MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ‘thị trấn ma' nơi tiền tuyến Ukraine

10-06-2022 - 09:44 AM | Tài chính quốc tế

Những ‘thị trấn ma' nơi tiền tuyến Ukraine

Với ông Vadim Lyakh, thị trưởng của thành phố Slovyansk nhộn nhịp một thời giờ đang chìm trong khói đạn, mỗi ngày cuộc sống nơi đây đều tẻ nhạt, vắng lặng.

“Tôi thức dậy, xác minh thiệt hại do trận pháo kích mới nhất gây ra, kiểm tra binh sĩ đang bảo vệ thành phố và thăm dân thường có nhà cửa bị phá hủy”, ông Lyakh nói, "Ngày nào cũng vậy, một khuôn mẫu nghiệt ngã."

Chiến sự đã biến các thành phố ở vùng Donbass, miền đông Ukraine thành những "thị trấn ma". Khi các lực lượng Nga tiến sang phía tây, tìm cách đánh bật người Ukraine khỏi vị trí của họ và giành quyền kiểm soát miền đông đất nước, người dân hoảng sợ bỏ chạy lánh nạn.

Những làn sóng tị nạn này đang để lại phía sau những con phố trống trải và một sự im lặng chết chóc càng làm khuếch đại tiếng ồn ào của các cuộc bắn phá bên rìa thành phố. Nhưng nó cũng mang lại lợi thế cho cả hai bên: Nga có thể đẩy mạnh chiến lược bình địa mà tránh hoả lực rơi vào mục tiêu dân thường, còn Ukraine có thể tiến hành các trận chiến đô thị ác liệt, sử dụng khu dân cư làm nơi che chắn.

Thị trưởng Lyakh cho biết chỉ 1/4 dân số 100.000 người từ trước chiến tranh của Slovyansk còn trụ lại trong thành phố. Cùng với thành phố Kramatorsk gần đó, Slovyansk đang tự mình chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp xảy ra. Trước chiến tranh, thị trưởng Lyansk quản lý một đội ngũ 400 nhân viên để đảm bảo các dịch vụ của thành phố hoạt động trơn tru, giờ đây ông cho biết chỉ còn lại 50 người.

Vào đầu tháng 4, khi Nga rút lực lượng khỏi miền bắc Ukraine và tái tập trung chiến dịch quân sự vào vùng Luhansk và Donetsk ở phía đông, chính quyền hai khu vực Donbass này đã kêu gọi cư dân rời đi. “Các bạn cần phải sơ tán khi vẫn còn có thể”, Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk nói vào thời điểm đó.

Những ‘thị trấn ma nơi tiền tuyến Ukraine - Ảnh 1.

Người tị nạn rời thành phố với ánh mắt đầy lo lắng. Ảnh: WSJ

Các chuyến xe buýt rời Slovyansk hàng ngày chở theo vài chục thường dân hy vọng tìm được nơi trú ẩn sau các cuộc giao tranh, và nhiều người không biết phải đi đâu. Trong một thành phố gần như hoang vắng, một địa điểm gần trung tâm trở thành nơi duy nhất nhộn nhịp vào mỗi buổi sáng khi những người thân chia tay trong nước mắt.

Vitaly Kolesnichenko, một người hưu trí đang chờ rời đi trong tuần này, ngồi trên băng ghế với chiếc túi thể thao đựng đầy quần áo. Đêm 31/5, vợ ông ngủ một mình trên giường gần cửa sổ cho đỡ nóng. Bà bị tử thương vài giờ sau đó do sức ép từ một vụ nổ tên lửa lớn.

Thị trưởng Lyakh gần đây đã đến thăm nhà của một người mẹ sống với những đứa con trở thành người tàn tật ở một quận ngoại ô bị pháo kích. Ông hỏi tại sao họ không rời đi. Người phụ nữ đáp rằng họ không có tiền để sống ở nơi khác.

“Tôi đã nghe điều này hết lần này đến lần khác", Lyakh nói. “Sẽ quá nguy hiểm nếu sơ tán những người không chịu rời đi vào giờ chót. Khi đó, họ sẽ chạy ra ngoài chỉ mặc độc cái quần và cầu xin chúng tôi đưa họ đi, chẳng nghĩ gì đến tiền bạc nữa".

Những ‘thị trấn ma nơi tiền tuyến Ukraine - Ảnh 2.

Một chiến hào mới được binh sĩ Ukraine đào ở Donbass. Ảnh: WSJ

Không có nước, khí đốt hoặc điện sau các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng, những người trụ lại Slovyansk mỗi ngày phải đi lấy nước tại các máy bơm công cộng.

Những ngày gần đây, Oleh Yukhimchuk, một tay giang hồ, đã đi khắp thành phố cùng đồng bọn, trèo lên cửa sổ nhà những người dân bỏ đi. "Cơ hội 'làm nghề' đang bùng nổ", Yukhimchuk nói với một nụ cười vô vị, "nhưng tôi chẳng muốn làm gì cả".

Chiến tranh ngày càng ác liệt ở miền đông Ukraine. Giờ đây, khi dân thường rời Slovyansk theo một hướng, thì vũ khí đến từ hướng ngược lại. Dọc theo con đường đó, rải rác các trạm kiểm soát quân sự, từng đoàn xe tiến về tiền tuyến, mang theo vũ khí và trang thiết bị phức tạp và cũ kỹ, từ các loại pháo thời Liên Xô cho đến các khẩu pháo Bushmasters của Australia và lựu pháo M777 của Mỹ.

Những ‘thị trấn ma nơi tiền tuyến Ukraine - Ảnh 3.

Lựu pháo được đưa tới Donbass.

Phương Tây đang tăng cường hỗ trợ. Hôm 6/6, Anh lần đầu tiên cam kết sẽ gửi tên lửa tầm xa tới Kiev. Đức đã đàm phán với Hy Lạp để chuyển giao xe bọc thép. Và tuần trước, Mỹ cho biết họ sẽ gửi một hệ thống tên lửa dẫn đường có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 76km.

Đại úy Oleksandr Taranushchenko, chỉ huy Tiểu đoàn Dnipro-1, đơn vị nắm giữ các vị trí quan trọng xung quanh Slovyansk và có hàng rào giao thông hào bao quanh, cho biết đơn vị của ông thường xuyên bị Nga pháo kích và đang rất cần vũ khí tối tân. Ông nói: “Bạn không thể chống lại xe tăng với một khẩu súng trường”.

Trong khi đó, thiệt hại của cuộc chiến Ukraine cũng tiếp tục tăng lên. Khi các đoàn xe chở vũ khí tiến về phía giao tranh, những chiếc ô tô mang số hiệu 300 - mã dành cho thương binh - đi theo hướng ngược lại. Những người lính buồn bã hút thuốc, đầu và chân tay quấn đầy băng gạc. Một số đang giẫm lên đám cỏ ven đường, được đánh dấu đều đặn bằng các biển chỉ dẫn nhỏ ghi chữ “mìn”.

Những ‘thị trấn ma nơi tiền tuyến Ukraine - Ảnh 4.

Xác xe cháy rụi bỏ lại trên con phố hoang vắng. Ảnh: WSJ

Nhiều người bị thương được chuyển đến Kramatorsk, cách Slovyansk 16km - bệnh viện duy nhất trong vùng có máy quét CT còn hoạt động. Vào một buổi chiều gần đây, các tình nguyện viên đã đưa Oleksandr Kurden, người vừa bị pháo kích ở thị trấn Svyatohirsk gần đó, đến viện. Anh bị gãy xương đùi ở chân trái và mảnh đạn mắc ở bên phải, rên rỉ đau đớn khi được đưa vào máy quét.

Natalia Kolomyitseva, bác sĩ đã công tác 35 năm tại khoa chấn thương của bệnh viện Kramatorsk, cho biết kiến ​​thức y khoa của bà đang được kéo dài bởi những vết thương do chiến sự. Ngay cả những nhân viên y tế có kinh nghiệm nhất của bệnh viện cũng đang chứng kiến số loại thương tổn mà họ chưa từng gặp trước đây, như mảnh đạn nằm sau mắt bệnh nhân hay xương sống vỡ thành nhiều mảnh nhỏ.

Còi báo động không kích đang là một phần khắc nghiệt của cuộc sống hàng ngày trên khắp Ukraine. Nhưng ở Kramatorsk, nơi chỉ còn lại 1/4 dân số trước chiến tranh là 220.000 người, tiếng rú không ngừng đã trở thành một thứ âm thanh nền.

Bà Olha Ponomaryova, cư dân sống trong tầng 5 của căn hộ chung cư tại Kramatorsk bị phá hủy trong vụ tấn công đêm 5/5, nói bà không có chỗ nào để đi và cũng chẳng còn quan tâm đến còi báo động. “Chẳng có vụ nổ nào khi còi vang lên. Chúng chỉ nổ ra khi im lặng”, bà nói.

Theo Thu Hằng

Báo tin tức

Trở lên trên