Những thử thách cực đại phía sau kỷ lục thế giới của nhà máy VinFast
Biến những điều tưởng như không thể thành có thể, đội ngũ thi công đã chinh phục được nhiều thử thách chưa từng có ở Việt Nam.
Công trình Nhà máy VinFast có tiến độ nhanh như chớp là chuyện nhiều người đã nghe qua. Nhưng chi tiết thế nào thì rất ít khi được kể một cách kỹ lưỡng. Tôi tò mò muốn biết: Với một nhà xưởng, kỷ lục hoàn thành nhanh nhất của các anh là bao lâu?
Lê Hồng Quân: Chắc là… 14 ngày. Tôi từng trực tiếp phụ trách một nhà xưởng quy mô 12.000m2 và hoàn thành nó chỉ sau đúng 2 tuần.
Chuyện đó diễn ra như thế nào?
Lê Hồng Quân: Giai đoạn ấy rơi vào khoảng cuối 2022. Lúc đó, Chủ tịch Vingroup trực tiếp xuống thăm dự án và nhận thấy nhu cầu cấp bách cần có một kho lớn để chứa hàng. Xe ông Vượng vừa rời đi, VinFast lập tức triệu tập cuộc họp để thông báo: Trong vòng 14 ngày, tổng thầu Coteccons cần hoàn thành giúp Vinfast một xưởng sản xuất có diện tích gần 12.000m2, tức khoảng 1.2 ha. Yêu cầu đưa ra hôm trước thì sáng hôm sau, CĐT đã bàn giao mặt bằng.
Để đảm bảo tiến độ thần tốc trong khi không hề có chuẩn bị trước là một thử thách lớn. Bởi vì ngay lúc đó, Coteccons đang thi công 3-4 hạng mục quan trọng ở VinFast và không một hạng mục nào được phép lùi tiến độ trước yêu cầu mới phát sinh.
Thiết kế nhà xưởng lại do bên khác đảm nhận. Vì vậy chúng tôi phải cấp tốc ngồi cùng họ ngay từ đầu để tính toán mọi mặt về nhân lực, vật lực…
Điều quan trọng nhất thời điểm đó là “hàng” về phải lắp dựng được ngay. Có nghĩa thiết kế phải tương thích với vật liệu tốt có sẵn hoặc dễ mua, dễ sản xuất. Nếu thiết kế bằng những vật liệu hoàn toàn mới thì gay go. Vì thiết kế vật liệu rồi thì mới đi đặt hàng. Nếu chờ hàng từ nước ngoài hoặc các nhà máy chuyên sản xuất sắt, thép… thì chắc chắn sẽ thua về tiến độ. Đây là đòn “cân não” nhất. Rất may khi phối hợp cùng chủ đầu tư (CĐT) và bên thiết kế, thì phương án như vậy đã “chốt” được.
Sau khi chốt, chúng tôi lập cơ chế báo cáo với CĐT theo ngày: Ngày nào kéo thép về, ngày nào đổ xong nền, ngày nào tôn về để lợp mái… Anh em chia 3 ca làm việc, công trường không ngừng nghỉ.
Coteccons là nhà thầu lớn nên kho hàng cũng phong phú. Mặt khác chúng tôi sát sao với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu hàng đầu trong nước để đẩy nhanh tiến độ, cứ có hàng là cho xe bốc ngày đêm ra công trường.
Xưởng có quy mô lớn, nên sau 4 ngày, Coteccons lắp dựng được cột thép đầu tiên. Đầu này còn đang đổ bê tông, đầu kia chúng tôi đã đốc thúc làm kết cấu thép, chứ không làm lần lượt từng bước như điều kiện thông thường. Nói chung chúng tôi phải khoanh vùng, chia việc giống như đem quân đi đánh chiếm từng vùng.
Có một kỉ niệm thú vị là sáng hôm sau bàn giao thì đêm hôm trước anh em vẫn còn một vùng xưởng chưa lợp mái. Ngay trong đêm, chúng tôi huy động rất nhiều máy móc, thiết bị, nhân sự để làm việc bằng 200% công suất và đến rạng sáng hôm sau chính thức hoàn tất. Chủ đầu tư cũng tiếp quản nhanh như điện. Buổi trưa chúng tôi bàn giao thì tới chiều, họ đã tiếp nhận rồi vận hành luôn. Đúng là thần tốc.
Xây nhà máy thế thì đúng là như đi đánh trận. Trong 14 ngày thần tốc đó, có những “trở ngại” lớn nào xảy ra không, thưa anh?
Lê Hồng Quân: (Cười) Chúng tôi phải tính toán thời gian sít sao từng giờ, thế mà cuối cùng lại vướng nhiều yếu tố ngoại cảnh. Đó là một ngày dính mưa bão, một ngày mất điện và một ngày bị cấm đường khi chủ đầu tư đón khách VIP.
Mất điện thì chúng tôi cũng xoay sở được vì có máy phát. Nhưng căng thẳng nhất là cấm đường đúng lúc hàng hóa, vật liệu xây dựng đổ về dồn dập. Áp lực hơn nữa là cái xưởng này nằm giữa 2 xưởng khác mà Coteccons đang thi công. Điều đó buộc hai xưởng bên cạnh phải đẩy tiến độ. Không khí ở công trường vì thế càng thêm phần căng thẳng.
Nhưng cuối cùng, tất cả những khó khăn đó không thể nào biến thành lý do để chúng tôi chậm tiến độ. 14 ngày chính xác là 14 ngày.
Vì tinh thần ấy, CĐT đánh giá rất cao. Họ thậm chí tin rằng, Coteccons có thể làm nhanh hơn nữa và trong tương lai, chuyện xây một xưởng mất 14 ngày không phải vấn đề khó. Có lẽ vì vậy, sau hạng mục này, chúng tôi tiếp tục bàn giao thêm cho VinFast vài xưởng với tiến độ tương tự.
Đó là sự ghi nhận rất chân thành và đáng quý từ phía CĐT, nhưng mặt khác tôi nghĩ nó cũng phù hợp với xu thế chung của ngành xây dựng khi mọi thứ ngày càng hiện đại hơn. Ví dụ ở Trung Quốc, người ta có thể xây cao ốc chỉ trong vòng vài ngày…
Lê Hồng Quân: (Cười) Tôi xin nhấn mạnh điều này: Có thể 10 hay 20 năm sau, chuyện xây một xưởng rộng 1ha chỉ trong vòng 14 ngày, sẽ là điều bình thường. Nhưng lúc chúng tôi tiến hành, đấy là chuyện chưa từng có ở Việt Nam! Coteccons thực sự là người tiên phong, làm việc chưa từng ai làm.
Tôi thừa nhận Trung Quốc hiện có những thứ vượt trội hơn chúng ta. Nhưng xin thưa, để xây một cao ốc trong vài ngày, ngoài chuyện nhà thầu giàu kinh nghiệm, đầu tư lớn, máy móc thiết bị cực kỳ tối tân…, thì Trung Quốc còn có một lợi thế rất quan trọng: họ có sẵn những công ty gia công, xưởng đúc, lắp ráp các module tại kho và khi cần thì vận chuyển đến hiện trường lắp ghép, nên chúng ta có thể thấy những tòa nhà, bệnh viện tại Trung Quốc được xây dựng rất nhanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta không có sẵn những nhà xưởng lắp ráp như vậy. Tại VinFast chúng ta làm fast track, là vừa thiết kế và thi công nên kết cấu thép không thể chuẩn bị trước.
Mặt khác, dù chỉ mất vài ngày lắp dựng, nhưng nhà thầu Trung Quốc phải mất tới vài tháng hay thậm chí cả năm để thiết kế và thực hiện các khối bê tông đúc sẵn. Còn Coteccons khi bắt đầu hạng mục 14 ngày hoàn toàn chưa có gì trong tay, chỉ đơn thuần là tiếp nhận yêu cầu từ CĐT. Đó là điểm khác biệt không hề nhỏ.
Nói thật là ở ngoài nhìn vào, người ta sẽ không mường tượng được hết thách thức mà các anh trải qua. Họ rất dễ kết luận: Được chi nhiều tiền thì chuyện đẩy nhanh tiến độ cũng không phải việc quá khó…
Lê Hồng Quân: Xây dựng nhanh cũng cần phải có tiềm lực mạnh, đó là tổng hợp nhiều yếu tố như: tài chính tốt để sẵn sàng linh hoạt hỗ trợ cho các tổ đội, nhà cung cấp trong những trường hợp tiến độ gấp; khả năng ứng biến và xử lý của các kỹ sư Coteccons cũng rất nhạy bén, luôn hỗ trợ hết sức để làm sao vẫn đảm bảo được tiến độ, chất lượng, an toàn mà vẫn giữ được hòa khí và mối quan hệ giữa tư vấn giám sát, nhà thầu phụ, nhà cung cấp và nhiều đối tác liên quan
Ví dụ, để đảm bảo tiến độ, có những lúc chúng tôi phải linh hoạt. Hàng về là chuyển luôn tới công trường. Nếu chờ đợi ghép xe để tiết kiệm chi phí thì không thể thần tốc được.
Công ty cũng hỗ trợ hết sức để miễn làm sao đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn thi công. Ví dụ trước đây, muốn nhập vật liệu phải được công ty duyệt, nay phải làm khác. Mặc dù Coteccons có văn hóa trao quyền và mỗi giám đốc dự án giống như một CEO điều hành mọi việc, nhưng khi chỉ có 14 ngày thì gần như không thể tiến hành thủ tục tuần tự như cũ. Các nhà thầu phụ, nhà cung cấp cũng hiểu chúng tôi, nên không đòi hỏi phải chốt xong hợp đồng mới xuất hàng mà cứ gọi đến là chuyển luôn, tinh thần cực kỳ quyết liệt.
Mọi người làm việc vất vả, công ty cũng tưởng thưởng tương xứng, kịp thời và trực tiếp. Tất cả các nhà cung cấp, nhà thầu phụ… tham gia hạng mục này đều có chính sách riêng để động viên.
Tuy nhiên, tài chính chỉ là một phần, năng lực thực thi mới là điểm then chốt.
Lúc đó, chúng tôi phải làm rất nhiều thứ: Lên ý tưởng, thiết kế, nhập hàng, phân bổ nhân sự, thiết bị… Nói đơn giản như việc vận chuyển vật liệu, chúng tôi phải tính toán ưu tiên cái nào về trước cái nào sau, cái gì đi mua, cái gì sản xuất được. Rồi bài toán làm sao các bộ phận phối hợp và kết nối được với nhau giống như tấm lego ghép nối phải đúng nhịp…
Bình thường các xưởng của VinFast chúng tôi làm 5-6 tháng, nhưng tôi nghĩ, các nhà thầu khác có lẽ phải mất ít nhất một năm mới hoàn thành. Đối với nhà xưởng 14 ngày, chúng tôi phải tư vấn cùng CĐT cắt giảm những thứ không thiết yếu. Tuy nhiên, kể cả khi rút ngắn như vậy thì cũng phải mất 2-3 tháng mới tạm thở được, còn chúng tôi chỉ có đúng 14 ngày.
Tôi rất hiểu sự căng thẳng và những thử thách các anh đã vượt qua. Nhưng cũng không biết khi ở trong hoàn cảnh ấy, trạng thái cụ thể của mọi người sẽ như thế nào?
Lê Hồng Quân: Chúng tôi cảm giác trong người lúc nào cũng như nước đang sôi, lửa đang bỏng, chạm vào cái gì cũng thấy nóng rát tay (cười). Toàn bộ Ban chỉ huy ai cũng cảm nhận được sức nóng khủng khiếp, kể cả các nhà thầu phụ.
Anh em ban chỉ huy dù được nghỉ trưa nhưng cũng không thể ngủ và buổi tối thường ngủ không sâu giấc. Chúng tôi luôn trăn trở: Làm thế nào để hoàn thành hạng mục nhanh nhất, chất lượng nhất, an toàn nhất và không lãng phí? Cường độ lao động từ sáng tới tối lúc nào cũng căng thẳng.
Bản thân tôi làm chỉ huy trưởng ở đây rất đau đầu vì đã quyết cái gì là buộc…phải đúng.
Trong các cuộc họp giao ban, chúng tôi luôn có những câu hỏi rất ngắn, ví dụ như: Cần bao nhiêu người, bao nhiêu máy, mấy giờ hàng về, mấy giờ đổ bê tông, bao giờ lợp mái, vướng ở đâu? Chúng tôi luôn tập trung đi thẳng vào trọng tâm để tháo gỡ ngay khó khăn, không có thời gian vòng vo.
Rất may, những chuyện như thế chỉ xảy ra trong thời điểm nhất định chứ không phải ngày nào cũng vậy.
Ở trong cảm giác nước sôi lửa bỏng như thế, điều anh cảm nhận rõ nhất về tinh thần của chủ đầu tư là gì?
Lê Hồng Quân: Thú thực Vingroup làm cái gì cũng rất quyết liệt và nhanh chóng. Họ là doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm. Tinh thần của CĐT truyền cảm hứng cho nhà thầu và khiến chúng tôi có suy nghĩ: Không việc gì nói được mà không thể làm được. Nếu không suy nghĩ như vậy thì có lẽ ngay từ đầu, Coteccons đã không nhận dự án VinFast. Vì đây vốn là dự án Fast-tracks (thiết kế và thi công song song) nên không có bản vẽ hoàn thiện ban đầu. Mô hình này khá phổ biến trên thế giới nhưng còn mới ở Việt Nam, nó giúp đẩy nhanh tiến độ và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi sự ứng biến vô cùng linh hoạt, năng lực cao từ nhà thầu, CĐT.
Vấn đề là công trình này quá gấp gáp, từ trước tới nay không ai nghĩ có thể làm xưởng 12.000m2 chỉ trong vòng 14 ngày. Trước thách thức rất lớn đó, CĐT và nhà thầu có chấp nhận đối mặt hay không? Nhưng khi thấy CĐT quyết liệt, quyết tâm thì chúng tôi cũng vậy, không nao núng, dám và chấp nhận đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Việc dù khó tới đâu, CĐT và chúng tôi luôn tin sẽ làm được. Chính vì vậy, chúng tôi cùng họ đã vượt qua.
Những điều anh kể trên là toàn bộ những thách thức mà các anh đối mặt ở công trình nhà máy Vinfast? Có còn câu chuyện nào đáng nhớ?
Lê Hồng Quân: Chưa phải toàn bộ đâu. Tôi vẫn nhớ, lúc đang thi công thân vỏ cho một hạng mục văn phòng, tình hình thực tế đòi hỏi sự thay đổi tiến độ so với dự kiến.
Thực ra tiến độ ban đầu đã rất gấp, VinFast yêu cầu chúng tôi bàn giao vào cuối tháng 3.2024. Tuy nhiên, để kịp đón đoàn Tổng thống Indonesia sang thăm nhà máy, chúng tôi phải hoàn thành vào cuối tháng 1. Trong hạng mục tổng này lại có một hạng mục mà đoàn khách sẽ đi qua nên cần làm xong để cảnh quan đẹp hơn, phải bàn giao gấp vào nửa đầu tháng 1. Tức là có 2 lần tiến độ cần rút ngắn.
Đứng trước thách thức này, Coteccons huy động toàn bộ nhân sự từ giám sát, thi công, chia 3 ca làm việc liên tục. Suốt từ đầu tháng 12 ngay khi có thông tin rút ngắn tiến độ, chúng tôi đã phải làm như vậy.
Thời điểm Tổng thống Indonesia sang thăm dự án VinFast đúng dịp chúng tôi tổ chức tiệc tất niên. Ban chỉ huy dự án thi công nhà máy VinFast cũng đã đăng ký cho toàn bộ anh em sang Quảng Ninh để tham dự sự kiện. Tuy nhiên, đến lúc tiến độ gấp như vậy, toàn bộ ban chỉ huy ở nhà. Khi đoàn tiền trạm của CĐT đi khảo sát và nói mọi thứ ổn rồi thì một nửa BCH mới sang dự sự kiện được nhưng sang đến nơi thì tiệc gần tàn.
Chúng tôi cùng với CĐT đã bàn 2 phương án, vùng nào đảm bảo xây và sơn được, sẽ làm hết sức để kịp, còn những vùng không thể kịp thì phải dựng hệ khung cột và lắp biển quảng cáo. Thế là lại thành biển quảng cáo đẹp với đoàn khách VIP. Khi thống nhất phương án như vậy, đêm hôm đó, anh lãnh đạo Vingroup yêu cầu ngay trong đêm phải căng xong để sáng mai đoàn tiền trạm thẩm định.
Từ 1h đêm đến sáng, mọi người làm việc quên thời gian và cứ sau 1 tiếng, chúng tôi lại chụp hình gửi CĐT để họ nắm tình hình. Sáng hôm sau đoàn tiền trạm tới thì vừa khít xong.
Mặc dù dự án VinFast đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ 2019 nhưng hiện nay, công trình này vẫn tiếp tục được thi công. Việc xây dựng các hạng mục nằm giữa các nhà xưởng đang sản xuất khiến các anh gặp thách thức gì?
Lê Hồng Quân: Chúng tôi luôn phải đảm bảo quá trình xây dựng không làm gián đoạn hoạt động của nhà máy. Vì thế, những hạng mục liên quan đến các xưởng đang hoạt động thì nhà thầu, CĐT và phía nhà máy phải ngồi lại với nhau, phân tích xem giờ nào thi công mới hợp lý. Thông thường khoảng sau 10h đêm, nhà máy sẽ dừng dây chuyền hoặc giảm bớt số người làm và lúc đó mình có thể đưa người ra làm ở khu vực giáp ranh với dây chuyền.
Có những khu vực anh em tối vào làm thì sáng mai phải trả lại mặt bằng cho nhà máy hoạt động nên là bằng mọi giá, làm tới đâu thì phải rút ra, vệ sinh sạch sẽ.
Khi thi công thì chắc chắn sẽ phát sinh bụi, tiếng ồn và để tránh ảnh hưởng tới nhà máy, Coteccons phải dùng 2 lớp bạt che, thường xuyên phun nước để tránh bụi. Mặt nền có người quét dọn liên tục. Khu vực tiếng ồn lớn phải thi công ban đêm.
Riêng những khu vực nhà máy sơn xe sẽ không cho phép hạt bụi nào lọt vào thì chúng tôi phải căng bạt tới tận đỉnh mái cao tới 20m và cử người phun ẩm liên tục. Riêng đội ngũ phun sương chống bụi đã tốn kém rất nhiều rồi (cười).
Mặc dù đáp ứng tiến độ gấp như thế nhưng chúng tôi và CĐT đều đặc biệt coi trọng tính an toàn. Ví dụ, nhà thầu khi muốn thi công trên cao đều phải xin phép, có kế hoạch để báo trước với CĐT. Lực lượng an ninh của VinFast tuần tra liên tục, nếu có gì sai sót là họ xử phạt ngay.
Hay như an toàn về cháy nổ cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Nếu như các công trình khác có cháy nổ thì cũng chỉ ảnh hưởng trong khu vực đấy thôi, nhưng ở VinFast, nếu không may ảnh hưởng đến nhà máy thì vô cùng nguy hiểm. Vì thế, công trường khác vẫn có thể hút thuốc ở khu vực quy định, nhưng riêng ở VinFast, toàn bộ lao động không được hút thuốc hay đem bật lửa vào.
Nói đến chuyện an toàn, tôi nhớ khi xảy ra đại dịch Covid-19, công trường VinFast phải nói là nơi tầm soát dịch bệnh kỹ lưỡng bậc nhất. Tất cả người tới đây làm việc đều phải cách ly đủ 14 ngày, sau đó test PCR âm tính mới được vào làm.
Hải Phòng kiểm soát dịch bệnh rất chặt. Đảo Cát Hải còn chặt hơn vì lối vào là độc đạo. Nhưng lớp phòng dịch của VinFast còn chặt hơn nữa. Ngày nào những người như chúng tôi cũng phải đi test nhanh và cứ thứ Hai, Tư, Sáu là test PCR. Lúc đó mọi thứ khá căng thẳng, huy động công nhân, vận chuyển hàng hóa đều gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, mỗi ngày công nhân đều mất nhiều thời gian để chờ test Covid-19.
Rồi công nhân lợp mái nhà xưởng cũng đứng cách mặt đất 20-30m, nên chúng tôi phải có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trước nhân trèo lên mái, công nhân phải được kiểm tra huyết áp, các thông số sức khỏe. Đồ bảo hộ lao động và lưới chăng rất kỹ để không có bất cứ sơ xảy nào.
Mặc dù gặp không ít thách thức khó như thế, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn lao động, chung tay tạo dựng một công trình mang đến sự tự hào cho rất nhiều người Việt.
Đời sống pháp luật