MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 16-20/9

16-09-2024 - 09:19 AM | Tài chính quốc tế

Tuần tới sẽ đầy ắp các sự kiện quan trọng: Những cuộc họp của các ngân hàng trung ương, từ Mỹ đến Brazil và từ Châu Âu đến Nhật Bản.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 16-20/9- Ảnh 1.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự kiến sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm; Brazil có thể tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2022 và Nhật Bản sẽ lưu ý đến những biến động của thị trường khi cân nhắc việc tăng lãi suất thêm nữa ở thời điểm hiện tại.

Nhưng không phải tất cả các sự kiện tuần tới đều liên quan đến các ngân hàng trung ương. Động thái của UniCredit đối với Commerzbank đã làm hồi sinh cuộc thảo luận về M&A giữa các ngân hàng châu Âu.

Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý trên thị trường thế giới trong tuần 16-20/9/2024:

1/ ĐÃ ĐẾN LÚC FED HẠ LÃI SUẤT?

Thị trường tin rằng Fed sẽ kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào thứ Tư (18/9) với đợt hạ lãi suất đầu tiên trong vòng 4 năm - lần giảm đầu tiên trong chu kỳ nới lỏng tiền tệ này. Câu hỏi quan trọng mà thị trường đang rất quan tâm là Fed sẽ nới lỏng tiền tệ bao nhiêu (giảm lãi suất bao nhiêu %) và giảm nhanh như thế nào?

Thị trường gần đây vẫn tập trung tranh luận về việc Fed sẽ lựa chọn cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) hay 50 bps trong tháng 9 này. Tỷ lệ đặt cược nghiêng về phương án thứ nhất, sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ tăng nhẹ trong tháng 8, nhưng lạm phát cốt lõi vẫn “cứng đầu” khi duy trì ở mức cao.

Cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau khi cuộc họp kết thúc sẽ được thị trường theo dõi và phân tích kỹ lưỡng để tìm manh mối về tốc độ cắt giảm lãi suất mà Fed có thể thực hiện. Dữ liệu việc làm tháng ở Mỹ 8 yếu hơn dự kiến - tháng thứ hai liên tiếp thấp hơn dự kiến - làm dấy lên một số lo ngại rằng có lẽ là quá muộn khi bây giờ Fed mới bắt đầu nới lỏng tiền tệ.

Các nhà giao dịch vẫn tin rằng Fed sẽ hạ lãi suất tổng cộng 100 điểm cơ bản trong năm 2024.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 16-20/9- Ảnh 2.

Biểu đồ lạm phát của Mỹ và lãi suất của Fed.

 2/ SỰ KHÁC BIỆT VỀ CHÍNH SÁCH LÃI SUẤT CỦA CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI

Cũng vào thứ Tư (18/9), ngân hàng trung ương Brazil dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ do lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh vượt mục tiêu, ở mức 4,25%, và tăng trưởng mạnh hơn dự kiến .

Kể từ khi giữ nguyên lãi suất ở mức 10,50% vào tháng 7/2024, ngân hàng trung ương Brazil đã bóng gió rằng họ có thể tăng chi phí đi vay để đạt được mục tiêu lạm phát 3%. Quan điểm thắt chặt tiền tệ, được củng cố bởi thống đốc mới Gabriel Galipolo, đã khiến thị trường gia tăng đặt cược rằng lãi suất sắp tới sẽ được điều chỉnh tăng 25 điểm cơ bản, và điều đó có thể hỗ trợ đồng real tiếp tục tăng.

Nhưng Brazil là một trường hợp ngoại lệ trong số các nền kinh tế mới nổi.

Tại Nam Phi, nơi lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu, các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm vào thứ Năm (19/9). Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 50% trong cùng ngày, nhưng có khả năng sẽ cắt giảm vào tháng 11.

Ngân hàng trung ương Indonesia, họp vào thứ Tư (18/9), đã báo hiệu khả năng cắt giảm lãi suất trong quý IV.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 16-20/9- Ảnh 3.

Biểu đồ lạm phát và lãi suất của Brazil.

3/ ẨN SỐ LÃI SUẤT CỦA BOJ

Con đường duy nhất mà Nhật Bản (BOJ) có thể đi là tăng lãi suất. Ít nhất, đó là những gì các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Nhật Bản đang cân nhắc, mặc dù quyết định sẽ đưa ra lần này vẫn là một bất ngờ lớn.

Thị trường không cho rằng BOJ sẽ thay đổi lãi suất tại cuộc họp chính sách của mình (kết thúc vào thứ Sáu, 20/9), mà vấn đề chính sẽ là con đường thắt chặt sắp tới sau 2 lần tăng trong năm nay.

Đi ngược lại xu hướng nới lỏng toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách của BOJ đã bày tỏ quyết tâm tăng lãi suất thêm nữa, miễn là thị trường hoạt động và điều kiện kinh tế vẫn thuận lợi.

Điều đó đã giúp đồng yên tăng hơn 10% từ mức thấp nhất trong 38 năm chạm tới vào tháng 7, mặc dù các nhà đầu tư vẫn lo lắng về bất kỳ sự đảo ngược nào đối với các giao dịch chênh lệch lãi suất tiền yên - có thể gây ra biến động mới cho đồng tiền này.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 16-20/9- Ảnh 4.

Biểu đồ lạm phát và lãi suất của Nhật Bản.

 4/ KHÔNG DỄ ĐỂ DỰ ĐOÁN LÃI SUẤT Ở CHÂU ÂU

Ngân hàng Anh (BoE) và Ngân hàng Na Uy dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào thứ Năm (19/9). Dự kiến BoE sẽ nới lỏng chính sách lãi suất thêm hai lần nữa vào cuối năm 2024 và Na Uy có thể bắt đầu nới lỏng vào thời điểm đó.

Thật khó để bất kỳ ai, kể cả những người đứng đầu các ngân hàng trung ương trên thế giới, có thể hoàn toàn tin tưởng vào những dự báo như vậy. Bất kỳ sự bất ngờ nào từ Fed đều có khả năng làm đảo lộn triển vọng chính sách tiền tệ toàn cầu.

Nếu Fed tỏ thái độ ôn hòa thì đồng USD sẽ suy yếu, đồng thời sẽ làm thay đổi hoàn toàn dự báo về lạm phát của các quốc gia khác, chẳng hạn như Anh – nước nhập khẩu hàng hóa tính theo USD - và thúc đẩy Ngân hàng Na Uy phải có biện pháp hỗ trợ đồng crown của mình, bởi nền kinh tế nước này có liên quan mật thiết với mặt hàng dầu mỏ.

Bình luận của các quan chức Fed cho đến nay vẫn gây nghi ngờ về việc liệu cơ quan này từ nay trở đi có liên tục nới lỏng chính sách lãi suất hay không? Mỗi động thái của Fed đều tác động tới đồng USD và ngay lập tức có thể dẫn tới tình trạng thắt chặt (hoặc nới lỏng) các điều kiện tài chính trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư luôn dựa vào dự báo thị trường để biết chính sách của ngân hàng trung ương.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 16-20/9- Ảnh 5.

Biểu đồ lạm phát và lãi suất của Vương quốc Anh.

5/ LĨNH VỰC NGÂN HÀNG CHÂU ÂU SẼ KHÔI PHỤC HOẠT ĐỘNG M&A?

Việc ngân hàng Ý UniCredit SpA mua lại cổ phần của Commerzbank của Đức đã làm dấy lên suy đoán rằng hoạt động M&A liĩnh vực ngân hàng châu Âu được đã trở lại, điều mà thị trường rất nóng lòng chờ đợi.

Ngân hàng Ý đã công bố nắm giữ 9% cổ phần tại công ty cho vay của Đức - một nửa trong số đó được mua trực tiếp từ nhà nước Đức. Tổng giám đốc điều hành UniCredit, Andrea Orcel, rất muốn mua thêm hoặc thậm chí tiếp quản Commerzbank nếu ngân hàng này muốn hợp nhất.

Các nhà đầu tư hiện đang theo dõi liệu Orcel có thể vượt qua nhiều rào cản đã cản trở các thỏa thuận trước đây giữa các ngân hàng châu Âu, bao gồm cả sự phản đối mang yếu tố chính trị, và liệu rằng sẽ có nhiều ngân hàng hơn bắt đầu tìm kiếm các thỏa thuận khác hay không? Khả năng là có. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng đang mua cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu Commerzbank đã tăng giá gần 20% trong hai ngày, trong khi chỉ số ngân hàng châu Âu tăng gần 2%.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý trong tuần 16-20/9- Ảnh 6.

Giá cổ phiếu của Commerzbank tăng vọt sau khi bán 1 phần cho UniCredit SpA.

Tham khảo: Reuters


Vũ Ngọc Diệp

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên