie đã thu hút dư luận và truyền thông quốc tế vì sức hút của vợ chồng Hoàng tử Harry - Meghan Markle nổi bật không kém gì các thành viên hoàng gia khác. Họ đã liên tục phá vỡ các quy tắc hoàng gia, không sinh con ở bệnh viện truyền thống, không bế con ra mắt công chúng ngay sau khi sinh và hạn chế chia sẻ hình ảnh của đứa trẻ. Cho đến nay, hình ảnh hiện tại của bé Archie tiếp tục gây tò mò cho công chúng.
Vợ chồng Hoàng tử Harry - Meghan Markle bế con ra mắt công chúng.
Vua Thụy Điển rút đặc quyền của 5 người cháu
Vào đầu tháng 10 vừa qua, nhà vua Carl XVI Gustaf đã quyết định loại 5 trong số 7 người cháu ra khỏi danh sách thành viên hoàng gia được hưởng đặc quyền. Hai con trai của Hoàng tử Carl Philip và Sofia và 3 người con của Công chúa Madeleine và Chris O'Neill giờ đây sẽ không còn đóng bất kỳ vai trò chính thức nào trong hoàng gia.
5 người cháu của Quốc vương Thụy Điển sẽ không cần thực hiện nghĩa vụ với hoàng gia và cũng không được hưởng quyền lợi từ ngân sách. Mặc dù vậy họ vẫn sẽ giữ tước hiệu công tước và nữ công tước. Vợ hoặc chồng tương lai của 5 người cháu này cũng không được đặt tước hiệu liên quan tới hoàng gia. Hai người con của công chúa Victoria, người sẽ kế vị vua cha, không bị loại khỏi danh sách.
Giới quan sát xem quyết định của nhà vua Thụy Điển thể hiện quan điểm phổ biến cả nước rằng không cần chu cấp cho quá nhiều thành viên hoàng gia để thực hiện các nghĩa vụ lễ nghi truyền thống. Đồng thời, điều này sẽ giúp 5 đứa trẻ có được "cuộc sống bình thường" về sau khi không kế thừa ngai vàng. Những đứa trẻ sẽ không phải lo sợ bị bao bọc quá đáng.
Gia đình đông đúc của Quốc vương Thụy Điển.
Nguồn: Daily Mail, Mirror, Japan Today, Khaosod
Helino