Những tầm soát và xét nghiệm người lớn nên làm theo chuẩn Mỹ: Việt Nam cũng nên áp dụng
Bài này sẽ nói đến những bệnh được tầm soát khi khám sức khoẻ định kỳ ở người lớn đang được áp dụng ở Mỹ, được các hiệp hội y khoa khuyến cáo.
Bạn chắc biết nữ tài tử có đôi môi và thân hình nóng bỏng trong phim Tomb Raider, cô Angelina Jolie. Mẹ cô chết vì ung thư vú, cô được tầm soát ung thư vú và xác định có mang gene BRCA1 gây ung thư vú.
Khả năng cô sẽ bị ung thư vú là 87%, nên thay vì phải đi khám nhiều lần và hồi hộp chờ đợi căn bệnh ung thư vú gần như chắc chắn sẽ đến, cô chọn giải pháp cắt bỏ sớm luôn hai vú cho chắc ăn.
Các hãng bảo hiểm y tế ở Mỹ thường hay khuyến khích chúng ta khám định kỳ, nhiều khi còn thưởng cho những người đi khám đầy đủ. Lý do là chi phí tầm soát và điều trị sớm rẻ hơn nhiều so với chi phí điều trị khi phát hiện trễ, nên sẽ tiết kiệm cho hãng bảo hiểm.
Bài này sẽ nói đến những bệnh được tầm soát khi khám sức khoẻ định kỳ ở người lớn đang được áp dụng ở Mỹ. Các biện pháp tầm soát này được các hiệp hội y khoa khuyến cáo và luôn được thay đổi nếu cần thiết.
Nên chú ý đây là khuyến cáo tầm soát tiêu chuẩn cho những người bình thường, còn nếu bạn có nguy cơ hay tiền sử gia đình về một bệnh nào đó, thì nên tham khảo BS để có thể tầm soát sớm hay sâu hơn về bệnh đó.
Khuyến cáo tầm soát 2018
Gồm có:
-Khám định kỳ mỗi năm.
-Theo dõi cân nặng, chiều cao, BMI, huyết áp mỗi năm, có thể làm các xét nghiệm cơ bản như công thức máu (CBC), xét nghiệm sinh hoá máu cơ bản (CMP).
-Tầm soát về uống rượu, hút thuốc, béo phì, trầm cảm, chế độ vận động, quan hệ tình dục an toàn,…
Cholesteron
Kiểm tra lipid máu với tất cả mọi người >20 tuổi, có thể sớm hơn nếu có nguy cơ gia đình.
Lặp lại mỗi 5 năm nếu bình thường. Nếu trong ngưỡng bất thường thì có thể thử sớm hơn.
Ung thư vú
- Phụ nữ >20 tuổi, tự khám vú mỗi tháng 1 lần.
- Phụ nữ >40, khám vú với BS và chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần.
- Nếu gia đình có tiền sử ung thư vú, buồng trứng, vòi trứng và phúc mạc, thì sẽ tầm soát các yếu tố di truyền đột biến gene gây ung thư (BRCA1 và BRCA2).
Ung thư cổ tử cung
- Phụ nữ từ 21-65 tuổi, hay 3 năm sau khi bắt đầu có quan hệ tình dục.
- Pap smear mỗi 3 năm cho tới 30 tuổi, sau đó Pap smear và HPV typing mỗi 5 năm.
Ung thư đại trực tràng
- Tầm soát trên người 50-75 tuổi, có trường hợp tới 85 tuổi.
- Nội soi đại tràng (Colonoscopy) mỗi 10 năm.
- Xét nghiệm máu trong phân mỗi năm.
- Hoặc nội soi đại tràng sigma ống mềm mỗi 5 năm kèm theo xét nghiệm máu trong phân mỗi 3 năm.
Đái tháo đường
- Đường huyết lúc đói (được ưa chuộng hơn) hay đường huyết ngẫu nhiên cho người >45 tuổi mỗi 3 năm.
Cao huyết áp
- Kiểm tra huyết áp tối thiểu mỗi năm 1 lần cho mọi lứa tuổi.
Ung thư tuyến tiền liệt
- Khám hậu môn trực tràng và xét nghiệm PSA mỗi năm 1 lần cho người >50 tuổi, từ 40 tuổi đối với người da đen.
Thật sự khuyến cáo này có nhiều tranh cãi vì không thấy bằng chứng thật sự có lợi, nên mỗi nơi sẽ có cách làm khác. Theo tôi biết ở Anh họ không làm PSA thường quy vì không thấy cải thiện tiên lượng, thậm chí có nơi không khuyến cáo khám trực tràng. Bạn nên trao đổi với BS của bạn.
Loãng xương
- Phụ nữ >65 tuổi hay sau tắt kinh nếu có yếu tố nguy cơ nên chụp DXA (xét nghiệm mật độ xương), sau đó tuỳ theo kết quả lần đầu tiên mà quyết định chụp thường xuyên như thế nào.
HIV
Tầm soát HIV từ 18-65 tuổi, có thể lặp lại tuỳ theo yếu tố nguy cơ.
Ung thư phổi
Những người hút thuốc trên 30 gói/năm (số gói trong 1 ngày x số năm hút thuốc, đang còn hút hay bỏ dưới 15 năm), thì từ 55-80 tuổi nên được làm CT phổi liều thấp mỗi năm để tầm soát ung thư phổi.
Khi đã bỏ thuốc được 15 năm hay có bệnh khác làm giảm khả năng phẫu thuật phổi thì ngưng tầm soát.
Chủng ngừa
HPV9
Mọi phụ nữ và nam giới từ 9 tuổi-26 tuổi đều nên chích ngừa 3 liều.
Tuy nhiên FDA vừa chấp nhận cho dùng thuốc này tới 45 tuổi.
Cúm mùa ( Flu)
Mỗi năm trước mùa cúm, đặc biệt là những người có nguy cơ cao (có bệnh đái tháo đường, tim, phổi, thận, suy giảm miễn dịch).
Viêm phổi (PNEUMOCOCCAL VACCINE)
Người >65 tuổi, không có nguy cơ cao, nếu chưa chích PCV13 trước đó thì chích 1 liều PCV13, sau đó là một liều PPSV23 ít nhất 1 năm sau mũi PCV13.
Nếu đã có chích PPSV23 trước đó, thì chích 1 mũi PCV13 cách mũi PPSV23 gần nhất 1 năm, hai mũi PPSV23 phải cách nhau ít nhất 5 năm.
Người >65 tuổi có nguy cơ cao (bệnh tim, phổi, đái tháo đường nghiện rượu, gan hút thuốc) nhắc lại mỗi 5 năm.
Lịch chích ngừa này rất phức tạp, tui đọc cũng nhức đầu, xin tham vấn với BS của bạn.
TDap (uốn ván-bạch hầu-ho gà).
Chích nhắc lại mỗi 10 năm.
VARICELLA ZOSTER VACCINE (Shingles)
Cho người >60 tuổi, 1 liều duy nhất không cần nhắc lại.
Khuyến cáo có thể thay đổi chút ít tuỳ theo những vùng khác nhau, nhưng đây là những khuyến cáo thông dụng nhất. Tuỳ theo từng trường hợp có thể làm thêm những biện pháp tầm soát khác.
Xin lưu ý: Không cần phải làm nhiều xét nghiệm vô tội vạ vì chỉ tốn tiền và chuốc lo âu chứ không có lợi ích gì. Cũng đừng nghe ai đó đi nội soi "toàn bộ" từ miệng tới hậu môn mỗi năm, bữa nào xui thủng luôn cái đại tràng là kêu trời không thấu. Có khi tầm soát không làm mạnh khoẻ mà đi theo ông bà luôn thì khổ.
Cách tầm soát tốt nhất là sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, vận động đều đặn, chú ý tới cơ thể và đi khám bệnh sớm nếu có triệu chứng, khám định kỳ mỗi năm, làm các xét nghiệm tầm soát tiêu chuẩn, và kiếm cho mình một BS tốt mà trao thân gửi phận.
Chúc mọi người nhiều sức khoẻ.
Bs Trương Hoàng Hưng
(Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ)
BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU). Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.
Trí thức trẻ