Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy bởi bất động sản và chính phủ thường khuyến khích phát triển quy mô lớn. Tuy nhiên, các yếu tố như dân số già, vấn đề về khả năng chi trả hay điều kiện địa lý đã dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu, dẫn đến tình trạng nhiều bất động sản bỏ hoang, thậm chí hình thành cả một "thị trấn ma".
Khu đô thị Nhà khách Quốc gia
Trên những ngọn đồi gần thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh, vùng Đông Bắc Trung Quốc), có một nơi dường như bị lãng quên từ lâu - Khu đô thị Nhà khách Quốc gia. (Ảnh: Getty Images)
Đây từng là dự án khu dân cư cao cấp được quy hoạch với 260 căn siêu biệt thự theo phong cách Châu Âu, hướng đến tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Tuy nhiên, dự án đã bị dừng lại vào năm 2012, để lại 260 căn biệt thự thô, xây dang dở không biết bao giờ mới được hoàn thiện.
Nội thất của những biệt thự bỏ hoang này có lẽ còn đáng tiếc hơn. Bụi bẩn, rác thải là đồ trang trí duy nhất trong phòng, tương phản với sàn và cột bằng đá cẩm thạch, đèn chùm pha lê và đồ gỗ tinh xảo. (Ảnh: Getty Images)
Khu đô thị Nhà khách Quốc gia được phát triển bởi tập đoàn bất động sản Greenland có trụ sở ở Thượng Hải và bắt đầu xây dựng vào năm 2010. Tuy nhiên, sau hai năm, dự án đột ngột dừng thi công không rõ nguyên nhân. (Ảnh: Getty Images)
Sau nhiều năm bỏ hoang, Khu đô thị Nhà khách Quốc gia giờ đã trở thành mảnh đất canh tác cho nông dân gần khu vực. Những căn siêu biệt thự vốn định chào đón giới thượng lưu nay cũng trở thành chiếc chuồng nuôi bò "cao cấp". (Ảnh: Getty Images)
"Những căn nhà này có thể có giá hàng triệu USD, nhưng người giàu chẳng ai thèm ngó ngàng tới. Những người bình thường thì lại chẳng thể mua nổi", một nông dân họ Quách canh tác trong khu vực chia sẻ. (Ảnh: Getty Images)
Quảng Hạ Thiên Đô Thành
Quảng Hạ Thiên Đô Thành nằm ở bờ biển phía đông thành phố Hàng Châu, là một dự án phát triển bất động sản cao cấp khởi công năm 2007. (Ảnh: Baidu)
Nơi đây từng được mệnh danh là "Paris thu nhỏ của Trung Quốc", với thiết kế "sao y bản chính" những biểu tượng của thủ đô nước Pháp như Tháp Eiffel, đại lộ Champs Elysee, cùng những căn nhà có lối kiến trúc châu Âu quyến rũ như Đức, Ý, Anh. (Ảnh: Baidu)
Quảng Hạ Thiên Đô Thành dự định là nơi ở cho khoảng 10.000 người, nhưng cuối cùng chẳng mấy ai muốn đến "Paris" sinh sống. Ban ngày, chỉ có lác đác vài cặp đôi đến chụp ảnh cưới để tìm kiếm sự sang trọng, hay nắm tay tản bộ trên "đại lộ Champs Elysee" để cảm nhận không gian lãng mạn. (Ảnh: Baidu)
Nhiều người cho rằng vị trí cách trung tâm thành phố Hàng Châu 40 phút lái xe và nằm giữa vùng đất nông nghiệp, khiến người có tiền không mặn mà đến ở. (Ảnh: Atlasobscura)
Đảo Hoạt Lực
Đảo Hoạt Lực là tổ hợp của quảng trường Trung ương Vạn Nhân cùng 2 hòn đảo nhỏ Đông Phương Phong Tình và Tây Phương Phong Tình tạo thành, nằm ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. (Ảnh: QQ)
Được quy hoạch từ năm 2006 và tiến hành xây dựng vào năm 2007 trên nền diện tích 26,7ha, đảo Hoạt Lực vốn được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kinh tế thương mại trọng điểm ở phía Bắc thành phố Tô Châu. (Ảnh: QQ)
Tuy nhiên, suốt từ năm 2013 đến 2019, câu hỏi "dự án trọng điểm sau lại khó thu hút đầu tư như vậy?" luôn được đặt ra với chính quyền địa phương, song câu trả lời chỉ thay đổi từ "sẽ dần trở nên sôi động hơn" thành "công việc xúc tiến đầu tư đang được tiến hành". (Ảnh: QQ)
Kết quả, hòn đảo cứ thế rơi vào tình trạng tiêu điều, hoang vắng. Những căn nhà sang trọng đắt tiền bị hỏng hóc, cỏ dại mọc tùm lum cũng không ai thèm đoái hoài đến. Dòng sông thơ mộng trong tưởng tượng thì chứa đầy rác thải nổi lềnh phềnh trên mặt nước đục ngầu... (Ảnh: 163)
Wonderland Trung Quốc
Vào năm 1998, các nhà phát triển đã biến 100 mẫu đất cằn cỗi ở vùng ngoại ô Bắc Kinh thành công viên giải trí lớn nhất châu Á với tên gọi Wonderland Trung Quốc. Thế nhưng, các tranh chấp về chi phí và đất đai đã khiến mọi hoạt động xây dựng phải dừng lại. (Ảnh: Atlasobscura)
Đến năm 2005, các nhà đầu tư cố gắng tái khởi động việc xây dựng dự án để tận dụng việc Trung Quốc tổ chức Thế vận hội vào năm 2008, nhưng các kế hoạch được cho là đã bị cản trở bởi đề xuất xây dựng một thành phố mới trong cùng khu vực. (Ảnh: Atlasobscura)
Wonderland từ đó cũng bị lãng quên và các công trình như trở thành lâu đài ma trong truyện cổ tích. Một số nông dân trong vùng đã khai hoang đất và không có gì lạ khi thấy những người đàn ông làm việc trên cánh đồng ngô với bối cảnh giống như truyện Cô bé Lọ Lem. (Ảnh: Atlasobscura)
Trên mạng xã hội, nhiều người cho biết đã thử khám phá công viên giải trí này nhưng sớm phải rời đi vì sự hoang tàn, lạnh lẽo. (Ảnh: Atlasobscura)
Thị trấn dầu mỏ Lãnh Hồ
Khác với những "thị trấn ma" kể trên, Lãnh Hồ từng là một thị trấn đông đúc, thịnh vượng ở tỉnh Thanh Hải, nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Cam Túc và khu tự trị Tân Cương. (Ảnh: QQ)
Lãnh Hồ trước đó vốn là vùng đất hoang không có người sinh sống. Đến năm 1955, một đoàn địa chất đã phát hiện một trong những mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc tại đây. (Ảnh: Sohu)
Chính phủ sau đó đã thành lập một đặc khu hành chính để quản lý đất đai và khoáng sản tại khu vực. Các dịch vụ tiện ích sau đó cũng mọc lên như nấm sau mưa để phục vụ nhu cầu của công nhân làm việc tại đây. (Ảnh: Sohu)
Vào thời kỳ thịnh vượng nhất, tại khu vực Lãnh Hồ có tới hàng trăm nghìn người sinh sống và lao động ở những khu mỏ. Thế nhưng, với sự khai thác quá mức trong nhiều năm, các giếng dầu tại Lãnh Hồ dần cạn kiệt và các công nhân dần chuyển đến mỏ dầu khác. (ảnh: Sohu)
Thị trấn Lãnh Hồ từ đó cũng dần bị bỏ hoang và trở thành mảnh đất hoang tàn với những sự tiếc nuối. (Ảnh: QQ)
Hoa Vũ
(Tổng hợp)