MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm

17-03-2023 - 18:02 PM | Lifestyle

Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm

Những tấm vải nhung không chỉ mang sự mềm mượt ấn tượng mà còn phô bày những họa tiết đẹp mỹ miều, phức tạp đến mức không một ai bên ngoài có thể bắt chước nổi.

Bước chân vào một xưởng dệt nhỏ ở thành phố Venice (Italia), bạn sẽ ngỡ như mình đang một thế giới cổ xưa, nơi những tấm vải nhung quý giá được dệt bằng tay nghề khéo léo và cả sự kiên nhẫn đáng nể.

Sản phẩm cuối cùng sẽ đến tay những người giàu có và quyền lực ở những nơi tầm cỡ: từ Nhà Trắng đến Điện Kremlin, từ Vatican đến các hãng thời trang và cả biệt thự của các ngôi sao Hollywood.

Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm - Ảnh 1.

Trong số khoảng 6.000 khung dệt được các thợ dệt sử dụng vào thế kỷ 16 ở thành phố Venice, ngày nay chỉ còn 18 khung dệt. Chúng được vận hành bởi 7 nghệ nhân lành nghề, những người đóng vai trò gìn giữ một thứ nghề truyền thống cổ xưa, đẹp mà vô cùng gian nan. Rất có thể, họ là những nghệ nhân cuối cùng có thể tạo ra những thước vải nhung đẹp kiêu sa...

Thước đo sự giàu sang

Thành phố Venice nằm ở phía Đông Bắc của Italia đồng thời là thủ phủ vùng Veneto. Nơi đây bao gồm 118 hòn đảo nhỏ, kết nối với nhau nhờ hơn 400 cây cầu bắc ngang qua những con kênh rạch len lỏi đan xen chằng chịt trong lòng thành phố.

Thực tế, trước thế kỷ 14, ở Venice không có nghề dệt vải. Mọi nguồn vải đều nhập khẩu từ Đế quốc Đông La Mã. Nhưng vào những năm đầu tiên của thế kỷ 14, khoảng 300 thợ dệt từ Lucca (thuộc Tuscan, vùng Trung Italia) tị nạn đến đây. Chẳng bao lâu sau, họ đã góp công lan truyền nghề dệt cho cả thành phố.

Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm - Ảnh 2.

Kể từ đó, Venice không chỉ nổi tiếng với các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ và nhà văn mà còn nổi tiếng với các nghệ nhân dệt may. Họ đã sản xuất ra các loại vải có chất lượng và độ tinh xảo đến nỗi không dễ gì bắt chước được.

Trong thế kỷ 14 đến 18, vải nhung sản xuất ở Venice chủ yếu được sử dụng để may những bộ quần áo sang trọng nhất cho giới quý tộc châu Âu. Đến thế kỷ 16, các loại vải quý được sản xuất ở Venice đã trở thành nguồn của cải quan trọng nhất của thành phố.

Tại thời điểm cực thịnh, Venice có tới 6.000 khung dệt hoạt động liên tục. Số lượng thợ dệt đông đến nỗi chiếm 1/5 dân số thời bấy giờ. Người ta dệt đủ các loại vải, nhưng vải nhung thương hiệu thành Venice vẫn luôn đặc biệt hơn cả. Chúng không chỉ mang sự mềm mượt ấn tượng mà còn phô bày những họa tiết đẹp mỹ miều, phức tạp đến mức không một ai bên ngoài có thể bắt chước nổi.

Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm - Ảnh 3.

Song song với đó, giá vải nhung thành Venice luôn có mức giá mà chỉ giới quý tộc mới mua nổi.

Thế là, thời phong kiến ấy, vải nhung trở thành thước đo cho sự giàu có của từng người ở Italia. Đàn ông thì có áo choàng nhung. Phụ nữ thì vận những bộ váy lộng lẫy. Thậm chí cả giày đi dưới chân cũng kiêu kỳ bọc nhung thành Venice mới ra dáng quý cô thanh lịch, tiểu thư con nhà giàu.

Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm - Ảnh 4.

Đắt nên quý

Thực chất, nhung thành Venice đắt đỏ không phải là chất lượng thượng hạng, mà bởi mất quá nhiều thời gian để dệt. Thợ thủ công chuyên nghiệp cũng chỉ dệt được khoảng 25cm/ngày. Vì quá tốn công sức và thời gian nên nó thành ra hiếm. Bởi vì hiếm, nó bước lên cái ngưỡng "quý", để rồi thành ra xa xỉ, chỉ những ai sang giàu mới sở hữu nổi. Hiện nay, giá mỗi mét vải nhung Venice khoảng 5.000 euro (hơn 135 triệu VNĐ).

Vì không muốn bị bắt chước, các thợ dệt lành nghề ở thành Venice còn sáng tạo ra những kỹ thuật bắt mối cực lạ mà cũng cực khó. Chính vì thế mà các họa tiết trên mỗi tấm vải nhung lại khác nhau, mang muôn hình muôn vẻ.

Ngày ấy, vì sợ nghề truyền thống bị lan truyền ra bên ngoài, thành phố Venice còn cấm các thợ dệt giỏi bước chân ra khỏi thành. Cuối thế kỷ XV, thành phố cũng đề xuất và hiện thực hóa cái gọi là luật bảo vệ tài sản trí tuệ. Nhung thành Venice chính thức được cấp bằng sáng chế, trở thành mặt hàng độc quyền.

Những người dệt nhung cuối cùng

Năm 1875, vì thương xót cho những tấm vải nhung danh giá một thời, Luigi Bevilacqua phủi bụi những khung cửi cũ, tiếp tục nối lại nghề dệt đã bị mai một theo thời gian. Ông mở xưởng trên Kênh đào Chính của Venice (ngày nay thường được gọi là Venezia), đặt tên là Xưởng dệt Tessitura Luigi Bevilacqua.

6 thế hệ sau, công ty của ông tiếp tục kiên trì bảo vệ những bí mật của nghề thủ công cổ xưa này.

Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm - Ảnh 5.
Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm - Ảnh 6.

Nó hoàn toàn không phải là một loại hình nghệ thuật đơn giản, đòi hỏi nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực thể chất.

Bevilacqua giải thích: "Để chuẩn bị khung cửi dệt vải mất vài tháng, đôi khi cả năm. Ví dụ, khi chúng tôi làm loại vải này cho Điện Kremlin, chúng tôi đã làm việc trong một năm trước khi hoàn thành".

Khi chính phủ Nga ủy quyền cho họ sản xuất loại vải này để bọc một số chiếc ghế trong điện Kremlin, xưởng dệt của dòng họ Bevilacqua không biết liệu có đủ năng lực làm được hay không. Hoa văn này là một thiết kế của Pháp từ gần 300 năm trước, nhưng khung cửi được sử dụng để sản xuất ra nó đã không hoạt động trong 50 năm. Vì vậy, các thợ dệt phải sửa đổi một trong các khung dệt, và phải mất 6 tháng chỉ để sửa máy, đục lỗ và cuộn chỉ.

Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm - Ảnh 7.
Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm - Ảnh 8.

Bản thân việc dệt cũng đặc biệt phức tạp, bởi vì 2 thợ dệt cùng làm việc trên cùng một khung cửi. Đối với các loại vải thông thường, chỉ có một thợ dệt làm việc trên mỗi tấm vải, điều chỉnh khung dệt tùy theo sức của họ, chiều dài của cánh tay và độ căng mà họ cần cho các sợi chỉ.

Khung dệt có thể có từ thế kỷ 18, nhưng chúng vẫn hoạt động cho đến ngày nay nhờ một phát minh của thế kỷ 19. Đó là một cỗ máy, giống như tổ tiên của máy tính hiện đại, đọc các thẻ đục lỗ, ghi nhớ "sự hiện diện hay vắng mặt" của các lỗ ở các vị trí được xác định trước trong một loại mã bí mật mà khung cửi sử dụng làm bản đồ để thiết kế.

Tuy nhiên, dệt thủ công đòi hỏi một loạt các hoạt động phức tạp làm tăng thời gian sản xuất.

Đầu tiên, các thẻ đục lỗ được chuẩn bị và cần đến hàng nghìn thẻ vì mỗi thẻ đại diện cho nửa milimet của thiết kế, đôi khi dài tới 1,5 mét.

Sau đó, có khoảng 15 sợi tơ phải được gắn vào khung cửi. Không được dệt quá 25cm mỗi ngày đối với loại nhung quý giá và phức tạp nhất thế giới này.

Vị thế của nhung thành Venice

Ngoài Điện Kremlin ở Moscow, Nhà Trắng ở Washington, đơn đặt hàng còn đến từ những người nổi tiếng và cung điện hoàng gia trên khắp thế giới, Vatican, Quirinale (nhà của tổng thống Ý) và các hãng thời trang cao cấp.

Một mảnh nhung hổ do xưởng dệt Tessitura Luigi Bevilacqua sản xuất được dùng để bọc ghế trong biệt thự của ca sĩ Mariah Carey. Giulia Incipini đã làm việc tại xưởng dệt này được 7 năm.

Nhung thành Venice: Loại vải quý được ví như thước đo sự giàu sang từng vang bóng một thời, sắp lụi tàn vì cực kỳ khó làm - Ảnh 9.

“Đây là công việc chân tay, vì vậy việc xây dựng và chuẩn bị khung cửi cũng như dệt vải đều được thực hiện bằng tay, tất cả đều do chúng tôi thực hiện”, cô nói.

Không phải mọi thứ cô làm đều có thể được trưng bày. Cô phải đảm bảo không để lộ ra ngoài một tấm nhung mà họ đã dệt trong những tuần gần đó cho một nhà mốt nổi tiếng của Ý, một thiết kế vẫn còn là "bí mật hàng đầu".

Incipini dành hàng giờ để dệt trong xưởng bằng toàn bộ cơ thể như thể cô là một nghệ sĩ múa rối bậc thầy.

Giữ gìn một truyền thống cổ xưa như vậy có thể đồng nghĩa với việc đổ mồ hôi và thất vọng, đặc biệt là khi máy bị kẹt hoặc bị lạc trong mê cung của hàng nghìn sợi chỉ. Vì lẽ đó, những món đồ làm từ vải nhung thành Venice vẫn là thứ hàng xa xỉ trong thế kỷ 21.

Theo Minh Nhật

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên