Nhung thành Venice: Sự tàn lụi của loại vải cao cấp vang bóng một thời vì đắt và khó khủng khiếp
Tuy vẫn phô bày dáng vẻ kiêu sa trong Điện Kremlin hay Phòng bầu dục Nhà trắng, song nhung thành Vince hiện chỉ còn đúng 7 thợ dệt thủ công. Rất có thể, 7 người này còn là những thợ dệt nhung cuối cùng.
Nguyên nhân là bởi sự phức tạp quá sức cầu kỳ. Đến mức phải mất cả ngày, một thợ dệt thủ công chuyên nghiệp mới dệt được có 25cm vải.
Thước đo sự giàu sang của người Ý thời phong kiến
Venice là thành phố nằm ở phía Đông Bắc của Italia đồng thời là thủ phủ vùng Veneto. Nó bao gồm 118 hòn đảo nhỏ được kết nối với nhau bởi hơn 400 cây cầu.
Vernice xưa (trái) và nay (phải)
Thực chất thì Venice trước thế kỷ XIV không có nghề dệt vải. Họ thường phải nhập khẩu mặt hàng này từ Đế quốc Đông La Mã. Nhưng vào đầu thập niên 1300, nơi này bất ngờ đón nhận 300 thợ dệt chạy loạn từ Lucca. Chẳng bao lâu sau, toàn thành đã vang tiếng cửi.
Tại thời điểm cực thịnh, Venice còn có đến 6000 khung cửi hoạt động liên tục. Người làm nghề dệt đông đến nỗi chiếm hẳn 1/5 dân số đương thời.
Họ dệt đủ các loại vải, song vải nhung thương hiệu thành Venice là đặc biệt hơn cả. Chúng không chỉ có sự mềm mượt ấn tượng mà còn phô bày những họa tiết đẹp mỹ miều, phức tạp đến mức không một ai bên ngoài có thể bắt chước nổi.
Đổi lại, giá nhung thành Venice đắt ở mức "trên trời". Ngoại trừ vương tôn quý tộc ra, hiếm người mua nổi mà may trang phục.
Thời phong kiến, nhung thành Venice được xem như thước đo giá trị con người
Khắp Italia thời trung cổ, trai thanh gái lịch đua nhau trưng diện nhung thành Venice. Đàn ông quý tộc bước chân ra khỏi nhà là lo khoác áo choàng nhung lên mình. Phụ nữ thì trang đài trong bộ váy lộng lẫy, đến cả giày đi dưới chân cũng kiêu kỳ bọc nhung thành Venice.
Người ta đánh giá đẳng cấp của nhau thông qua nhung thành Venice đội trên đầu, mặc trên người, đeo dưới gót. Càng nhiều nhung thành Venice thì lại càng thể hiện được sự phú quý.
135 triệu/m - Giá đắt vì quá mất công dệt
Từ Ý, vải nhung thành Venice nhanh chóng tiến quân, chiếm lĩnh thị trường vải vóc thượng lưu Châu Âu. Trên vai các đức hồng y, áo choàng nhung thành Venice khoe sắc đỏ. Trong cung điện, nó bọc ngai vàng lộng lẫy, phô bày dáng vẻ kiêu kỳ.
Nhưng xét ra thì cái thật sự khiến nhung thành Venice đắt đỏ không phải là chất lượng thượng hạng, mà là tốn quá nhiều thời gian để dệt. Ngay cả thợ thủ công chuyên nghiệp cũng chỉ dệt được chừng 25cm/ngày.
Bởi vì quá tốn công sức và thời gian nên nó thành ra hiếm. Bởi vì hiếm, nó bước lên cái ngưỡng "quý", để rồi thành ra xa xỉ, chỉ những ai sang giàu mới sở hữu nổi. Ước tính hiện tại, giá cho mỗi mét vải nhung Venice rơi vào khoảng 5000 euro (hơn 135 triệu VNĐ).
Sợ bị bắt chước, các bậc thầy dệt thành Venice còn nỗ lực sáng tạo ra những kỹ thuật bắt mối siêu khó, siêu lạ. Nhờ họ, các họa tiết trên mỗi tấm vải nhung lại một khác, muôn hình vạn vẻ.
Lo bên ngoài học lỏm, Venice cấm các thợ dệt giỏi bước chân ra thành. Cuối thế kỷ XV, thành phố cũng đề xuất và hiện thực hóa cái gọi là luật bảo vệ tài sản trí tuệ. Nhung thành Venice chính thức được cấp bằng sáng chế, trở thành mặt hàng độc quyền.
Tiếc là vào năm 1797, khi gót giày người Pháp tiến đến mảnh đất này, mọi thứ đều không còn nguyên vẹn nữa. Chiến tranh khiến chẳng ai còn tâm trí nào mà lo chuyện trưng diện nữa. Nhung thành Venice "bốc hơi" như chưa từng tồn tại. Còn đám khung cửi thì bị ném ngổn ngang xuống kênh, mương.
Phải mất cả ngày, một thợ dệt lành nghề mới dệt được 25cm
Gia tộc Bevilacqua: Những người dệt nhung cuối cùng
Vài thập kỷ sau, vì thương vải nhung danh giá một thời, Luigi Bevilacqua (hậu nhân của một gia tộc dệt nhung nổi tiếng từ cuối Thế kỷ XV) cặm cụi đi vớt từng khung cửi, đem về sửa chữa. Vào năm 1875, ông mở xưởng trên Kênh đào Chính của Venice (ngày nay thường được gọi là Venezia), đặt tên là Xưởng dệt Luigi Bevilacqua.
"Dẫu thủy triều mỗi lúc một cao, lắm khi còn nhấn chìm cả xưởng, chúng tôi vẫn dệt vải nhung y hệt như cách tổ tiên trước đây 500 năm đã làm," – Alberto, con trai của Luigi, ông chủ xưởng Luigi Bevilacqua hiện thời cho hay.
Xưởng dệt Luigi Bevilacqua, nơi lưu giữ kỹ thuật dệt thủ công nhung thành Venice cuối cùng
Bất chấp công nghệ hiện đại đã cách mạng nghề dệt, xưởng Luigi Bevilacqua vẫn trung thành với các khung cửi gỗ do Luigi nhặt nhạnh. Có những chi tiết mà máy móc không cách nào copy được.
"Bí mật của nhung thành Venice nằm ở sự phức tạp vô hạn," - Doretta Davanzo Poli, giáo sư dệt may ở ĐH Ca 'Foscari, Venezia giải thích. Thêm vào đó, gia tộc Bevilacqua tuyệt đối giữ bí mật kỹ thuật dệt gia truyền. Bởi thế ngoại trừ họ, những người dệt nhung thành Venice cuối cùng, không còn ai biết.
Nỗ lực giữ gìn dẫu đã bị thời đại buông bỏ
Những năm 1900, xưởng Luigi Bevilacqua tấp nập gần 100 thợ dệt. Khách mua cũng hệt như thuở xưa, hầu hết thuộc hàng trâm anh thế phiệt. Thế nhưng bây giờ vừa vắng người hỏi thăm, đặt hàng, vừa chỉ còn đúng 7 thợ thủ công lành nghề.
Rất khó để thành thạo dệt vải nhung thành Venice kiểu cổ. Theo Silvia Longo, một thợ dệt 19 năm kinh nghiệm của xưởng thì trừ thao tác thủ công ra, bạn còn phải hiểu cả "tiếng nói" của từng khung cửi. Trong cái mớ hỗn độn âm thanh do chúng tạo, mỗi chiếc lại có 1 thanh âm chỉ thuộc về riêng nó. Trừ khi nắm bắt được thanh âm này, bạn tuyệt đối không thể điểu khiển khung cửi như ý.
Song càng khó bao nhiêu thì khi sản phẩm được tạo thành lại càng quý giá bấy nhiêu. Dệt nhung thành Venice là dệt một tác phẩm nghệ thuật. "Vì bạn cần đặt cả trái tim của mình vào, nên đó thật sự là một công việc tuyệt vời," – Longo bày tỏ niềm tự hào.
Trong khi 1 máy dệt vải nhung đạt công suất 6m/ngày, thì 1 thợ dệt thủ công lại cần đến cả tháng. Phải mất những 3 năm miệt mài, Longo và 2 thợ dệt nữa mới dệt được tổng cộng 740m.
Dẫu vậy, "Mỗi thiết kế đều là một ký ức của cha ông tôi," – Alberto tiếc nuối. Do đó bất chấp ế ẩm, ông vẫn cố xoay xở để duy trì. Có điều nếu tình hình không trở nên khá hơn, tất cả sẽ kết thúc. Quy định của nhà Bevilacqua là không truyền thụ kỹ thuật dệt cổ ra ngoài. Ngay cả 7 thợ dệt còn lại cũng đều là thành viên trong gia tộc.
Tham khảo: BBC
Helino